06:40 06/02/2022

Doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động trong chuỗi giá trị nông nghiệp

Chu Khôi

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích phát triển (EFD) giai đoạn 2, đã ghi nhận doanh thu bình quân năm 2021 tăng 14% so với năm 2020. Đến nay 27 doanh nghiệp đã tạo ra 1037 việc làm trực tiếp tại các doanh nghiệp và tạo việc làm gián tiếp cho hơn 8.300 hộ nông dân…

Dự án EFD hướng tới mục đích giúp đối tượng yếu thế.
Dự án EFD hướng tới mục đích giúp đối tượng yếu thế.

Oxfam Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ Cộng đồng (CSIP) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đã thực hiện  ttổng kết dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích phát triển - Hỗ trợ Doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động trong chuỗi giá trị nông nghiệp (EFD) giai đoạn 2” vào cuối tháng 1 vừa qua. Dự án EFD giai đoạn 2 được thực hiện từ tháng 12/20218 đến hết tháng 1/2022.

CHUYỂN ĐỔI SANG MÔ HÌNH KINH TẾ NHÂN VĂN

Ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam, cho biết một trong những mục tiêu quan trọng mà Oxfam đang hướng tới trong giai đoạn này là vận động dịch chuyển từ mô hình phát triển dựa vào tăng trưởng kinh tế sang mô hình phát triển kinh tế nhân văn.

Mô hình mới này hiểu một cách ngắn gọn là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm, quá trình phát triển không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo ông Tú, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 90% trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế đất nước. Đặc biệt, doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo công ăn việc làm cho những nhóm người yếu thế ở các địa phương, cho nên đây được xem là rường cột của kinh tế địa phương.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, Oxfam tại Việt Nam đã dành rất nhiều nguồn lực để khuyến khích những cách tiếp cận nhằm giải quyết một cách sáng tạo các vấn đề kinh tế xã hội và dựa trên tiềm năng của chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi.

“Oxfam tin rằng nghèo đói, bất công và bất bình đẳng sẽ được giảm thiểu khi có sự tương tác giữa những công dân tích cực, chính quyền có trách nhiệm, khu vực tư nhân năng động có trách nhiệm. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Dự án EFD góp phần rất quan trọng về cách tiếp cận này của Oxfam tại Việt Nam”, ông Tú nhấn mạnh.

Dự án EFD hướng tới mục đích giúp đối tượng yếu thế (các hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ nghèo, thanh thiếu niên nghèo) nâng cao vị thế, có thêm việc làm, tăng thu nhập, được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Dự án thực hiện mục tiêu này thông qua việc nâng cao năng lực điều hành, phát triển kinh doanh, huy động vốn và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trong chuỗi giá trị nông sản.

Ở giai đoạn 1 của Dự án EFD thực hiện từ tháng 8/2015 đến tháng 9/2018 đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp tạo tác động. Kế thừa những thành công từ giai đoạn 1, dự án EFD giai đoạn 2 (EFD2) tiếp tục được triển khai từ 12/2018 đến 01/2022. 

Với sự hỗ trợ tài chính từ Mạng lưới các Doanh nhân vì Doanh nhân của Hà Lan thông qua tổ chức Oxfam Novib tại Hà Lan và Quỹ GSRD Foundation,. EFD giai đoạn 2 được Oxfam phối hợp triển khai với 2 đối tác là CSIP và GreenHub.

 

Sau 3 năm triển khai giai đoạn 2 của dự án EFD, hợp phần nâng cao năng lực đã thu hút 241 doanh nghiệp trên cả nước đăng ký tham gia, trong đó 27 doanh nghiệp tạo tác động đã được lựa chọn để nhận các gói gỗ trợ đào tạo và tư vấn chuyên sâu.

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP Việt Nam, cho biết được lựa chọn tham gia dự án EFD là những doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi giá trị nông sản với một đặc điểm chung là phát triển kinh doanh song hành với việc tạo ra các giá trị xã hội tích cực cho hộ nông dân quy mô nhỏ, người nghèo, thanh thiếu niên nông thôn và các nhóm yếu thế khác. Dự án cũng đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp có nữ lãnh đạo.

Hầu hết doanh nghiệp tạo tác động tham gia dự án EFD giai đoạn 2 đều phát triển từ mô hình doanh nghiệp gia đình hoặc đang trong giai đoạn đầu phát triển, họ thường đối mặt với nhiều thách thức như: hoạch định chiến lược và phát triển kinh doanh, quản trị điều hành do phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn lực tài chính và nhân sự, thiếu vốn khi mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa hiểu rõ và thiếu bộ công cụ đo lường tác động do doanh nghiệp tạo ra…

Tổng kết dự án diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Tổng kết dự án diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Với sự chung tay của Oxfam và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, CSIP đã tổ chức chuỗi các hoạt động nâng cao năng lực và kết nối nguồn lực nhằm giúp các doanh nghiệp phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện sứ mệnh kinh doanh tạo tác động.

Đã có 29 khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến được tổ chức, cùng với 90 gói tư vấn đồng hành 1: 1 được triển khai, thu hút 2.100 lượt người tham dự là lãnh đạo quản lý và nhân viên trong các doanh nghiệp, trong đó hơn 62% là phụ nữ.

Đối với hợp phần nâng cao năng lực tiếp cận vốn, gần 190 lượt người tham dự các chương trình đào tạo về tài chính. Cùng với đó, 7 sự kiện kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư với sự tham gia của 17 doanh nghiệp và 14 đơn vị cấp vốn tiềm năng.

Kết quả, 5 doanh nghiệp đã huy động thành công hơn 2 triệu USD từ các nguồn vốn, hiện 4 doanh nghiệp đang trong quá trình thẩm định, thương thảo với các nhà đầu tư.

NHỮNG "CÁNH ÉN" KIÊN CƯỜNG VƯỢT BÃO DÔNG

Trong 2 năm qua, đại dịch Covid – 19 bùng phát đã gây ra những trở ngại chưa từng có trong lịch sử ở tất cả các lĩnh vực ngành hàng, các doanh nghiệp tham gia EFD cũng không phải là ngoại lệ.

“Trước bối cảnh đó, CSIP đã kịp thời bổ sung các phiên trao đổi, tư vấn với những chủ đề thực tiễn như: lãnh đạo sự thay đổi, mô hình kinh doanh co giãn, quản trị dòng tiền, chuyển đổi số trong doanh nghiệp… nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch, kết hợp hình thức tổ chức linh hoạt giữa trực tuyến và trực tiếp”, bà Oanh chia sẻ.

Năm 2021, CSIP cùng các đối tác trong đó có Oxfam đã triển khai chương trình Én xanh với chủ đề “Cánh én kiên cường vượt bão dông” nhằm tạo ra không gian giao lưu học hỏi, và kết nối các doanh nghiệp EFD với 100 doanh nghiệp tạo tác động khác trên khắp cả nước, cùng với các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ những thay đổi nhờ dự án.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ những thay đổi nhờ dự án.

Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ dự án EFD giai đoạn 2 đã đăng đàn chia sẻ những kinh nghiệm tại hội thảo. Bà Lương Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Pun Coffee bày tỏ: “Nhờ dự án, chúng tôi đã đưa sản phẩm đi xa hơn, nhờ có nền tảng cốt lõi cả về tư duy của chủ doanh nghiệp, cả về hệ thống vận hành, xây dựng quản lý từ con người cho tới chất lượng sản phẩm, cho tới tác động đến xã hội bên ngoài”.

 

Đến nay, 27 doanh nghiệp đã tạo ra 1037 việc làm trực tiếp, 738 là lao động nữ, bao tiêu và thu mua thường xuyên sản phẩm của 5755 hộ nông dân, thu mua theo thời vụ sản phẩm của 2613 nông hộ khác. Các sản phẩm của doanh nghiệp đều được canh tác theo hướng an toàn hoặc hữu cơ, giảm thiểu rác thải nông nghiệp.

Bà Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Kạn cho biết, dự án EFD đã tạo cho doanh nghiệp một bước tiến mới, thay đổi tư duy nhận thức. “Chúng tôi ký được nhiều hợp tác, liên kết được với nhiều nông dân hơn, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn cho bà con nông dân”, bà Hương nói.

“DACE đã nhận được 3 gói hỗ trợ chuyên sâu từ dự án EFD, nhờ đó 3 năm vừa qua, chúng tôi luôn đạt tăng trưởng doanh thu trên 30% mỗi năm”, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty DACE thông tin.

Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty An Nông cho hay: “Doanh thu của Công ty đã tăng đến 200%, chúng tôi đã dần xây dựng được thương hiệu. Đã nhìn rõ được sứ mệnh, tầm nhìn và định hướng trong 10 năm, 20 năm tới”.

Tổng hợp từ 27 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia dự án EFD giai đoạn 2 cho thấy: các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bình quân năm 2021 tăng 14% so với năm 2020; 100% doanh nghiệp được nâng cao kiến thức và kỹ năng về quản trị điều hành; 80% doanh nghiệp có những thay đổi tích cực rõ nét trong công tác quản trị tổ chức nhân sự, kế toán tài chính.

Hầu hết doanh nghiệp có sự thay đổi nhận thức rõ rệt về mô hình kinh doanh tạo tác động và được tiếp lửa để theo đuổi mô hình này, 90% nữ lãnh đạo và quản lý trong các doanh nghiệp tham gia dự án đã tự tin hơn về kỹ năng và năng lực lãnh đạo của mình.