17:37 31/01/2018

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 26%

Chu Khôi

Giá trị xuất khẩu gạo tăng hơn 74%; rau quả tăng 37%; điều tăng 40%... là những con số vô cùng ấn tượng

Nhóm hàng rau quả vẫn giữ được đà tăng trưởng "khủng" trong xuất khẩu, khi đem về 321 triệu USD.
Nhóm hàng rau quả vẫn giữ được đà tăng trưởng "khủng" trong xuất khẩu, khi đem về 321 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2018 ước đạt 3,09 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2017. Hầu hết các mặt hàng đều tăng trưởng mạnh về kim ngạch.

Trong tháng 1/2018, giá trị xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản tăng 34,1%; thuỷ sản tăng 15,6%; lâm sản tăng 18,5% so với tháng 1/2017.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo tháng 1/2018, tăng cả lượng và giá, với 524 nghìn tấn, đem về 249 triệu USD, tăng 56,5% về lượng và tăng 74,2% về giá trị so với tháng 1/2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,2% thị phần. 

Đáng mừng là, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã tăng 45 USD/tấn trong vòng 1 tháng qua, từ mức 390 - 395 USD/tấn tháng 12/2017 lên 420 - 430 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn) tháng 1/2018. Giá gạo tăng mạnh được nhận định là do nhu cầu nhập khẩu gạo từ Philippines và Indonesia tăng cao.   

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2018, thương mại gạo toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 1% và đạt 42,3 triệu tấn. Điều này tác động đến lượng gạo xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam có thể tăng thêm 400 - 600 ngàn tấn so năm 2017 để đạt mức 6,3 -6,5 triệu tấn.

Nhóm hàng rau quả vẫn giữ được đà tăng trưởng "khủng" trong xuất khẩu, khi tháng 1/2018 đem về 321 triệu USD, tăng 36,9% so với tháng 1/2017. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, với thị phần lần lượt là 75,7%, 3,6%, 2,9%, và 2,4%. 

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 1/2018 ước đạt 396 nghìn tấn với giá trị đạt 126 triệu USD, tăng 66,1% về lượng và cao gấp 2,12 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Xuất khẩu cà phê tháng 1/2018 đã tăng trưởng trở lại, với 173 nghìn tấn, giá trị đạt 338 triệu USD, tăng 24% về lượng và tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,7%, 12,5%. 

Xuất khẩu cao su tháng 1/2018 đạt 181 nghìn tấn với giá trị đạt 204 triệu USD, tăng 94,5% về lượng và tăng 14% về giá trị. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 64,3%, 5,3% và 4%. 

Xuất khẩu chè tháng 1/2018 ước đạt 9 nghìn tấn, kim ngạch đạt 15 triệu USD, giảm 4,9% về lượng nhưng tăng 10,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chè xuất khẩu sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam chiếm 30,1% thị phần.

Tháng 1/2018, cả nước xuất khẩu 25 nghìn tấn hạt điều, đạt kim ngạch 256 triệu USD, tăng 39,9% về lượng và tăng 56,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 34,7%, 15,4% và 13,3%.

Trong nhóm nông sản, chỉ có mặt hàng tiêu là sụt giảm giá trị. Xuất khẩu tháng 1/2018 ước đạt 13 nghìn tấn, với giá trị đạt 56 triệu USD, tăng 59,2% về lượng nhưng giảm 8,9% về giá trị. Giá bán tiêu cũng giảm mạnh tới 53% trong năm ngoái, và đà giảm vẫn chưa chịu dừng lại trong năm mới.    

Đối với nhóm hàng lâm sản, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1/2018 đạt 709 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần là 42,7%, 14%, và 13,4%. 

Ngành hàng thủy sản vẫn duy trì mức tăng trưởng, khi đạt giá trị xuất khẩu 560 triệu USD trong tháng đầu năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Giá cá tra và tôm nguyên liệu đều đang trong xu thế tăng...

Đáng chú ý, tuy tăng trưởng cao về xuất khẩu, nhưng nhập khẩu còn tăng mạnh hơn. Nếu như năm 2017, kim ngạch nhập khẩu toàn ngành đạt 27,74 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2016; thì đến tháng 1/2018 tăng trưởng nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp lên tới 48,1%, và đạt 2,78 tỷ USD. 

Tuy nhiên, điều không quá lo ngại là nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất và chế biến trong ngành nông nghiệp ngay từ đầu năm và cũng nhằm chủ động cho các tháng tiếp theo...