Kinh tế 2021-2022: Việt Nam và Thế giới
Mời quý độc giả tìm đọc "Kinh tế 2021-2022: Việt Nam và Thế giới" với nhiều bài viết hấp dẫn...
Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới, những điểm sáng về kinh tế Việt Nam trong năm 2021 cho thấy khả năng ứng phó, sức sống của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khắc nghiệt của dịch bệnh; nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế; kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục mới...
Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý 3 âm 6% do đợt bùng phát dịch lần thứ tư, nhưng sang quý 4 đã đạt mức tăng 5,22%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 (4,61%), và cả năm ước tăng 2,58%. Thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 (đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại); cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp, đạt khoảng 4 tỷ USD. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá ổn định; mặt bằng lãi suất bình quân giảm; dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố, tăng trên 10%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tương đương 34,4% GDP, tăng 1,2% so với năm 2020. Nông nghiệp tiếp tục giữ được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD... Với kết quả trên, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên đà phục hồi như hiện nay, kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2022 được dự báo như thế nào? Có bao nhiêu kịch bản thích hợp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thế giới? Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và biến chủng mới, kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều?...
Để giải đáp cho những câu hỏi quan trọng này, mời quý độc giả tìm đọc cuốn sách "Kinh tế 2021-2022: Việt Nam và Thế giới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phát hành tháng 2/2022. Bao gồm 2 phần:
Phần 1: Nhìn lại toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2021 và dự báo triển vọng trong năm 2022, gồm các bài viết đáng chú ý:
- Kinh tế 2021: Một năm đầy thử thách. Việt Nam đã vượt bão thành công năm 2021. Hy vọng năm 2022 và tiếp theo, Việt Nam sẽ thực hiện thành công Chương trình Khôi phục kinh tế 2022-2023. Với nỗ lực mạnh mẽ của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam sẽ thực hiện thành công các mục tiêu phát triển 2025, 2030, 2045.(GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam).
- Ngân sách nhà nước năm 2021 và dự toán năm 2022. Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung đã phải chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là từ giữa năm 2021, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế và đời sống nhân dân. Vì vậy, số thu NSNN của năm 2021 so với năm trước chỉ tăng được 3,68%, nhưng đã là cố gắng rất lớn của ngành tài chính nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Để tổ chức thực hiện thành công dự toán NSNN năm 2022, cần có một số giải pháp tích cực cho ngành tài chính. (Phạm Minh Thụy).
- Dân số, lao động: Kết quả và những vấn đề đặt ra. Đại dịch Covid-19 đã “bào mòn” nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể trên thị trường và cuối cùng cũng dồn đến con người - dân số, lao động. Tuy vậy, về dân số, lao động vẫn đạt được những kết quả tích cực trong năm 2021, song cũng đặt ra một số vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới. (Phương Dung).
- Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Năm 2021, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu. Kết quả đạt được này đồng thời cũng là nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022. Trong ngũ giác mục tiêu (tăng trưởng cao, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, môi trường được bảo vệ và cải thiện), khi các mục tiêu tăng trưởng cao, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, môi trường được bảo vệ và cải thiện hoặc là không đạt, hoặc chỉ đạt rất thấp, thì lạm phát thấp là mục tiêu được hoàn thành. (Phương Nam).
- Thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với đà khôi phục của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2021 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. (Phùng Đắc Lộc).
- Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021, giải pháp 2022. Năm 2021, bất chấp những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã ghi nhận một năm tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều kỷ lục về mức tăng chỉ số, thanh khoản thị trường, giá trị vốn hóa và số lượng tài khoản mở mới… Chúng ta cùng nhìn lại những dấu ấn nổi bật năm 2021 và đánh giá triển vọng, giải pháp dự kiến được triển khai trong năm 2022 của TTCK Việt Nam. (Tạ Thanh Bình).
- Nông, lâm nghiệp, thủy sản: Xứng danh là bệ đỡ và cần được tiếp tục hỗ trợ. Năm 2021, nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục được vinh danh là bệ đỡ và các năm tới cần được hỗ trợ để tiếp tục là bệ đỡ. (Minh Anh).
- Khách quốc tế giảm sâu và “nhập siêu”! Giảm sâu và nhập siêu là hai đặc điểm lớn nhất về khách quốc tế đến Việt Nam năm 2021 và là điểm khác biệt so với những năm trước đây. Khó khăn, thách thức làm giảm sút lượt khách quốc tế chỉ là tạm thời, kỳ vọng sẽ tăng tốc trở lại và sẽ đạt kỷ lục mới trong tương lai không xa, tương xứng với danh xưng “Mỏ vàng trắng”. Vấn đề là kiểm soát tốt hơn nữa đại dịch, đẩy mạnh thỏa thuận hộ chiếu vaccine, bảo tồn và cải thiện các cơ sở du lịch, hỗ trợ các đơn vị trực tiếp và có liên quan đến du lịch. (Hiểu Minh).
- Chuyển dịch cơ cấu đóng góp cho tăng trưởng. Tăng trưởng bao gồm tăng trưởng về tốc độ và tăng trưởng về chất lượng cùng sự bền vững của tốc độ tăng. Vì thế cơ cấu phải chuyển dịch để đóng góp nhiều hơn cho tốc độ tăng trưởng và đóng góp tốt hơn cho chất lượng cùng sự bền vững của tăng trưởng. (Đỗ Văn Huân).
Phần 2: Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2021 và dự báo năm 2022, gồm các bài viết đáng chú ý:
-Tăng trưởng kinh tế thế giới 2021 và triển vọng 2022. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 nói chung có bước phục hồi rõ ràng so với năm 2020 nhờ việc phổ cập vaccine mạnh mẽ và các phương thức sản xuất thích nghi với điều kiện mới được triển khai có hiệu quả. Triển vọng kinh tế thế giới năm 2022 tiếp tục phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát dịch COVID-19, sự phối hợp quốc tế, tiến bộ trong năng lực sản xuất, các dòng đầu tư đi kèm với các biện pháp khơi thông chuỗi cung ứng và kiểm soát các rủi ro tài chính có hiệu quả. (Nguyễn Trần Minh Trí).
- Đầu tư toàn cầu năm 2021 và triển vọng 2022. Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 và đòi hỏi những chính sách hỗ trợ hết sức quyết liệt từ các chính phủ nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ những đợt phong tỏa và ngưng trệ sản xuất gây ra. Bên cạnh đó, thế giới cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh của các dòng đầu tư quốc tế trong năm 2021, tập trung mạnh tại các nước phát triển. Đây là xu hướng chủ đạo trong năm 2021 và rất có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2022. (Nguyễn Trần Minh Trí).
- Thương mại toàn cầu năm 2021. Thương mại toàn cầu năm 2021 đã có những bước phục hồi mạnh mẽ bất chấp những căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, song chuỗi cung ứng toàn cầu đang chứng kiến sự đứt gãy dai dẳng do các biến thể virus mới. Dự báo năm 2022, giá cả hàng hóa nói chung có thể tiếp tục gia tăng do chi phí vận chuyển và kiểm dịch tăng nếu xuất hiện các đợt dịch mới. (Nguyễn Trần).
- Rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu và dự báo năm 2022. Chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng thông qua các gói cứu trợ và kích thích kinh tế khổng lồ, các chiến dịch miễn giảm thuế, bổ sung chi tiêu cho y tế, cắt giảm lãi suất... nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 khiến ngân sách của nhiều quốc gia trong năm 2021 bị thâm hụt nặng nề và nợ chính phủ tăng lên nhanh chóng. Những trục trặc trong hệ thống tài chính vốn dĩ tồn tại từ trước khi đại dịch ở một số quốc gia, cộng với các thách thức mới nảy sinh trong điều kiện dịch bệnh đã đẩy nhiều nền kinh tế đứng trước rủi ro về một cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng. (Phương Khánh).
- Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2021 và triển vọng năm 2022. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu chính thức bước sang năm thứ hai kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, vận tải hàng hóa trên toàn thế giới. Mặc dù nhiều nền kinh tế đã bước vào giai đoạn bình thường mới, phát đi những tín hiệu lạc quan về sự phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, song cuộc khủng hoảng hiện nay dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2022. (Vũ Huyền Diệu).
- Khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2021 và triển vọng năm 2022. Thị trường năng lượng toàn cầu trong năm 2021 đã phải chống chọi với liên tiếp những cơn bão lớn. Sau những đe dọa về hàng loạt các cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng y tế, khủng hoảng thông tin cho tới khủng hoảng kinh tế trước cú sốc Covid-19, các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế lại phải đương đầu thêm với một cuộc khủng hoảng mới – khủng hoảng năng lượng. (Mỹ Duyên).
- Kinh tế ít chạm: Thực trạng và triển vọng phát triển. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 đã tạo ra những cú huých mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế ít chạm. Tuy nhiên, ngay cả khi đại dịch Covid-19 thoái trào, kinh tế ít chạm được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục trở thành một trong những xu hướng chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu, do vừa giảm thiểu được những tiếp xúc không cần thiết gây lãng phí nguồn lực, vừa gia tăng được tính hiệu quả về kinh tế. (Đỗ Hà).
- Nền kinh tế y tế dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trong năm 2021, những làn sóng dịch bệnh liên tiếp đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế y tế, làm khan hiếm nguồn cung và gây gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc men, vật tư y tế. Tuy nhiên, đại dịch cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm, thị trường cung ứng vaccines, số hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tạo động lực cạnh tranh, đổi mới - sáng tạo giữa các tập đoàn dược phẩm cũng như giữa các quốc gia... (Thùy Tiên).