08:50 10/02/2025

Kinh tế Ấn Độ đuối sức, “khát” cải cách

An Huy

Cách đây một năm, nền kinh tế Ấn Độ phục hồi với sức bật lớn khỏi giai đoạn suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Những thông tin tốt đẹp liên tục được phát đi: Ấn Độ vượt Trung Quốc thành quốc gia đông dân nhất hành tinh và các nhà lãnh đạo ở New Delhi tuyên bố Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Ấn Độ đã đó tạo ra sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong bất cứ dịp nào có thể Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều nói về sự nổi lên tất yếu của nước này. Với 1,4 tỷ dân và dân số đang trẻ, Ấn Độ có khả năng trở thành một đàu tàu kinh tế để cung cấp sức kéo cho phần còn lại của thế giới vốn đang đương đầu với sức ép của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc và xung đột địa chính trị.

Năm 2022, Ấn Độ vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Năm 2023, nước này tiếp tục vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình nổi lên này, Ấn Độ cũng để lộ ra nhiều điểm yếu chưa được khắc phục.

THU NHẬP PHÂN BỐ KHÔNG ĐỀU, TĂNG TRƯỞNG SỤT MẠNH

Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm, thị trường chứng khoán Ấn Độ mới đây đã để mất toàn bộ thành quả tăng của 6 tháng qua. Đồng rupee đang mất giá mạnh so với USD. Tầng lớp trung lưu của nước này - những người sau đại dịch đã chứng kiến tài sản tăng mạnh chưa từng thấy - đang cảm thấy lo lắng. Ông Modi có lẽ sẽ phải điều chỉnh lại những lời hứa của mình.

Cú sốc đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/2024, khi số liệu thống kê chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm giảm còn 5,4% trong những tháng mùa hè. Trong tài khóa trước đó, kéo dài từ tháng 4/2023-3/2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ đạt mức tăng trưởng 8,2% - mức tăng đủ để đưa quy mô của nền kinh tế tăng gấp đôi sau 1 thập kỷ. Sau khi điều chỉnh gần đây, mức dự báo tăng trưởng của tài khóa hiện tại chỉ là 6,4%.

“Đó là một sự đảo ngược xu hướng”, giáo sư Rathin Roy, Trường Chính sách công Kautilya ở Hyderabad, nhận định với tờ báo New York Times. Cách đây 20 năm, có một giai đoạn mà Ấn Độ tưởng như sắp đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, ông Roy lập luận rằng sự tăng trưởng đó phụ thuộc vào việc các ngân hàng bơm vốn vay cho doanh nghiệp ở một tốc độ không bền vững. Sau đó, khi Chính phủ Ấn Độ rút một lượng lớn tiền mặt khỏi lưu thông, nền kinh tế nước này thậm chí không hồi lại được mức tăng 8%. Theo ông Roy, sau khi Covid-19 gây ra một cú sụt sâu, kinh tế Ấn Độ mới đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi, một phần do cơ sở so sánh thấp. Nền kinh tế mới chỉ phục hồi hoàn toàn về quy mô trước đại dịch vào năm 2024, muộn hơn so với hầu hết các quốc gia khác.

Hiện đang có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh sự giảm tốc gần đây của nền kinh tế Ấn Độ, nhưng một hệ quả của sự giảm tốc đó là điều mà ai cũng nhận thấy: nhà đầu tư nước ngoài đang rục rịch rút khỏi nước này. “Nhà đầu tư nước ngoài đang cảm thấy thị trường chứng khoán Ấn Độ có định giá cổ phiếu cao quá mức. Không có gì là khó hiểu khi nhà đầu tư muốn rút vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi đang gặp khó để rót tiền vào những nơi họ có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn”, ông Roy nhấn mạnh.

Nếu mua cổ phiếu Ấn Độ một cách đa dạng vào đầu năm 2020, đến tháng 9 năm ngoái, nhà đầu tư có thể chứng kiến giá trị danh mục tăng gấp 3 lần, khi các chỉ số chính của thị trường chứng khoán nước này đạt mức cao kỷ lục. Số nhà đầu tư chứng khoán trong nước ở Ấn Độ tăng chóng mặt, “tiếp lửa” cho cơn sốt cổ phiếu.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6, cánh tay phải của ông Modi là ông Amit Shah dự báo rằng lực lượng nhà đầu tư chứng khoán mới của Ấn Độ sẽ giúp đảng của họ đạt tới chiến thắng áp đảo. Trong 2 nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Modi, số người Ấn Độ có tài khoản đầu tư chứng khoán đã tăng từ 22 triệu người lên 150 triệu người, theo một nghiên cứu của Công ty môi giới Motila Oswal.

VẤN ĐỀ LỚN NHẤT LÀ NGƯỜI DÂN THIẾU TIỀN

Trong một cuộc trao đổi với tờ báo Indian Express, ông Shah nhấn mạnh sự đóng góp của 130 triệu nhà đầu tư chứng khoán này vào nền kinh tế từ lợi nhuận mà họ có được. Rõ ràng, các nhà đầu tư mới này đã chi tiêu nhiều hơn, nhất là vào hàng hóa xa xỉ và đắt tiền như ô tô và thiết bị điện tử cao cấp.

Tuy nhiên, sự thịnh vượng này chỉ tập trung ở tầng lớp 10% thu nhập cao nhất của Ấn Độ, khiến 90% còn lại muốn được hưởng một phần lớn hơn so với những gì mà họ đang có trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Đảng của ông Modi đã mất đa số trong Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa rồi, nhưng vẫn nắm được Chính phủ. Việc mở rộng chế độ phúc lợi, như phát bột mì và gạo miễn phí cho 800 triệu dân, đã giúp ông Modi có thêm nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba.

Dù vậy, Chính phủ của ông Modi giữ quan điểm thận trọng về chi tiêu công và lạm phát. Đến nay, họ tập trung vào các hạng mục đầu tư hạ tầng lớn như cầu đường, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Doanh nghiệp Ấn Độ vẫn phải đối mặt với tình trạng quan liêu quá mức, can thiệp chính trị và nhiều khó khăn khác. Ông Modi đã nỗ lực để giảm bớt những gánh nặng này, nhưng trong những năm gần đây đã tập trung nhiều hơn vào việc tăng nguồn cung trong nền kinh tế.

Nhà kinh tế Arvind Subramanian thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington cho rằng sự ảm đạm này của nhu cầu xuất phát từ tình trạng công ăn việc làm trong nền kinh tế. “Việc làm không được tạo ra, nên nhiều người không có thu nhập, mà tiền lương cũng thấp”, ông Subramanian nói khi cho rằng lực lượng nhà đầu tư chứng khoán không đủ để bù đắp sự thiếu hụt về sức chi tiêu. Tiền lương tối thiểu toàn quốc ở Ấn Độ - mức lương mà người lao động trong nền kinh tế phi chính thức thậm chí không bao giờ đạt tới - chỉ là 2 USD/ngày.

Theo ông Subramian, người từng giữ cương vị trưởng cố vấn kinh tế của Ấn Độ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Modi, Chính phủ nước này đã cạn kiệt ý tưởng để giải quyết những vấn đề như vậy. “Ý tưởng cho tăng trưởng và thúc đẩy việc làm trong dài hạn, đó là thứ mà chúng tôi đang thiếu vào lúc này”, ông nói với New York Times. Nhà kinh tế học này cho rằng xu hướng mất giá đang diễn ra của đồng Rupee là tự nhiên và lẽ ra nên xảy ra sớm hơn. Cho tới gần đây, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ vẫn chi hàng tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Hiệu ứng tâm lý của việc đồng Rupee mất giá có thể tiêu cực, nhưng chi phí để giữ tỷ giá Rupee ở mức cố định so với USD là “cực kỳ có hại cho nền kinh tế quốc gia”, ông Subramanian nhấn mạnh.

Tháng 11/2024, ông V. Anantha Nageswaran, cố vấn kinh tế hiện tại của Chính phủ Ấn Độ, cho rằng tin xấu có thể chỉ là tạm thời. “Môi trường toàn cầu hiện nay đang còn nhiều thách thức”, ông Nageswaran nói, đề cập đến đồng USD mạnh và tâm lý thận trọng trước khả năng xảy ra thay đổi chính sách đột ngột ở Mỹ và Trung Quốc.

Cách đây một năm, đã có những hy vọng rằng động lực kinh tế của Ấn Độ sẽ đưa được nước này vượt qua những trở ngại toàn cầu. Nhưng yếu tố đầu tiên còn thiếu, cả ở thời điểm đó và hiện tại, chính là việc nước này có quá nhiều người có rất ít tiền trong tay.

“Đơn giản là không có đủ nhu cầu. Ý tưởng cho rằng nguồn cung sẽ tự tạo ra nhu cầu là một ý tưởng có nhiều hạn chế”, ông Roy cho biết. Theo ông, “người bình thường” - thuộc nhóm nằm giữa 10% thu nhập cao nhất và 50% thu nhập thấp nhất - vẫn chưa kiếm đủ để trang trải những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Khoảng 100 triệu trong số những “người bình thường” này đủ tiêu chuẩn để nhận trợ cấp lương thực miễn phí từ Chính phủ.

Trong một nỗ lực cải thiện nhu cầu, kế hoạch ngân sách mà New Delhi công bố mới đây đã nâng mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân lên trên 1,2 triệu Rupee (13.841 USD/năm), không bao gồm thu nhập phải chịu thuế suất đặc biệt như tiền lãi vốn. Như vậy, người có thu nhập từ mức này trở xuống sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu ứng của việc điều chỉnh thuế này có thể sẽ rất hạn chế, bởi chỉ có một phần nhỏ người Ấn Độ đóng thuế trực tiếp. Năm 2023, chỉ 1,6% người dân nước này, khoảng 22,4 triệu người, đóng thuế thu nhập cá nhân - theo dữ liệu chính thức.

Cuối năm 2024, ông Nageswaran đã chia sẻ với Assocham (một tổ chức lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ), rằng các công ty cần tăng lương cho người lao động, nhấn mạnh rằng tiền lương đang trì trệ. “Không trả mức lương phù hợp cho người lao động rốt cục sẽ dẫn tới tình trạng tự hại mình đối với doanh nghiệp”, ông cảnh báo...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 6-2025 phát hành ngày 10/2/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1247

Kinh tế Ấn Độ đuối sức, “khát” cải cách - Ảnh 1