13:09 13/05/2010

Kinh tế châu Âu tăng trưởng èo uột

Mai Phương

GDP của khu vực 16 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu tăng 0,2% trong 3 tháng đầu năm so với quý 4/2009

Kinh tế châu Âu đã tăng trưởng với tốc độ èo uột trong quý 1 - Ảnh: Getty.
Kinh tế châu Âu đã tăng trưởng với tốc độ èo uột trong quý 1 - Ảnh: Getty.
Kinh tế châu Âu đã tăng trưởng với tốc độ èo uột trong quý 1 năm nay do nhu cầu tại các nền kinh tế đầu tàu của khu vực này như Đức và Pháp vẫn còn ở mức yếu, bất chấp sự phục hồi trong lĩnh vực xuất khẩu.

Tờ New York Times dẫn số liệu công bố ngày 12/5 từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, GDP của khu vực 16 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 0,2% trong 3 tháng đầu năm so với quý 4/2009. Nền kinh tế gồm 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ đạt mức tăng 0,2% trong khoảng thời gian trên.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, các con số tăng trưởng tương ứng của Eurozone và EU trong quý 1 sẽ là 0,5% và 0,3%.

Hiện tại, những số liệu thống kê chi tiết về tình hình kinh tế của Eurozone chưa được đưa ra, nhưng theo giới phân tích, các cuộc điều tra đã cho thấy, nền kinh tế này đã khởi sắc hơn trong thời gian cuối quý 1, đầu quý 2. Lĩnh vực xuất khẩu của Eurozone đã được hỗ trợ nhờ sự suy yếu của đồng Euro, nhưng tình hình thị trường việc làm vẫn ảm đạm, và chi tiêu dùng của người dân còn ở mức thấp.

Theo New York Times, từ đầu năm tới nay, đồng Euro đã mất giá khoảng 11% so với USD.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, tiêu dùng yếu sẽ là một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế của châu Âu, một khi các biện pháp kích thích được rút đi. Chính phủ Pháp đã tuyên bố không tăng chi tiêu công, Đức cũng đã quyết định ngừng miễn thuế cho người dân.

Trong số các nền kinh tế thành viên lớn của Eurozone, kinh tế Pháp thuộc hàng tăng trưởng yếu, với mức tăng 0,1% trong quý 1 so với quý 4/2009, thấp hơn mức dự báo 0,3% của giới phân tích.

Thống kê về tăng trưởng yếu của Pháp được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Pháp đang nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách, thông qua các biện pháp như ngừng miễn thuế, hạn chế tăng lương hưu… Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde, nhận định rằng, môi trường kinh tế của nước này còn khó khăn.

Là nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone, Đức đạt tốc độ tăng trưởng GDP 0,2% trong quý 1 so với quý 4, cao hơn mức dự báo 0% của giới quan sát. Trong khi đó, kinh tế Italy tỏ ra “vượt trội” khi đạt mức tăng trưởng 0,5%.