11:54 04/03/2010

Kinh tế hồi phục: Hết lo chưa?

Anh Quân

Trong một cuộc khảo sát mới đây, ý kiến của bạn đọc VnEconomy về triển vọng kinh doanh cho thấy sự lạc quan hiện rõ

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhưng chưa lấy lại mức tăng trưởng cao.
Sản xuất công nghiệp phục hồi nhưng chưa lấy lại mức tăng trưởng cao.
Trong một cuộc khảo sát mới đây, ý kiến của bạn đọc VnEconomy về triển vọng kinh doanh cho thấy sự lạc quan hiện rõ.

Chỉ có tổng cộng 16% lượt bình chọn trong cuộc khảo sát này - diễn ra trong tháng đầu năm 2010 - tỏ ra thực sự bi quan về tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình trong năm nay, so với mức 34% tại kết quả bình chọn cùng thời gian này năm ngoái.

Yếu tố tâm lý dường như đã được cải thiện ít nhiều trong dịp xuân về, khi sức tiêu dùng tăng mạnh. Tuy nhiên, xét trên nhiều con số vĩ mô tính đến hết tháng 2/1010, có thể thấy sự phục hồi của nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa thật vững chắc.

“Làm khó” tăng trưởng?

Trên thực tế, các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng (theo tổng cầu) chưa cho thấy có sự hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là phía các yếu tố liên quan đến sản xuất thực.

Tăng trưởng của nền kinh tế đang được hỗ trợ mạnh mẽ bởi việc tăng chi tiêu xã hội. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong hai tháng đầu năm nay đã tăng khoảng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (con số tương ứng của năm 2009 là 20,6%).

Nhưng ngược lại, đầu tư chưa cho thấy sự bứt phá hơn năm ngoái. Vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện trong hai tháng đầu năm ước đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, bằng 10,6% kế hoạch, trong khi con số tương ứng của năm 2009 là 10,8% kế hoạch.

Giải ngân vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước hai tháng đầu năm 2010 đạt rất thấp. Vốn trong nước cho vay đầu tư ước đạt 262 tỷ đồng, bằng 1% kế hoạch; vốn ODA cho vay lại ước đạt 195 tỷ đồng, bằng 1,95% kế hoạch cả năm.

Ở một góc độ khác, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong hai tháng tăng 29% so với cùng kỳ, nhưng vốn đăng ký giảm 10% trong cùng so sánh. Điều này cho thấy khả năng huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế vẫn còn hạn chế.

Riêng đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI hai tháng đầu năm nay tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2009.

Ở một góc độ khác, nếu như trong hai tháng đầu năm 2009, mức xuất siêu gần 1,25 tỷ USD đã hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng, thì trong hai tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu vào khoảng 1,745 tỷ USD. Và với diễn biến này, tăng trưởng GDP đang ít nhiều bị “làm khó”.

Chưa dễ lấy lại “hưng phấn”

Xem xét các ngành sản xuất và yếu tố tác động, giá trị sản xuất công nghiệp trong hai tháng đầu năm nay tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy cao hơn nhiều con số 2,5% của năm 2009, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 16,3% của năm 2008; 17,5% của năm 2007; 15,8% của năm 2006…

Sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn do tình hình sâu bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và dự báo sâu bệnh sẽ tiếp tục phát triển, gây hại trên trà lúa đông xuân sắp tới.

Trong hai tháng đầu năm, nhiều loại cây trồng giảm về diện tích và sản lượng so với cùng kỳ. Lĩnh vực sản xuất thủy sản và lâm nghiệp duy trì tăng trưởng ở mức thấp.

Trong khi đó, nhiều loại nguyên, nhiên liệu đầu vào, đặc biệt liên quan đến gốc dầu mỏ và kim loại, có xu hướng tăng giá: xăng dầu các loại tăng 49,9%; chất đốt hóa lỏng tăng 44,8%; chất dẻo nguyên liệu tăng 43,2%; phôi thép tăng 18,9%; kim loại thường tăng 53%... Thêm vào đó, tỷ giá cũng được điều chỉnh tăng, tạo thêm động lực tăng giá các mặt hàng có xuất sứ nhâp khẩu.

Chi phí vốn vẫn đang duy trì ở mức cao. Với động thái mở cơ chế thỏa thuận lãi suất đối với các khoản vay trung, dài hạn của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vay vốn có thể tăng hơn trần lãi suất quy định, áp theo lãi suất cơ bản 8%.

Liên quan đến thị trường toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, diễn biến kinh tế thế giới cho thấy các nước phát triển vẫn sẽ còn chịu ảnh hưởng của khủng hoảng trong năm 2010. Do vậy, cầu tiêu dùng và luồng vốn FDI từ các nước này sẽ chậm phục hồi trong năm 2010.

GDP quý 1/2010 sẽ tăng thấp hơn hai quý trước

Trên cơ sở phân tích diễn biến tình hình kinh tế trong nước và quốc tế thời gian gần đây, Tổng cục Thống kê dự báo GDP quý 1/2010 có thể tăng khoảng 5,7-5,9% so với cùng kỳ năm trước, một mức tăng trưởng cao hơn đáng kể so với con số 3,14% của quý 1 năm ngoái.

Với nền kinh tế Việt Nam, khi so sánh với cùng kỳ năm trước thì mức tăng khoảng 2,6-2,8 điểm % có thể xem là điều đáng mừng. Nhưng nhìn lại, nếu đem thời kỳ kinh tế phục hồi đi so sánh với giai đoạn đáy khủng hoảng thì mức tăng này cũng không thật nhiều ý nghĩa, một nguồn tin của VnEconomy tại Tổng cục Thống kê bày tỏ quan điểm.

Tham khảo một số lãnh đạo của Tổng cục Thống kê, ý kiến chung nhận được là tình hình hiện nay chưa nên vội mừng. Bởi vì, nếu so với quý 3 và 4/2009, mức tăng trưởng dự báo của quý đầu năm nay đã thấp hơn (so với 6,04% và 6,9%).

Cũng theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý 1 có đóng góp lớn từ tăng tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ theo giá thực tế quý 1/2010 dự kiến sẽ tăng khoảng 24% so với quý 1/2009.

Về phía các ngành sản xuất thực, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý 1/2010 dự kiến tăng 5,6-5,8%; giá trị sản xuất công nghiệp quý 1/2010 dự kiến tăng 13,5-13,8% so với cùng kỳ năm 2009.