12:44 12/08/2009

Kinh tế Nga đối đầu một loạt thách thức

Kiều Oanh

GDP của Nga đã sụt giảm với tốc độ chưa từng có 10,9% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái

GDP của Nga đã sụt giảm với tốc độ chưa từng có 10,9% trong quý 2 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hàng hóa sụt giảm, hoạt động tín dụng của các ngân hàng đóng băng và phản ứng bị xem là chưa kịp thời của Chính phủ Nga nằm trong số những lý do dẫn tới sự co cụm trên.

Mức sụt giảm tăng trưởng GDP quý 2 của Nga mà Cơ quan Thống kê Liên bang của nước này công bố ngày 11/8 mạnh hơn con số dự báo trước đó của giới quan sát. Số liệu về tăng trưởng GDP của Nga bắt đầu được thực hiện từ năm 1995.

Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Nga đang trở nên tồi tệ hơn. Trong quý 1 năm nay, GDP của nước này giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước, chấm dứt thời kỳ 10 năm liên tục tăng trưởng dương với tốc độ bình quân gần 7% mỗi năm.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga là dầu thô, khí đốt và kim loại sụt giảm mạnh. Sản xuất công nghiệp của Nga đồng thời cũng lao dốc do các công ty nỗ lực giảm hàng tồn kho và gặp hàng loạt thách thức trong việc huy động vốn.

“Chúng ta không thể phát triển như thế này lâu hơn nữa vì kết quả sẽ rất tồi tệ. Khủng hoảng đã đặt chúng ta vào một tình thế buộc chúng ta phải ra quyết định thay đổi cấu trúc của nền kinh tế”, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev phát biểu trong một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước này ngày 10/8.

Ông Medvedev thừa nhận kinh tế Nga suy yếu sau khi giá hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới sụt giảm. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, các mặt hàng nhiên liệu gồm dầu thô và khí đốt, chiếm 68,8% kim ngạch xuất khẩu của Nga sang các nước Baltic và các nước không thuộc Liên Xô cũ. Nga hiện là nước xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới.

Dầu thô Urals, mặt hàng xuất khẩu đem lại kim ngạch lớn nhất cho Nga, đạt mức giá bình quân 61,03 USD/thùng trong quý 2, so với mức kỷ lục 142,5 USD/thùng đạt được vào tháng 7/2008. Thời gian này, các chỉ số của thị trường chứng khoán Nga có mối quan hệ mật thiết hiếm thấy với giá dầu thô giao dịch tại thị trường New York, Mỹ.

Bộ Tài chính Nga cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này trong năm nay có thể lên đến 9,4% GDP, đánh dấu năm đầu tiên Nga thâm hụt ngân sách trong 1 thập kỷ trở lại đây. Sự suy giảm của nhu cầu trên thị trường nguyên vật liệu thô có nguy cơ khiến doanh thu của Chính phủ Nga giảm 1/3.

Tính tới thời điểm hiện nay, Nga đã chi số tiền tương đương 79 tỷ USD để chống suy giảm tăng trưởng, bao gồm các khoản hỗ trợ cho các hãng ôtô, lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng… Chương trình chống khủng hoảng này đã được Thủ tướng Putin ký thành luật vào ngày 19/6 vừa qua.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của các biện pháp trên. Trong một báo cáo ra ngày 7/8 về kinh tế Nga, IMF nhận định: “Chương trình mở rộng tài khóa có thể không thành công trong việc kích thích tiêu dùng ở lĩnh vực tư nhân vì tình hình thu nhập tương lai còn bấp bênh. Với sự thiếu vắng của hoạt động can thiệp chính sách mạnh hơn, đang tồn tại rủi ro trong đó các ngân hàng sẽ tiếp tục gặp khó trong nỗ lực điều chỉnh bảng cân đối kế toán, khiến hoạt động tín dụng bị hạn chế, gây cản trở cho phục hồi kinh tế”.

Từ cuối tháng 4 trở lại đây, Ngân hàng Trung ương nga đã 5 lần cắt giảm lãi suất cơ bản để kích thích các ngân hàng thương mại cho vay, nhưng các ngân hàng vẫn thắt chặt hầu bao vì lo ngại khách hàng sẽ không trả được nợ. Tháng 6 vừa qua, cho vay tiêu dùng tại Nga đã giảm tháng thứ 6 liên tục với mức giảm 1,1%, cho vay doanh nghiệp cũng giảm 1,2%.

Bộ Tài chính Nga dự báo, kinh tế nước này năm nay sẽ suy giảm tới 8,5%, so với mức dự báo suy giảm 6,5% mà IMF đưa ra. Năm 2008, GDP của Nga chỉ tăng trưởng 5,6%, thấp nhất kể từ năm 2002, so với mức 8,1% trong năm 2007.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrinsaid cho rằng, phải mất 4-5 năm nữa kinh tế nước này mới có thể trở lại với tốc độ tăng trưởng của năm 2008.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tới cuối năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga sẽ vượt mức 13%, từ mức 8,3% ở thời điểm cuối tháng 6. Cũng theo WB, số người thất nghiệp gia tăng cùng với tiền lương bị giảm xuống sẽ khiến số dân thuộc tầng lớp trung lưu của nước này giảm 10%, tương đương 6,2 triệu người, xuống  còn 51,2 triệu người.

(Theo Bloomberg)