17:00 31/10/2024

Kinh tế Trung Quốc bất ngờ có dấu hiệu khởi sắc

An Huy

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng trong tháng 10, đánh dấu tháng tăng đầu tiên trong vòng 6 tháng trở lại đây, và lĩnh vực dịch vụ cũng tốt lên...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Những số liệu này cho thấy các biện pháp kích cầu gần đây của Bắc Kinh có vẻ đang phát huy tác dụng vực dậy nền kinh tế vốn dĩ suy yếu vì khủng hoảng bất động sản kéo dài và nhu cầu ảm đạm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/10 đạt mức 50,1 điểm, từ mức 49,8 điểm của tháng 9 và cao hơn ngưỡng 50 điểm phân chia giữa hai trạng thái tăng trưởng và suy giảm. Mức điểm này cũng cao hơn mức dự báo trung vị 49,9 điểm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

PMI phi sản xuất, bao gồm các lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, đạt 50,2 điểm trong tháng 10, sau khi giảm còn 50 điểm trong tháng 9.

KÍCH CẦU BẮT ĐẦU CÓ TÁC DỤNG?

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang kỳ vọng nỗ lực kích cầu công bố hồi cuối tháng 9 sẽ giúp nước này đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay. Các biện pháp đó có thể kích thích các hoạt động vay vốn và đầu tư giữa lúc thị trường bất động sản tụt dốc và niềm tin ảm đạm của người tiêu dùng khiến nhà đầu tư trở nên dè chừng.

“Đây là tín hiệu về tác dụng ban đầu của các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khoá, chủ yếu là việc tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ”, nhà kinh tế Xu Tianchen thuộc tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định về các chỉ số PMI tháng 10 của Trung Quốc. “Lượng phát hành trái phiếu như vậy đạt kỷ lục trong tháng và và tháng 9, dẫn tới chi tiêu tài khóa tăng lên”.

Trong suốt nhiều tháng, tâm lý trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp do giá hàng hóa bán buôn và lượng đơn hàng cùng suy giảm. Các doanh nghiệp sản xuất đã ở trong tình trạng thiếu niềm tin, tương tự như các nhà đầu tư và người tiêu dùng nước này.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy việc Bắc Kinh đẩy mạnh kích cầu để vực dậy nền kinh tế đang giúp niềm tin phục hồi. Nhà chức trách nước này đang cân nhắc để tuần tới phê chuẩn một kế hoạch phát hành trái phiếu bổ sung lên tới hơn 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,4 nghìn tỷ USD, trong mấy năm tới. Số tiền huy động được sẽ chủ yếu được sử dụng để giúp các chính quyền địa phương giải quyết rủi ro liên quan đến các khoản nợ ẩn.

Trong một tin tốt khác, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc đã giảm trong tháng 9, cho thấy những biện pháp như trợ cấp việc làm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đã mang lại một số hiệu ứng tích cực. Ngoài ra, doanh thu bán lẻ và doanh thu bán buôn của tháng 9 đều cao hơn dự báo, cho thấy nhu cầu bắt đầu có sự khởi sắc.

“50,1 điểm của chỉ số PMI cho thấy mức tăng trưởng nhỏ nhất có thể, nhưng trái ngược với kỳ vọng về sự suy giảm tiếp diễn. Đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi nhỏ của sản lượng công nghiệp mà chúng ta đã chứng kiến trong tháng 9 sẽ tiếp tục”, nhà kinh tế trưởng Lynn Song của ngân hàng ING nhận định. “Hãy chờ xem liệu việc triển khai các biện pháp kích cầu có thể giúp nhu cầu trong nước hồi phục đề bù lại sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài”.

Xuất khẩu, điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc, đã suy yếu trong tháng trước. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của nước này tăng trưởng 4,6%, mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2023.

“SỰ KHỞI ĐẦU TỐT ĐẸP CHO QUÝ 4”

Trước đây, giới kinh tế học về Trung Quốc đã chỉ ra rằng các cuộc khảo sát dựa trên tâm lý thường đưa ra một bức tranh ảm đạm hơn về nền kinh tế nước này so với các số liệu thống kê cụ thể. Trong cuộc thăm dò nhà quản trị mua hàng của NBS, 1/3 số người được hỏi dự báo hoạt động của nhà máy đã bắt đầu tăng trưởng trở lại trong tháng này.

“Các chỉ số PMI đã phóng đại quá mức sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua, nhưng vẫn cung cấp một số thông tin về hướng đi của nền kinh tế”, ông Julian Evans-Pritchard, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định với Reuters.

“Tin tốt là sau khi có sự chuyển biến vào tháng 9, các cuộc khảo sát PMI chính thức cho thấy sự cải thiện hơn nữa trong tháng 10. Sự tăng tốc trong hoạt động sản xuất và dịch vụ trong tháng 10 là thừa để bù đắp cho sự giảm tốc của hoạt động xây dựng”.

Số liệu từ NBS vào cuối tuần trước cho thấy sản lượng của các doanh nghiệp trong lĩnh vức sản xuất công nghiệp của Trung Quốc - một chỉ số mang tính chất nhìn lại - ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ đầu năm nay trong tháng 9. Nguyên nhân của sự suy giảm lợi nhuận này, theo NBS, là những yếu tố như nhu cầu thấp.

Tuy nhiên, ông Xu nhấn mạnh việc chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu tiếp tục giảm trong tháng 10 nhưng chỉ số phụ về lượng đơn hàng mới vẫn tăng trên 50 điểm trong tháng 10 sau 5 tháng liên tiếp ở trạng thái giảm. Ông cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của nhu cầu trong nước, và vì thế lợi nhuận của doanh nghiệp có thể cải thiện trong 2 tháng tới hoặc vào đầu năm tới.

Sự cải thiện nói chung của chỉ số PMI chủ yếu nhờ tình hình tốt lên ở các doanh nghiệp lớn. Trong đó, PMI tại các doanh nghiệp lớn tăng lên 51,5 điểm từ 50,6 điểm của tháng 9. Chỉ số của các doanh nghiệp vừa tăng lên mức 49,4 điểm từ 49,2 điểm. Tình hình của các doanh nghiệp nhỏ tệ hơn.

“Việc lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trở lại trạng thái tăng trưởng trong tháng 10 cho thấy nền kinh tế có sự khởi đầu tốt đẹp cho quý 4”, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô Zhou Maohua của China Everbright Bank nhận định.