Kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm, doanh nghiệp Mỹ, châu Âu lo lắng
Nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cho rằng kết quả kinh doanh đáng thất vọng của họ gần đây là do sự phục hồi chậm hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc...
Trước đó, việc nước này bất ngờ mở cửa trở lại sau gần 3 năm đóng kín để chống Covid-19 đã làm dấy lên những dự báo lạc quan quá mức về tăng trưởng.
Tuần vừa rồi, hãng mỹ phẩm Estee Lauder trở thành ví dụ mới nhất, khi giá cổ phiếu giảm mạnh kỷ lục trong một phiên do hãng cắt giảm dự báo doanh thu vì sự phục hồi “nhiều biến động hơn và chậm chạp hơn” so với những mà hãng đã kỳ vọng ở thị trường châu Á.
Estee Lauder là một trong số ngày càng nhiều doanh nghiệp, từ các chuỗi cửa hiệu tiêu dùng như Starbucks đến các tập đoàn công nghệ lớn và doanh nghiệp hậu cần, đưa ra các cảnh thận trọng liên quan đến kinh tế Trung Quốc trong hai tuần trở lại đây - theo tờ báo Financial Times.
Tổng giám đốc (CEO) Cristiano Renno Amon của Qualcomm nói với các nhà phân tích hôm thứ Tư: “Kỳ vọng chung lúc đầu là sau khi mở cửa trở lại, thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi theo kiểu bật dậy. Nhưng cho tới hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thấy những dấu hiệu đó”.
Đối thủ của Qualcomm, hãng thiết bị bán dẫn NXP Semiconductors, đưa ra lời cảnh báo tương tự trước đó một ngày, nói rằng “còn quá sớm” để nói về một sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc. “Chúng tôi nhận thấy một sự cải thiện khiêm tốn và chậm chạp, từ một khởi đầu rất chậm”, CEO Kurrt Sievers nhận định.
Một số doanh nghiệp tiêu dùng khác cũng cảnh báo về tốc độ hồi phục của kinh tế Trung Quốc, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc vào chi tiêu của khách du lịch như Estee Lauder.
CEO Christopher Nassetta của chuỗi khách sạn Hilton dự báo: “Trung Quốc sẽ không đóng góp được như những gì tôi đã hy vọng cho năm nay”.
Hãng hàng không Finnair nhấn mạnh rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc “chậm bắt đầu hơn so với những gì mà nhiều người kỳ vọng”. Công ty hàng tiêu dùng Colgate-Palmolive nói: “Chúng tôi chưa nhận thấy sự phục hồi ở mảng kinh doanh bán lẻ phục vụ du lịch”.
Tất nhiên, cũng có một số doanh nghiệp lạc quan hơn. Doanh thu quý 1 tại thị trường châu Á của hãng đồ hiệu lớn nhất thế giới LVMH tăng trưởng mạnh. Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony của LMVH nói ông “rất lạc quan về sự bình thường hoá của thị trường Trung Quốc”.
Tương tự, Budweiser Apac, bộ phận tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương của hãng bia Anheuser-Busch InBev, tuần trước nhận định “Trung Quốc đã trở lại”.
Một số công ty không đặt kỳ vọng quá cao vào Trung Quốc lại chính là những doanh nghiệp có thể hưởng lợi. Chẳng hạn, Adidas tuy báo cáo doanh thu giảm và sự “không chắc chắn” tiếp diễn ở Trung Quốc, nhưng cổ phiếu của hãng vẫn tăng 8% vào thứ Sáu vừa rồi, khi hãng cho biết đang nhìn thấy “xu hướng tích cực” ở thị trường Trung Quốc sau nhiều năm thử thách.
Starbucks cho biết đã chứng kiến “sự phục hồi mạnh mẽ” trong 3 tháng đầu năm ở Trung Quốc, nhưng nói thêm rằng tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại và nhấn mạnh “sự không chắc chắn trong môi trường tổng thể”, đặc biệt là trong các lĩnh vực như du lịch quốc tế.
“Người ta đã kỳ vọng câu chuyện giống như một cái lò xo được xả nén… Thực tế là có sự khởi sắc, nhưng bùng nổ là không có”.
Ông David Donabedian, Giám đốc đầu tư của công ty CIBC Private Wealth
Những đánh giá có phần ảm đạm này của doanh nghiệp nước ngoài được đưa ra trong bối cảnh các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này đã có một khởi đầu sôi động cho năm 2023, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên đà đạt hoặc vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm 5% mà Bắc Kinh đề ra.
Ông David Donabedian, Giám đốc đầu tư của công ty CIBC Private Wealth, nói rằng sự trái chiều giữa các số liệu thống kê và đánh giá của doanh nghiệp phản ánh thực tế là một số nhà quan sát đã lạc quan quá mức khi dự báo về “một sự bùng nổ” trong hoạt động kinh tế sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, trong khi một số khác đã đặt kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
“Người ta đã kỳ vọng câu chuyện giống như một cái lò xo được xả nén… Thực tế là có sự khởi sắc, nhưng bùng nổ là không có”, ông Donabedian nói.
Sự thay đổi trong kỳ vọng của doanh nghiệp nước ngoài về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh tăng cường giám sát hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Sau khi nhà chức trách có các cuộc lục soát văn phòng tại Trung Quốc của Bain và các công ty tư vấn khác, Phòng Thương mại Mỹ cho biết luật phản gián mới của Trung Quốc “làm gia tăng đáng kể sự không chắc chắn và rủi ro khi kinh doanh” tại nước này.
Ông Tim Ryan, Chủ tịch tại Mỹ của công ty kiểm toán PwC, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng nhận thức của các công ty Mỹ về “rủi ro tập trung” ở Trung Quốc đã tăng lên từ cuộc chiến thuế quan nổ ra trong thời kỳ đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho tới sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.
“Nói rõ hơn, tôi không cho rằng sự phân ly sẽ xảy ra” giữa Mỹ và Trung Quốc, “điều tôi đang thấy là sự chú ý nhiều hơn đến cách quản lý rủi ro. Những gì đã xảy ra trong vài tuần qua chứng tỏ rằng doanh nghiệp cần tiếp tục quản lý rủi ro” - ông Ryan nhấn mạnh.