09:15 13/03/2012

Kinh tế Trung Quốc suy giảm, Mỹ có được nhờ?

Cao Hiền

Một điều chắc chắn là, khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ được lợi khi tiến quân vào thị trường này

Sự nương tựa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới là tồn tại, song xét về thâm hụt thương mại song phương thì Mỹ luôn là kẻ chịu thiệt.
Sự nương tựa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới là tồn tại, song xét về thâm hụt thương mại song phương thì Mỹ luôn là kẻ chịu thiệt.
Hôm qua, tờ Global Mail cho biết, thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong tháng 2 đã lên cao nhất trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhu cầu cả về nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều đã suy giảm.

Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thực sự giảm tốc. Các thống kê kinh tế của Trung Quốc được công bố vài ngày trước đã thể hiện rõ tình trạng giảm tốc của nền kinh tế này, chẳng hạn như tốc độ lạm phát tháng 2 của Trung Quốc giảm xuống mức 3,2%, thấp nhất trong 20 tháng.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này trong tháng 2 tăng 18,4% lên đến 114,5 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đã tăng 39,6% lên đến 145,9 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong thập kỷ qua.

Mức thâm hụt này cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và những khó khăn của nền kinh tế Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 8,9% trong quý cuối cùng của năm 2011 và mục tiêu tăng trưởng năm nay của Bắc Kinh là 7,5%.

Tăng trưởng trong cả nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2012 đều sụt giảm đáng kể, với xuất khẩu thấp hơn 6,9% của cùng kỳ năm 2011 và chỉ bằng gần một nửa mức 13,4% của tháng 12/2011. Nhập khẩu tăng 7,7%, nhưng vẫn giảm so với 11,8% của tháng 12.

Có đi có lại

Theo báo cáo trên, xuất khẩu của Trung Quốc "dựa dẫm" khá nhiều với các thị trường Âu, Mỹ. Và đây có thể xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thâm thủng thương mại hàng tháng của Mỹ luôn bị mở rộng, bất chấp những biện pháp co kéo của giới chức nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Số liệu chính thức của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 9/3 cho hay thâm hụt thương mại của nước này tăng mạnh trong tháng Một, tạo nên khoảng cách lớn nhất kể từ tháng 10/2008 do nhập khẩu tăng cao. Cụ thể, trong tháng 1/2012, mức thâm hụt tăng lên 52,6 tỷ USD, so với mức 50,4 tỷ USD của tháng 12/2011.

Mức thâm hụt thương mại trong tháng 1 cao hơn nhiều so với mức dự báo 48,2 tỷ USD mà phần đông các nhà phân tích đưa ra trước đó. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 2,1% so với tháng liền trước lên mức 233,4 tỷ USD, xuất khẩu tăng 1,4% so với tháng 12/2011 lên đứng ở 180,8 tỷ USD.

Riêng với Trung Quốc, mức thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 12,5% lên 26 tỷ USD. Trước đó, trong năm 2011, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục, lên hơn 295 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất khẩu của Mỹ cũng đang dựa một phần lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.

Tờ Washington Post số ra hôm qua đã công bố một báo cáo cho thấy, kể từ năm 2008 tới nay, kim ngạch xuất khẩu tổng thể của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng gần 50%. Trong giai đoạn 2000 -2010, xuất khẩu của nhiều tiểu bang thuộc Mỹ sang Trung Quốc đã tăng trưởng vài trăm thậm chí là trên một nghìn phần trăm.

Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu của tiểu bang California trong năm 2010 đạt 12,5 tỷ USD, tăng 252% trong giai đoạn 2000 - 2010. Kim ngạch xuất khẩu của bang Oregon sang Trung Quốc năm 2010 là 4 tỷ USD, tăng 1.227% trong giai đoạn 2000 - 2010; bang Nam Carolina tăng 1.596% trong cùng thời điểm.

Theo số liệu thống kê của Washington Post, trong vòng 10 năm của thập niên đầu thế kỷ 21, có ít nhất 15 tiểu bang của Mỹ đã đạt mức tăng trưởng hàng trăm% trong kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Điều này cho thấy sự nương tựa lẫn nhau của hai nền kinh tế là một thực tế.

Chỉ tính riêng tiểu bang California, trong năm 2010, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 3, sau Mexico và Canada. Trong số các nhóm ngành hàng, máy tính và thiết bị điện tử chiếm phần lớn với 3,8 tỷ USD tổng giá trị; máy móc thiết bị đạt 1,4 tỷ USD; thiết bị vận tải đạt 1,3 tỷ USD...

Mỹ nửa mừng nửa lo

Tuy nhiên, thực tế là cho dù xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc có tăng mạnh trong thời gian qua, thì cũng không thể khỏa lấp được mức thâm hụt thương mại quá lớn và đang tiếp tục phình to giữa Mỹ và Trung Quốc. Lý lẽ Mỹ dựa vào Trung Quốc xét ở góc độ này khó có thể được chấp nhận.

Và cũng từ lý do này, hầu hết các học giả cho rằng, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, sự đảo ngược giữa xuất khẩu và nhập khẩu, sẽ mở ra một cơ hội tích cực cho nhiều nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ. Theo đó, hàng hóa từ Mỹ sẽ có thể ồ ạt xuất khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới này trong thời gian tới.

Thực tế những gì đã diễn ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy, một khi những nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh chóng cắt giảm đầu tư, thì tỷ trọng của thu nhập người lao động trong thu nhập quốc gia lại tăng lên. Thu nhập người lao động tăng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao hơn cũng tăng theo.

Các báo cáo nghiên cứu gần đây như của ngân hàng Standard Chartered cho thấy, tiền lương trung bình của công nhân tại Trung Quốc đã tăng mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa. Bản thân giới chức lãnh đạo nước này cũng tuyên bố mục tiêu hàng đầu năm nay là thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa tối đa.

Khi nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng lên, các cửa ngõ nhập khẩu sẽ được mở rộng và tạo cơ hội cho hàng hóa các nước thâm nhập thị trường. Các mặt hàng, dịch vụ chất lượng cao như thời trang, thực phẩm, chăm sóc y tế... hứa hẹn sẽ trở thành hàng "hot" do thu nhập người dân tăng lên thì đòi hỏi hưởng thụ cũng sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, sự giảm tốc quá nhanh và thâm hụt thương mại phình to cũng có thể buộc các nhà chức trách đưa ra những chính sách kìm cương nhằm tránh các ảnh hưởng bất lợi tới sự ổn định kinh tế, xã hội trong nước, và khi đó kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Mỹ chẳng những không tăng lên mà còn có thể giảm sâu hơn.

Một số công ty Mỹ cũng có thể đối mặt với cảnh doanh số tăng trưởng chậm lại khi mà Trung Quốc tìm cách giảm nhiệt hoạt động đầu tư. Chẳng hạn, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng như cần cẩu của hãng Manitowoc, thang máy Otis hay thiết bị lạnh Carrier sẽ giảm bớt.

Và thế giới còn lại

Một thực tế nữa là, nhu cầu về dầu mỏ, quặng sắt, các mặt hàng và thành phần công nghiệp khác của Trung Quốc đang giảm bởi đơn đặt hàng của các nhà máy xuất khẩu giảm đáng kể và Bắc Kinh đang nỗ lực điều chỉnh thị trường đang quá nóng nhằm duy trì sự tăng trưởng bền vững.

Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của nhiều nước láng giềng châu Á, cũng như các nhà cung cấp hàng hóa xa xôi như Australia và châu Phi, điều đó có nghĩa là nhu cầu hạ nhiệt thị trường của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến toàn cầu.

Đối với các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản từ lâu đã đóng vai trò là nguồn cung cấp nhiên, nguyên liệu đầu vào chính cho các hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì việc tăng trưởng của Trung Quốc phát triển chậm lại thực sự là một tin tức không lấy gì làm tốt đẹp.

Ở khía cạnh này, sự hạ nhiệt đồng loạt trên các thị trường hàng hóa như vàng, dầu thô, nông sản đêm qua (12/3) là một bằng chứng cho thấy, khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ kéo theo những lo lắng nhất định về mức độ tiêu thụ hàng hóa cơ bản.