17:50 06/05/2010

Lạc quan tăng trưởng tín dụng tháng 4

Minh Đức

Tín dụng ngân hàng tăng mạnh so với diễn biến chậm trong 3 tháng đầu năm và đã có những chuyển biến đáng chú ý

Lượng tiền bơm ròng hàng ngày và lãi suất qua đêm trong tháng 4/2010 - Nguồn: TSC.
Lượng tiền bơm ròng hàng ngày và lãi suất qua đêm trong tháng 4/2010 - Nguồn: TSC.
Tháng 4/2010, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng mạnh so với diễn biến chậm trong 3 tháng đầu năm và có những chuyển biến đáng chú ý.

Chiều 6/5, Ngân hàng Nhà nước công bố một số dữ liệu về tình hình hoạt động ngân hàng trong tháng 4/2010. Điểm nổi bật trong những dữ liệu này là tăng trưởng tín dụng đã chuyển biến và tỷ giá USD/VND được giữ ổn định.

Cụ thể, tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 4/2010 ước tăng 1,73% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND tăng 1,41%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 5,58%.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng chung tính từ đầu năm mới chỉ ở mức 5,58%, đồng nghĩa với dư địa cho các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay thời gian tới vẫn khá lớn, theo dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2010 ở khoảng 25% mà Ngân hàng Nhà nước định hướng.

Điểm đáng chú ý nhất trong tăng trưởng tín dụng tháng 4 là tốc độ cho vay VND đã tăng mạnh, đạt 1,41% thay vì chỉ ở mức thấp trong quý 1/2010 (0,57%). Riêng tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ vẫn tiếp tục giữ xu hướng tăng khá cao, với 3%; quý 1 là 14,07%.

Về tăng trưởng tín dụng bằng VND, kết quả trên cũng “khớp” với thông điệp giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua. Khi ngân hàng hạ lãi suất, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp hiện thực hơn. Đầu năm, nhiều thông tin phản ánh doanh nghiệp phải vay VND với lãi suất lên tới 18%, thậm chí 20%, thông qua các hình thức thu phí hoặc qua hợp đồng quản lý tài sản...

Với tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, tăng 3% trong tháng 4, không bất thường so với quý 1/2010. Giá trị được ghi nhận là sự ổn định tương đối của tỷ giá USD/VND trong khoảng hai tháng qua. Sự ổn định này góp phần kích thích các nhu cầu vay vốn. Thậm chí, thời gian gần đây tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm.

Một chuyển biến lạc quan trong tình hình hoạt động ngân hàng tháng 4 là tốc độ tăng trưởng huy động tiếp tục giữ mức cao, và đã “bứt” khỏi tình trạng thường thấp hơn tăng trưởng tín dụng suốt trong năm 2009 đến đầu năm 2010. Chỉ có một điểm có thể gây lo ngại khi tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ tiếp tục cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng huy động (tháng 4, tăng trưởng huy động ngoại tệ chỉ tăng 0,78% so với tháng trước). Ngược lại, lạc quan tiếp tục có ở tốc độ tăng trưởng huy động VND, tháng 4 tăng khá mạnh 3,33%. Điểm lạc quan này còn được đặt trong xu hướng giảm khá mạnh của tiền gửi các tổ chức kinh tế trong hệ thống, khi nguồn vốn đi vào sản xuất kinh doanh thay vì gửi theo kỳ hạn ở ngân hàng.

Như vậy, tính chung từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới chỉ ở mức 5,58%. Đây là mức khá thấp so với những năm gần đây (đặc biệt so với năm 2007), nhưng điều này đồng nghĩa với dư địa còn lại theo chỉ tiêu dự kiến là khá lớn. Riêng trong tháng 4, tăng trưởng tín dụng bắt đầu được đẩy cao, đặc biệt bằng VND, cũng có thể xem là kết quả bước đầu của định hướng hạ dần mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn mà Chính phủ đề ra tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua.
Lạc quan tăng trưởng tín dụng tháng 4 - Ảnh 1

Trong thời gian tới, tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm thêm lãi suất cho vay, theo khả năng chấp nhận được của các doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần thực hiện chỉ đạo đẩy mạnh tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm mà Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp trên.

Tuy nhiên, điểm lo ngại là tăng trưởng tín dụng nếu đẩy cao trong thời gian tới có gây áp lực lạm phát hay không. Theo một số ý kiến chuyên môn đưa ra trong thời gian qua, lạm phát từ đầu năm đến nay không có tác động lớn từ yếu tố tiền tệ. Thực tế, những tháng cuối năm 2009 đến nay, tăng trưởng tín dụng liên tục duy trì ở mức thấp, cũng như tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán. Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy, tổng phương tiện thanh toán tháng 4/2010 ước tăng 2,92% so với tháng trước, trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 3,59%.

Dư địa còn lớn, nhưng trong thời gian tới các ngân hàng thương mại có tiếp tục đẩy mạnh được tăng trưởng tín dụng? Một tham khảo là tình hình vốn khả dụng và thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá đảm bảo, theo phân tích dữ liệu của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lượng vốn “bơm” qua thị trường mở (OMO).

Tổng hợp dữ liệu của Bloomberg và phân tích của Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC) mới đây cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện nhiều so với trạng thái căng thẳng cuối 2009 đầu 2010.

Theo các nguồn phân tích nói trên, tính tới ngày 29/4, khoảng 2.000 tỷ đồng được hút về thông qua thị trường mở. Đi cùng với đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần thứ tư liên tiếp cho xu hướng giảm, đặc biệt là xu hướng giảm khá mạnh của lãi suất qua đêm những ngày gần đây, chỉ dao động quanh mốc 6,5% thay cho mức bình quân trên 7% trong tháng 3.

Phân tích lượng tiền “bơm” qua OMO hơn một năm trở lại đây cũng cho thấy xu hướng mở rộng tiền tệ nhẹ đã cho tín hiệu trong tháng 4, sau khi có sự thắt chặt mạnh từ tháng 3 trở về trước (Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản lên 8%/năm khi cơ chế lãi suất thỏa thuận chưa được mở rộng…), trước áp lực gia tăng của lạm phát.

Như vậy, hiện tại lo ngại về thanh khoản của ngân hàng và biến động mạnh của lãi suất (trong ngắn hạn) có thể loại trừ. Kỳ vọng trong thời gian tới là tăng trưởng tín dụng tiếp tục được mở rộng (trong định hướng chung của cả năm) và lãi suất tiếp tục được điều chỉnh thêm theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn ở chi phí sản xuất, kinh doanh.