Lạc quan với thị trường, loạt quỹ tăng mua cổ phiếu trong tháng 6
Tháng 6/2025 chứng khiến 25/34 quỹ mở cổ phiếu giảm tỷ trọng tiền mặt, tăng mạnh so với 19/35 quỹ trong tháng 5, phản ánh tâm lý lạc quan hơn và kỳ vọng về khả năng tăng trưởng của thị trường.

Xu hướng rút vốn tại các quỹ đầu tư vẫn tiếp diễn với giá trị rút ròng trong quý 2/2025 hơn 6,8 nghìn tỷ đồng, nâng tổng quy mô rút ròng lên 12,5 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2025, tương đương với cùng kỳ năm 2024, theo số liệu từ FiinTrade.
Giá trị rút ròng trong tháng 6/2025 là khoảng 1,82 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng 5 (1,76 nghìn tỷ đồng). Đây là tháng thứ 8 liên tiếp dòng tiền bị rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu và trái phiếu.
Trong đó, áp lực rút vốn gia tăng ở quỹ Cổ phiếu với giá trị rút ròng trong tháng 6 là hơn 2,3 tỷ đồng, tăng 35,2% so với tháng 5 (1,7 nghìn tỷ đồng), chủ yếu ở quỹ thụ động (ETF) và quỹ đóng. Ngược lại, sau khi bị rút ròng 3 tháng liên tiếp, nhóm quỹ Trái phiếu ghi nhận dòng vốn vào ròng trở lại với hơn 500 tỷ đồng trong tháng 6/2025, tập trung ở quỹ Trái phiếu Techcom (TCBF), quỹ Trái phiếu DCIP (DCIP), quỹ Trái phiếu An Bình (ABBF).
Trong tháng 6/2025, nhóm quỹ thụ động ETF bị rút ròng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, gần gấp ba lần so với tháng trước và chủ yếu là dòng tiền ngoại. Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF dẫn đầu với giá trị rút ròng gần 458 tỷ đồng (+85,5% MoM), tiếp đến là quỹ DCVFMVN30, Xtrackers FTSE Vietnam và DCVFMVN Diamond. Với nhóm quỹ đóng (VEIL và VOF), dòng tiền tiếp tục ở trạng thái âm trong tháng 6, với giá trị rút ròng gần 800 tỷ đồng, tương đương với quy mô rút ròng của tháng 5. Top danh mục ở các quỹ này là VHM, FPT, MBB, VPB.

Với nhóm quỹ mở, quy mô rút ròng tháng 6/2025 giảm 26% so với tháng trước, trong đó rút ròng giảm mạnh ở quỹ PYN Elite và quỹ Chứng khoán Năng động DC (DCDS). STB là cổ phiếu mà PYN Elite bán ra mạnh trong tháng 6, nhưng quỹ này cũng gia tăng nắm giữ OCB, MBB, VCI, VIX, MWG, HVN.
Toàn bộ giá trị rút ròng trong 6 tháng năm 2025 tập trung ở nhóm quỹ Cổ phiếu hơn 12,7 nghìn tỷ đồng. Riêng quý 2/2025, nhóm này ghi nhận rút ròng gần 6,5 nghìn tỷ đồng, đánh dấu quý rút ròng thứ sáu liên tiếp – chuỗi rút vốn dài nhất kể từ năm 2022.
Nhóm quỹ thụ động chiếm phần lớn 63% (3,9 nghìn tỷ đồng) với lực rút ròng mạnh đến từ các quỹ ETF ngoại như Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam ETF và quỹ ETF nội do Dragon Capital quản lý . Tuy nhiên, quy mô rút ròng ở nhóm quỹ này đã giảm mạnh -63% so với cùng kỳ. Ở nhóm quỹ mở, dòng tiền đảo chiều rút ròng gần 900 tỷ đồng sau khi vào ròng 4,8 nghìn tỷ đồng trong 6T2024, chủ yếu do lực rút ròng tăng lên ở quỹ ngoại PYN Elite. Nhóm quỹ đóng duy trì trạng thái rút ròng, với áp lực rút ròng tiếp diễn ở quỹ VEIL và VOF.
Đáng chú ý, một số quỹ bắt đầu có dòng vốn vào ròng trở lại trong nửa đầu tháng 7, bao gồm quỹ VanEck Vietnam ETF (658 tỷ đồng), ETF DCVFMVN DIAMOND (359 tỷ đồng).
Tháng 6/2025, nhóm quỹ trái phiếu ghi nhận dòng vốn vào ròng gần 510 tỷ đồng, đảo chiều sau 3 tháng bị rút ròng. Đóng góp chính đến từ DCIP (+152 tỷ đồng), đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp hút vốn ròng tại quỹ trái phiếu của Dragon Capital. Khoảng 65,4% danh mục của quỹ DCIP là tiền và phần còn lại là trái phiếu, chủ yếu là TPDN của Masan (MSN) và Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF).
Lũy kế 6 tháng năm 2025, dòng vốn tại nhóm quỹ trái phiếu duy trì trạng thái tương đối cân bằng, trái ngược với xu hướng vào ròng mạnh trong cùng kỳ năm 2024 (5,9 nghìn tỷ đồng).
Nguyên nhân chính đến từ sự đảo chiều của dòng tiền vào quỹ TCBF với giá trị rút ròng trong 6T2025 là gần 263 tỷ đồng, trong khi 6T2024 ghi nhận quy mô vào ròng hơn 3,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi quỹ TCBF có dòng tiền vào ròng trở lại với 161 tỷ đồng trong tháng 6 và 246 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 7.
Về tỷ trọng tiền mặt, tháng 6/2025 chứng khiến 25/34 quỹ mở cổ phiếu giảm tỷ trọng tiền mặt, tăng mạnh so với 19/35 quỹ trong tháng 5, phản ánh tâm lý lạc quan hơn và kỳ vọng về khả năng tăng trưởng của thị trường. Đáng chú ý, quỹ VESAF và VMEEF với tổng NAV gần 4,7 nghìn tỷ đồng đã mạnh tay hạ tỷ trọng tiền mặt sau khi tăng nắm giữ trong tháng trước. Ngoài ra, VFMVSF và DCDS tiếp tục hạ tỷ trọng tiền mặt tháng thứ 3 liên tiếp, cho thấy chiến lược đẩy mạnh giải ngân đang lan tỏa rõ nét.

HPG là top mua ròng của các quỹ trong tháng 6/2025 (theo khối lượng), đồng thời đây cũng là cổ phiếu được nhiều quỹ tham gia mua ròng nhất (56 quỹ). Nổi bật là quỹ Vaneck Vietnam ETF (do HPG được tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số MarketVector Vietnam Local Index ở kỳ cơ cấu Q2/2025). Ngoài ra, các quỹ Fubon FTSE Vietnam, VFMVSF, ETF DCVFMVN30 cũng tham gia mua ròng HPG.
Bên cạnh đó, top mua ròng của các quỹ tháng 6/2025 còn có một số cổ phiếu Ngân hàng như OCB, MBB, CTG. Hoạt động mua ròng chủ yếu đến từ quỹ PYN Elite, với kỳ vọng rằng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các Tổ chức tín dụng sẽ góp phần cải thiện thanh khoản và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
VIC và VHM nằm trong top bị bán ròng trong tháng 6/2025 (theo khối lượng), chủ yếu do VanEck Vietnam ETF giảm tỷ trọng theo kỳ cơ cấu chỉ số MarketVector Vietnam Local Index. Một số quỹ thuộc Dragon Capital như DCDS và ETF DCVFMVN30 cũng tham gia bán ra.
Ở nhóm ngân hàng, 6/14 cổ phiếu thuộc VN30 (STB, BID, ACB, VIB, HDB, TCB) bị bán ròng mạnh, cho thấy xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn. Trong đó, STB là cổ phiếu bị nhiều quỹ bán ròng nhất (23 quỹ), dẫn đầu là PYN Elite (chiếm 49% khối lượng bán ròng) và các quỹ mở như VLGF, VFMVSF, VCBF-BCF. Động thái này chủ yếu nhằm chốt lời sau giai đoạn STB tăng giá mạnh và đạt mặt bằng định giá cao hơn so với ngành.