11:56 29/06/2023

Lãi suất gói 120.000 tỷ đồng: Khó cho cả ngân hàng và người vay

Thanh Xuân

Các chuyên gia cho rằng, lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà dự án nhà ở xã hội vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Vì vậy, cần có sự "vào cuộc” của Nhà nước, đưa lãi suất cho vay về mức một nửa lãi suất thị trường…

Toàn cảnh hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp”  (Ảnh: PV).
Toàn cảnh hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp” (Ảnh: PV).

Tại hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp” do Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 28/6, nhiều ý kiến nhận định rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chẳng hấp dẫn ngân hàng mà cũng chẳng hấp dẫn người dân.

CHẲNG PHẢI MỘT MÓN QUÀ

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chi phí vốn của ngân hàng hiện tại, bình quân đâu đó khoảng 8-9%, trong khi cho người dân vay ra ở mức 8,2% và cho doanh nghiệp, chủ đầu tư vay 8,7% thì không những không lãi mà còn lỗ. Với ngân hàng thương mại, họ là doanh nghiệp sống nhờ lợi nhuận nên đây chẳng phải một món quà.

Còn người đi vay, để mua một căn nhà ví dụ 1 tỷ đồng, họ được ngân hàng cho vay 80% tương đương 800 triệu đồng, bình quân lãi suất 8%, cho vay trong 15 năm. Theo tính toán, mỗi tháng họ cần trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi  7,5 triệu. "Nếu tôi ở vị trí ngân hàng cho vay, thì họ phải thu nhập tầm 15 triệu để có thể trả nợ được ngân hàng. Vậy bao nhiêu người lao động nghèo ngoài kia đạt thu nhập 15 triệu/tháng? Thành ra gói tín dụng chẳng hấp dẫn ngân hàng mà cũng chẳng hấp dẫn người dân. Nếu cứ giữ gói này theo hình thức trên, thì đến cuối năm sẽ giải ngân bao nhiêu và đóng góp như thế nào về việc tạo ra 1 triệu căn nhà xã hội đến năm 2030?”, chuyên gia đặt vấn đề.

TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính quốc gia cũng nhìn nhận rằng mức lãi suất 8,7% dành cho chủ đầu tư; 8,2% dành cho người mua nhà chưa hấp dẫn. Thực tế, sau hơn 1 tháng triển khai trên toàn quốc hiện chỉ có 100 dự án được cấp phép đầu tư xây dựng. Nhưng đến thời điểm này, các ngân hàng cũng chưa thể giải ngân. Nhiều địa phương chưa thể công bố công khai danh mục dự án hưởng ưu đãi do đang tiếp tục rà soát. Trong số dự án địa phương đã rà soát gửi về Bộ Xây dựng, một số dự án không đáp ứng điều kiện, tiêu chí pháp lý… rõ ràng rất chậm.

Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích: “Vốn ngân hàng là vốn thương mại, ngân hàng là doanh nghiệp thương mại. Gói 120.000 tỷ đồng cũng là tín dụng thương mại có ưu đãi, chứ không phải tín dụng kinh tế nhân văn, cho nên khó cả ngân hàng, khó cả doanh nghiệp, khó cả người dân. Bởi mức lãi suất 8,2%-8,7% kéo dài trước mắt 3 năm, sau đó theo cơ chế thị trường cũng là sự cố gắng của ngân hàng thương mại, vì đã hy sinh một phần lãi suất của mình so lãi suất thị trường thông thường... nhưng doanh nghiệp, người dân chưa mặn mà.

So sánh với quốc gia khác trên thế giới, ông Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính thông tin: lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tại Mỹ nhiều năm chỉ 5 – 6%/năm, Hàn Quốc tương tự, thậm chí Trung Quốc thấp hơn. Điều này phần nào cho thấy, mức lãi suất của Việt Nam 8,2% đối với người mua nhà khá cao so thế giới, cũng gây khó khăn khi giải ngân.

Để thúc đẩy mục tiêu xây dựng tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, về nguồn vốn, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với quan điểm cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay lãi suất thấp hơn 1,5% - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bằng đồng Việt Nam bình quân của ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ. Theo đó, hiện lãi suất dành cho chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8,2% dành cho người mua nhà.

PHẢI CÓ TRẦN LÃI SUẤT

Trước phản ánh mức lãi suất của gói tín dụng trên, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước lý giải rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hoàn toàn sử dụng vốn huy động của người dân, không phải sử dụng vốn ngân sách. Do đó, việc cho vay theo quy định của ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng rất nỗ lực tiết giảm chi phí nhằm hạ lãi suất cho vay về mức thấp nhất.

“Lãi suất quy định thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường từ 1,5% - 2%. Tuy nhiên, nếu bao gồm cả ngân hàng thương mại cổ phần, mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ cao, nên hiện nay đã thống nhất dùng lãi suất cho vay của 4 ngân hàng lớn có lãi suất tương đối thấp, gồm: Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank. Tất nhiên, mức lãi suất chưa hoàn toàn đáp ứng mong muốn của khách hàng vay vốn. Nhưng lãi suất này biến động theo thời gian, cho phép điều chỉnh lãi suất 6 tháng một lần, khi mặt bằng lãi suất giảm, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội từ gói tín dụng cũng giảm”, ông Bắc chia sẻ.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu vẫn đề xuất để gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thực sự hỗ trợ người dân cần có trần lãi suất, trần lãi suất của gói này không quá 10%. Vì nếu không có quy định, giả sử sau 5 năm sau lãi suất trên thị trường bật lên sẽ rất nguy hiểm cho cả người đi vay và người cho vay”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Theo vị này, hãy trở lại như gói 30.000 tỷ của Ngân hàng nhà nước trước đây. Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng và ngân hàng cho vay ra với lãi suất 5% cho người thu nhập thấp, cho người lao động, cho người nghèo là phù hợp. Vậy làm sao ngân hàng thương mại lại cho vay với lãi suất 5% được? Chắc chắn là cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước phải cấp vốn cho ngân hàng thương mại lãi suất khoảng 3%, rồi để ngân hàng thương mại cho vay ra với lãi 5% và họ được chênh lệch 2%, các ngân hàng không phải lấy tiền túi thì lúc đấy mới thực hiện được.

Ngoài ra, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phải xác định thời gian cho vay tối đa bao lâu, ví dụ: 10 năm, 20 năm hay 30 năm. Đây là cơ sở để khách hàng vay tính toán được khả năng trả nợ.

Bàn thêm về nguồn vốn cho nhà ở xã hội, ông Lực nêu ý kiến, muốn có nguồn vốn bền vững phải thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. Quỹ có thể huy động từ 5 nguồn khác nhau: ngân sách, vốn góp từ tổ chức tài chính trong nước lẫn quốc tế, phát hành trái phiếu Chính phủ/chính quyền địa phương, vốn đối ứng, bổ sung từ các  tổ chức tín dụng trong nước, nguồn vốn ODA, các tổ chức tài chính quốc tế.

"Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là vốn mồi, lúc đó, lãi suất cho vay với cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà có thể đề suất bằng ½ so lãi suất thị trường. Thị trường 10% thì đây 5% … theo cơ chế 50-50 hoặc 40-60, tức 40% cho chủ đầu tư vay, còn 60% cho người mua nhà vay. Đây là câu chuyện then chốt cho nhà ở xã hội về lâu dài", ông Lực đề xuất.