“Làm đường bộ hay đường sắt tôi đều lấy tâm ra để làm”
Cuối phiên chất vấn sáng 4/6, sức "nóng"của các dự án BOT chuyển dần sang lĩnh vực đường sắt
Nhận "phê phán" của đại biểu là đã "bỏ rơi" đường sắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận đường sắt phát triển quá lạc hậu.
Nhưng, Bộ trưởng phân trần "làm dự án đường sắt, đường bộ đều như nhau bởi vì bản thân tôi lấy tâm ra để làm, nếu tôi vi phạm, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Cuối phiên chất vấn sáng 4/6, sức "nóng"của các dự án BOT chuyển dần sang lĩnh vực đường sắt.
Đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn, đầu tư cho đường sắt 8 năm qua hầu như giậm chân tại chỗ, phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích, trong khi đường sắt đầu tư lớn?
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, về lâu dài Bộ đang xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để báo cáo Quốc hội.
"Dự án đường sắt cách đây 8 năm đã trình Quốc hội nhưng Quốc hội chưa thông qua. Chúng tôi nghĩ trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Giao thông Vận tải khi Quốc hội không thông qua, chúng tôi cảm thấy dự án này rất cần thiết cho xã hội nên phải kiên trì đề xuất", ông Thể trình bày.
Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu, năm tới 2019 sẽ trình đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.
Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc không tán thành khi Bộ trưởng nêu lý do tham mưu kém của ngành đường sắt.
Ông Quốc nhấn mạnh, ngành đường sắt Việt Nam gần như bị bỏ rơi thì đúng hơn. Ông Quốc cũng nhắc Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi đó là, phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, có thể cắt nhỏ ra, nhiều hợp đồng.,... còn đường sắt phải làm tổng thể. Vì thế đường sắt ít được quan tâm vì không mang lại những lợi ích cho những nhóm lợi ích?
Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng nhấn mạnh đường sắt đầu tư rất lớn có những dự án đến tỷ USD và dự án trước đây đã trình Quốc hội lên đến mấy chục tỷ USD, Quốc hội rất đắn đo.
"Nếu chúng ta làm thì phải làm đường đôi, không thể nào chắp vá, sửa. Đường hiện nay là đường độc đạo, khổ rộng là 1 m, trong khi đường đôi khổ khác. Tôi nghĩ nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì chúng ta sẽ tiến hành thực hiện các dự án đường sắt. Điều đáng tiếc là trong thời gian vừa qua chúng ta chưa thông qua được một dự án nào về đường sắt làm mới, do đó chúng ta chưa triển khai", Bộ trưởng giải thích.
Liên quan đến vấn đề "chia sẻ lợi ích", Bộ trưởng nói" quan điểm cá nhân tôi là người làm giao thông, chúng tôi rất mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải, trong đó có đường sắt. Tôi cũng nhìn nhận là đường sắt của chúng ta phát triển quá lạc hậu, đường biển, đường ven bờ, đường thủy nội địa trong thời gian vừa qua sự đầu tư chưa đúng mức. Tôi nghĩ làm dự án đường sắt, đường bộ đều như nhau bởi vì bản thân tôi lấy tâm ra để làm, nếu tôi vi phạm, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng đã đến giai đoạn cần phải thông qua đề án đường sắt với mức 50 tỷ USD, mỗi nhiệm kỳ bỏ ra 5 tỷ USD hình thành nên tuyến đường sắt mới.
"Có như vậy trong nhiều nhiệm kỳ, chúng ta mới có được đường sắt Bắc-Nam. Chúng ta không có đường sắt Bắc-Nam thì đây là một hạn chế rất lớn cho hoạt động vận tải cũng như phát triển kinh tế-xã hội", Bộ trưởng nói.