07:32 15/06/2022

Lạm phát ở Mỹ: Gỡ bỏ thuế quan với hàng Trung Quốc có phải là lối thoát?

Hoài Thu

Quyết định xem xét lại di sản chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do người tiền nhiệm khởi xướng của Tổng thống Joe Biden đang thu hút sự quan tâm lớn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt lạm phát kỷ lục...

Lạm phát cao kỷ lục 40 năm trong tháng 5 là một thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters
Lạm phát cao kỷ lục 40 năm trong tháng 5 là một thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters

Theo Bộ Lao động Mỹ, lạm phát của Mỹ trong tháng 5 là 8,6%, mức cao nhất 40 năm qua. Từ khí đốt cho tới thực phẩm, giá cả leo thang đang gây ra áp lực nặng nề cho các hộ gia đình tại Mỹ.

2 LỰA CHỌN CỦA CHÍNH QUYỀN BIDEN

Theo tờ Nikkei Asia, trong khi chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng với Đảng Dân chủ có khả năng thất thế trong Quốc hội, ông Biden đối mặt lựa chọn khó khăn.

Một là tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc và đối mặt với trách nhiệm cho việc giá cả leo thang giá cao. Hai là loại bỏ thuế quan, hạ nhiệt giá cả tiêu dùng nhưng có vẻ yếu thế hơn trước Bắc Kinh.

Cuối tuần trước, ông Biden đổ lỗi cho 6 công ty sản xuất dầu mỏ lớn (Big Oil) gồm ExxonMobil, Royal Dutch Shell, BP, Chevron Corporation, ConocoPhillips và Total S.A., và Nga. Ông nói rằng giá dầu tăng chóng mặt là nhân tố chính gây ra lạm phát kỷ lục, và nguyên nhân chính cho việc này chính là cuộc chiến tranh ở Ukraine do Moscow khởi xướng.

"Đừng nhầm lẫn về vấn đề này: Tôi hiểu rằng lạm phát là một thách thức thực sự đối với các gia đình Mỹ", Biden phát biểu tại một cuộc họp báo ở Los Angeles. “Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục làm mọi cách để hạ giá cả cho người dân Mỹ”.

Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích việc các công ty dầu mỏ lớn như Exxon Mobil đã không tăng sản lượng.

"Năm nay Exxon kiếm được nhiều tiền hơn cả Chúa”, ông Biden nói. “Tôi muốn nói một điều về các công ty dầu mỏ: Họ có 9.000 giấy phép khoan dầu nhưng lại không khoan dầu… bởi vì nhờ giá dầu tăng, họ kiếm được nhiều tiền hơn khi mà không sản xuất thêm”.

Tháng trước, ông Biden cho biết chính quyền của ông đang cân nhắc gỡ bỏ thuế quan được chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt với hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7/2018. Các biện pháp thuế quan này được ban hành theo Mục 310 của Luật Thương mại Mỹ năm 1974, trong đó yêu cầu “xem xét lại tính cần thiết” bốn năm một lần.

Nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp cũng đã thúc giục ông Biden cắt giảm thuế quan thương mại nhằm hạ nhiệt lạm phát trong nước. Lạm phát ở Mỹ đang được đẩy lên cao do nhiều yếu tố nghiêm trọng như sự phục hồi hậu Covid-19, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và chiến tranh ở Ukraine.

"Nếu Mỹ điều chỉnh thuế quan, việc này sẽ không giúp cho Trung Quốc mà giúp cho Mỹ”, Shang-Jin Wei - nhà kinh tế, giáo sư về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định. "Cứ mỗi 100 USD hàng hóa mà Mỹ mua của Trung Quốc, gần 40 USD là phụ tùng là linh kiện của các công ty và 60 USD của các hộ gia đình”.

"Việc gỡ bỏ thuế quan có thể giúp giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp Mỹ và giảm chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình”, ông Wei nói.

KHÔNG PHẢI "LIỀU THUỐC CHỮA BÁCH BỆNH"

Trong chiến tranh thương mại, chính quyền Trump đã áp thuế tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, bao gồm hàng trăm tỷ USD hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, việc có nên duy trì thuế quan này hay không được cho là sẽ trở thành một vấn đề chính trị gây tranh cãi lớn khi mà một số chính trị gia và nhà lãnh đạo ngành phản ứng dữ dội, cho rằng ông Biden đang mềm mỏng với Trung Quốc với ý định giảm thuế.

Việc giảm thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể giúp hạ giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là vật liệu thô, nhưng nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc này có thể sẽ không giúp giảm lạm phá về mức mong muốn.

Trong chiến tranh thương mại, chính quyền Trump đã áp thuế tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Trong chiến tranh thương mại, chính quyền Trump đã áp thuế tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 8/6 nhấn mạnh rằng giảm thuế với hàng Trung Quốc không phải là “viên đạn bạc” để giải quyết tình trạng lạm phát cao.

"Tôi cho rằng việc này có thể giảm phần nào giá cả hàng hóa, có thể giúp giảm giá những mặt hàng đang gây ra gánh nặng. Nhưng tôi cũng muốn nói rõ rằng, thành thật mà nói, tôi cho rằng chính sách thuế quan không phải là liều thuốc chữa bách bệnh đối với lạm phát”, bà nói.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng điều này không có nghĩa là Mỹ nên duy trì thuế quan nói trên bởi chính sách này không hiệu quả với các mục tiêu ban đầu.

“Việc áp thuế đã không thay đổi hành vi của Trung Quốc theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa. Các cuộc tranh luận giờ đây đã thay đổi, vấn đề cốt lõi mà chúng ta đang cố gắng giải quyết là các hoạt động phi thị trường của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cùng các công ty khác ... Tôi cho rằng thuế quan sẽ không giải quyết những vấn đề cốt lõi về mặt cơ cấu của Mỹ với Trung Quốc”, David Sacks - nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, có trụ sở tại New York - nhận định.

Trong khi đó, giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng Robert Handfield tại Đại học North Carolina (Mỹ) cho rằng chính quyền Biden sẽ giảm thuế một cách có chọn lọc theo ngành công nghiệp. Các dự án năng lượng mặt trời sẽ được ưu tiên bởi hầu hết tấm năng lượng mặt trời ở Mỹ được nhập khẩu từ Đông Nam Á và Trung Quốc.

Hôm 6/6, Nhà Trắng tuyên bố miễn thuế nhập khẩu trong 24 tháng đối với tấm năng lượng mặt trời sản xuất tại Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Malaysia.

“Việc giảm thuế quan có thể không mang lại tác động về vật chất lâu dài, nhưng có thể tác động ngắn hạn. Nhưng ngay cả khi đó, không rõ mức độ tác động sẽ như thế nào. Rất nhiều tổ chức đã tìm cách tránh thuế tạm thời. Vì vậy, không rõ liệu việc gõ bỏ thuế quan có thể tác động thức thì tới lạm phát không”, ông Handfield phân tích.

Theo ông, ngoài chiến tranh Ukraine và đại dịch, vấn đề cốt lõi gây ra lạm phát cao là hạ tầng chuỗi cung ứng. Đại dịch đã làm lộ rõ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tắc nghẽn tại các cảng biển lớn ở Mỹ.

“Tôi cho rằng chính phủ sẽ không thể làm gì trong ngắn hạn. Một trong số những việc họ đang làm là tăng lãi suất, từ đó có thể giảm nhu cầu với một số mặt hàng, nhưng chuỗi cung ứng vẫn tồn tại nhiều nút thắt. Chính sách của chính phủ không thể làm gì được”, ông nói.

Vị giáo sư này dự báo ít nhất 2 năm nữa chuỗi cung ứng toàn cầu mới có thể hoạt động trơn tru trở lại.