10:20 28/05/2018

Làm rõ trách nhiệm các bộ chưa quản tốt doanh nghiệp trực thuộc

Hà Vũ

Vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu tên không ít bộ chưa làm tốt trách nhiệm của mình.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, hiệu quả đầu tư đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI. Vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đoàn giám sát đã chỉ ra các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở 4 vi phạm. Gồm, vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, vi phạm nguyên tắc thị trườngm vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính.

Một số vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ, đoàn giám sát nhấn mạnh.

Chính phủ chậm phát hiện và ngăn chặn sai phạm 

Sau khi chỉ ra các vi phạm, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, báo cáo giám sát đã chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo nêu rõ, Chính phủ có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu, quản lý nhà nước, chỉ đạo việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Mặc dù trong giai đoạn 2011-2016, Chính phủ đã có nhiều cố gắng xây dựng cơ sở pháp lý cho công tác quản lý tài sản và vốn tại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường công tác quản lý góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này, tăng vốn, tài sản, bảo toàn vốn, nâng cao hiệu quả kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước. Nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, còn để xảy ra một số vụ việc chậm phát hiện và ngăn chặn, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có những kết quả bước đầu nhưng chưa đáp ứng so với yêu cầu.

Đối với các bộ, ngành, đoàn giám sát nhận xét còn một số bộ chưa làm tốt trách nhiệm cụ thể của mình trong quản lý nhà nước và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, còn để xảy ra các vụ việc sai phạm của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

Như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông... Bên cạnh đó là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm toán nguồn thu từ đất

Phần giải pháp, kiến nghị, báo cáo giám sát kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và báo cáo Quốc hội. Giao Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết về "Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp" và hàng năm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện của quỹ này.

Với Chính phủ, đoàn giám sát đề nghị cần nghiên cứu luật hóa chính sách thu lợi nhuận, cổ tức tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước và các nội dung về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Quốc hội về các nội dung này.

Chính phủ cũng được đề nghị rà soát quy định về chính sách thu lợi nhuận, cổ tức tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư và kiến nghị luật hóa nội dung này (cụ thể về đối tượng, mức thu, tỷ lệ để lại cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh) bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Kiến nghị tiếp theo của đoàn giám sát với Chính phủ là tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước. Chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, xây dựng chế tài xử lý đối với các trường hợp không hoặc chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Chính phủ cũng được yêu cầu báo cáo Quốc hội về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc để xảy ra tồn tại, hạn chế và các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.