Làm thế nào để không phải chất vấn lại những vấn đề đã cũ?
Bộ trưởng phải có cam kết trước Quốc hội và cử tri để đại biểu giám sát cam kết đó
Lần này hy vọng các bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi, xác định rõ trách nhiệm và Quốc hội làm thế nào để những kỳ chất vấn tới không phải đặt lại vấn đề đã cũ nữa.
Đây là thông tin được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh khi trao đổi với VnEconomy trước thềm các phiên chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu từ sáng 15/11.
Thưa bà, là đại biểu tái cử, đã tham dự nhiều phiên chất vấn, bà nghĩ thế nào khi lần này các vị bộ trưởng trả lời chất vấn đều là người mới, nhưng các nhóm vấn đề Quốc hội chọn chất vấn thì đều đã cũ?
Đúng là các nhóm vấn đề rất cũ, nhưng nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự, do giải quyết không đến nơi đến chốn, chưa thấu đáo, vẫn là những vấn đề cử tri rất quan tâm.
Rất nhiều năm không chỉ thuỷ điện mà hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng (đều là nhóm dành cho Bộ trưởng Bộ Công Thương) nhưng bây giờ vẫn khiến cử tri bức xúc.
Phân bón có đến mấy ngàn loại thì làm sao mà dân phân biệt được, nhất là phân bón giả ảnh hướng lớn đến nông dân. Nhiều nơi nông dân đã phải oằn mình chịu hạn hán như ở Nam Bộ hay Tây nguyên hay lũ lụt ở miền trung còn chịu thêm nhân tai từ phân bón giả, giống cây kém chất lượng mà theo con số của một viện nghiên cứu thì mỗi năm gây thiệt hại đến 2,4 tỷ USD.
Lần này hy vọng các bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi, xác định rõ trách nhiệm và Quốc hội làm thế nào để những kỳ chất vấn tới không phải đặt lại vấn đề đã cũ nữa.
Như vậy chất vấn phải làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý?
Để đạt được mục tiêu chất vấn thì trước hết phụ thuộc vào người điều hành, phải điều hành đi vào đúng trọng tâm vấn đề. Người hỏi cũng phải hỏi thẳng vào trách nhiệm của người được chất vấn chứ không nên hỏi để biết thông tin nữa.
Đặc biệt là bộ trưởng phải có cam kết trước Quốc hội và cử tri để đại biểu giám sát cam kết đó chứ nếu theo kiểu đánh trống bỏ dùi thì không giải quyết được cái gì cả.
Còn nói về chế tài thì pháp luật hiện hành đã có nhưng có những cái do tổ chức thực hiện chưa tốt. Trong mọi chuyện phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu chứ nếu không thì không giải quyết được vấn đề.
Vậy bên cạnh các vấn đề nêu trên, còn nội dung nào theo bà Quốc hội cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu tại các phiên chất vấn kỳ này?
Bất cứ vụ việc nào xảy ra khi xác minh đúng như thế thì đều phải có người đứng ra chịu trách nhiệm, chứ nếu khuyết điểm thuộc về tập thể còn thành tích thuộc về cá nhân thì không thể giải quyết được...
Ví dụ về công tác cán bộ, cứ cho là quy trình đúng nhưng làm đúng quy trình mà có vấn đề thì trách nhiệm của bộ là phải tham mưu sửa đổi quy trình cho phù hợp với thực tế. Chứ dư luận phản ánh không ít trường hợp cả họ làm quan, nhưng cứ giải thích là đúng quy trình. Đúng quy trình mà cả họ làm quan thì làm sao thực hiện được ý kiến của Thủ tướng là tìm người tài chứ không tìm người nhà.
Một điểm mới của kỳ họp này là đại biểu có quyền giơ biển để tranh luận ngay, vậy quyền này theo bà cần được phát huy thế nào trong các phiên chất vấn?
Đây là phương thức tạo điều kiện cho đại biểu tranh luận lại làm rõ vấn đề mình chất vấn. Tuy nhiên để thực hiện được thì Tổng thư ký phải cử ra người quan sát để điều hành cho sát.
Chẳng hạn, người vừa chất vấn mà thấy câu trả lời không thoả đáng nếu giơ biển tranh luận thì nên ưu tiên, dù có thể họ giơ sau người khác. Vì họ vừa chất vấn nên có thể am hiểu sâu vấn đề hơn.
Còn cả hội trường rộng như vậy, có vị trí rất xa đoàn Chủ tịch, nếu chủ toạ chỉ nhìn vào màn hình điện tử hiện tên đại biểu thì khó có thể phát hiện được hết đại biểu muốn tranh luận.
Vai trò của người điều hành chất vấn rất quan trọng, theo bà cần được đổi mới thế nào cho hiệu quả?
Theo tôi, nếu đại biểu nói dài dòng không đi vào trọng tâm thì người điều hành có thể cắt ngay chứ không nên đợi nói hết rồi mới bảo vấn đề này trả lời bằng văn bản vì như vậy mất thời gian.
Người trả lời cũng phải trả lời thẳng vào vấn đề, nếu cố tình "câu giờ" thì người điều hành cũng phải cắt và nếu trả lời thiếu thì nên nhắc nội dung còn thiếu.
Nếu đại biểu hỏi trách nhiệm mà người trả lời chất vấn trả lời những vấn đề không liên quan thì chủ toạ cũng cần nhắc Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi.
Tôi hy vọng lần này sẽ có cải tiến để phiên chất vấn sôi nổi, đạt mục tiêu làm rõ trách nhiệm, đáp ứng mong đợi của cử tri.