10:52 10/02/2009

Lao động về nước trước hạn được hỗ trợ thế nào?

Vũ Quỳnh

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến các thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam

Mặc dù mỗi nước có một quy định, chính sách riêng nhưng tinh thần chung vẫn là người lao động có quyền chuyển đổi nơi làm việc, sau thời gian theo quy định mà vẫn không có chủ mới  tiếp nhận, lao động mới phải chọn giải pháp về nước và sẽ được hỗ trợ vé máy bay, số tiền lương tương ứng với năm làm việc.
Mặc dù mỗi nước có một quy định, chính sách riêng nhưng tinh thần chung vẫn là người lao động có quyền chuyển đổi nơi làm việc, sau thời gian theo quy định mà vẫn không có chủ mới tiếp nhận, lao động mới phải chọn giải pháp về nước và sẽ được hỗ trợ vé máy bay, số tiền lương tương ứng với năm làm việc.
Do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nhà máy, xí nghiệp ở hầu hết các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản.

Điều này đã dẫn tới việc một bộ phận lớn lao động Việt Nam  thiếu việc làm, giảm thu nhập hoặc mất việc làm phải về nước trước hạn.

Trao đổi với VnEconomy, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, tình hình trên có thể sẽ gia tăng trong những tháng tới, đặc biệt là lao động tại các thị trường Đài Loan, Séc, Malaysia… và các nước đã có chính sách, chương trình hỗ trợ lao động nhập cư.

Về nước, giải pháp cuối cùng!

Mặc dù mỗi nước có một quy định, chính sách riêng nhưng tinh thần chung vẫn là người lao động có quyền chuyển đổi nơi làm việc, sau thời gian theo quy định mà vẫn không có chủ mới  tiếp nhận, lao động mới phải chọn giải pháp về nước và sẽ được hỗ trợ vé máy bay, số tiền lương tương ứng với năm làm việc.

Tại Đài Loan, người lao động có quyền đăng ký tìm chỗ làm việc mới và không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm việc. Trong thời gian 60 ngày mà người lao động không tìm được chủ sử dụng lao động mới tiếp nhận thì sẽ được giải quyết cho lao động về nước.

Với trường hợp lao động về nước, người sử dụng lao động phải cung cấp vé máy bay và bồi thường cho người lao động 1 tháng lương cơ bản theo hợp đồng/một năm làm việc.

Tại thị trường Nhật Bản, người lao động được chia thành hai trường hợp. Đối với lao động là kỹ sư hoặc lao động kỹ thuật cao, chủ sử dụng phải thông báo trước 1 tháng  để người lao động chủ động tìm việc khác.

Đối với người lao động là tu nghiệp sinh và thực tập sinh, nghiệp đoàn sẽ tiến hành tìm việc trong các xí nghiệp thành viên để đề nghị tiếp nhận người lao động.

Trong trường hợp lao động phải về nước, chủ sử dụng của thị trường này phải mua vé máy bay và đền bù 1 tháng tiền lương, trợ cấp cơ bản và giải quyết chế độ bảo hiểm (nếu có) cho người lao động.

Lao động tại thị trường Hàn Quốc mất việc làm sẽ được các trung tâm hỗ trợ tuyển dụng lao động nước ngoài (thuộc Bộ Lao động Hàn Quốc) đăng ký và giới thiệu việc làm mới.

Tuy nhiên, Bộ Lao động Hàn Quốc cũng cho biết, sau 2 tháng, nếu vẫn không có việc làm mới thì lao động phải về nước và người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động 1 tháng lương cơ bản/năm làm việc.

Đối với lao động theo chương trình EPS, tiền vé máy bay được trích từ tiền bảo hiểm hồi hương người lao động đã tham gia ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc. Riêng những lao động là tu nghiệp sinh, phải tự chi trả tiền vé máy bay.

Tại Malaysia, Bộ Nguồn nhân lực cho biết, tính đến ngày 31/1/2009 đã có 15.000 lao động bị sa thải, phần lớn thuộc khu vực sản xuất.  Hiện tại, bộ này cũng đã nhận được đơn của các doanh nghiệp xin sa thải thêm 9.000 lao động, trong đó có 6.000 lao động nước ngoài chủ yếu đến từ các nước Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam.

Đối với những lao động phải về nước trước thời hạn tại thị trường này, ngoài tiền vé máy bay, chủ sử dụng sẽ bồi thường 2 tuần lương cơ bản cho mỗi năm làm việc.

Thị trường Trung Đông có những quy định riêng theo tay nghề lao động. Nếu công ty bị thu nhỏ quy mô sản xuất, sáp nhập hoặc phá sản, người lao động sẽ được miễn điều kiện về trình độ và thời gian làm việc để được chuyển chủ nhưng phải được chủ sử dụng cũ cấp giấy không phản đối (NOC) và phải đóng phí chuyển chủ.

Nếu người lao động phải về nước được chủ sử dụng chi trả tiền vé máy bay và trợ cấp 1 tháng lương cơ bản theo hợp đồng đối với lao động làm việc dưới 12 tháng, trợ cấp 2 tháng lương đối với lao động làm việc trên 1 năm hoặc lao động có tay nghề.

Thị trường Séc cũng đã có kế hoạch trợ giúp lao động nước ngoài bị mất việc làm. Theo Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc, lao động nước ngoài (không thuộc Liên minh Châu Âu)  sẽ được cấp vé máy bay cùng khoản tiền 500 euro để hồi hương.

Doanh nghiệp trong nước cũng phải bồi thường

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước phải bồi thường cho người lao động về nước trước hạn đúng theo những gì luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định.

Cụ thể, doanh nghiệp phải thanh lý cho người lao động các loại phí (tiền môi giới, tiền dịch vụ) đã đóng.

Theo quy định của luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả một phần phí môi giới mà người lao động đã nộp trước theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 1/2 thời gian hợp đồng thì được hoàn trả 50% tiền môi giới;  trên 1/2 thời gian hợp đồng thì không được hoàn trả.

Đối với  phí dịch vụ, nếu người lao động đã nộp trước một lần (mỗi năm một tháng lương) thì doanh nghiệp phải hoàn trả một khoản tương ứng với  số tháng mà người lao động không còn được làm việc.

Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động tùy theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp.

Trao đổi xung quanh vấn đề giải quyết quyền lợi cũng như mức hỗ trợ  bồi thường cho người lao động, nhiều doanh nghiệp cho rằng, lao động phải về nước trước thời hạn trong trường hợp này là do nguyên nhân khách quan, không phải lỗi của doanh nghiệp.

Nếu đưa luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài áp dụng, nhiều doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn. Đặc biệt là những doanh nghiệp có lao động về nước với số lượng lớn trong khi phía đối tác không giải quyết các khoản phí dịch vụ.

“Vì thế, chúng tôi rất mong có được sự hỗ trợ từ phía nhà nước”, đại diện một doanh nghiệp phát biểu.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nói vấn đề này "cần phải tính toán và bàn bạc thêm".

Hiện Bộ có một quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động nhưng mới chỉ nhằm hỗ trợ, giải quyết cho những trường hợp là thân nhân của người lao động bị chết và người lao động bị tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc phải về nước trước hạn.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ xem xét, có thể mở rộng đối tượng của quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động. Phải tìm mọi cách đảm bảo quyền lợi cho người lao động, không được để người nghèo đi xuất khẩu lao động phải về nước trắng tay, nợ nần chồng chất”, ông Hòa nói.