Lenovo trở thành cổ phiếu công nghệ tệ nhất thế giới như thế nào?
Hiện Lenovo đang là cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất trong Hang Seng Index
Lenovo Group đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi chỉ số chính của thị trường chứng khoán Hồng Kông, do giá cổ phiếu tập đoàn công nghệ Trung Quốc này giảm mạnh hơn bất kỳ cổ phiếu công nghệ nào khác trên thế giới.
Hãng tin Bloomberg cho biết giá cổ phiếu Lenovo đã giảm 56% kể từ khi được đưa vào chỉ số Hang Seng vào tháng 3/2013, tương đương vốn hóa sụt giảm 5,8 tỷ USD. Trong vòng một thập kỷ qua, các công ty bị loại khỏi Hang Seng có mức giảm giá cổ phiếu bình quân 48% trước khi bị loại.
Trong phiên giao dịch ngày 23/4, giá cổ phiếu Lenovo tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Việc Mỹ cấm các công ty trong nước cung cấp linh kiện cho một công ty công nghệ Trung Quốc khác là ZTE trong vòng 7 năm đã khiến cổ phiếu Lenovo bị "vạ lây", bởi giới đầu tư lo ngại các hãng công nghệ Trung Quốc nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn tại Mỹ trong thời gian tới.
Hiện Lenovo đang là cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất trong Hang Seng Index. Theo dữ liệu từ IHS Markit, 13,8% cổ phiếu lưu hành của hãng này đang bị bán khống. Nếu bị loại khỏi Hang Seng, cổ phiếu Lenovo có thể bị giới đầu tư bán tháo ồ ạt hơn.
"Nguy cơ Lenovo bị loại đang tăng lên", chiến lược gia Kenny Wen thuộc Everbright Sun Hung Kai ở Hồng Kông nhận định. "Lenovo có vấn đề ở tất cả các lĩnh vực chính, từ việc không thể cho ra những mẫu điện thoại thông minh (smartphone) hấp dẫn, cho tới không giữ được thị phần ở mảng máy tính. Các nhà bán khống cổ phiếu có vẻ như đang chọn đúng mục tiêu".
Lenovo từng bị loại khỏi Hang Seng vào năm 2006, 6 năm sau lần gia nhập đầu tiên vào chỉ số này, rồi quay lại vào năm 2013. Mức giảm của cổ phiếu Lenovo từ năm 2013 đến nay là lớn hơn mức giảm của bất kỳ cổ phiếu nào trong số 171 cổ phiếu công nghệ thuộc chỉ số Bloomberg World Technology Index.
Trong một cuộc trao đổi với Bloomberg vào tuần trước, Giám đốc điều hành (CEO) Lenovo nói rằng công ty đang dần trở lại với tăng trưởng. Công ty có trụ sở ở Bắc Kinh này rơi vào tình trạng thua lỗ trong quý 4/2017 do một khoản thuế lớn phải nộp ở Mỹ, trong khi mảng di động tiếp tục làm ăn bết bát với thị phần suy giảm.
Nhà phân tích Kevin Chen thuộc Mizuho Securities Asia cho rằng nhiều khả năng Lenovo sẽ phải đánh tụt giá trị các tài sản vô hình, bởi mảng smartphone Motorola mà hãng mua lại tiếp tục mang đến kết quả kinh doanh không như mong đợi. Trong khi đó, mảng trung tâm dữ liệu đang là mảng hứa hẹn nhất có thể giúp Lenovo cải thiện tình hình.
"Năm ngoái lẽ ra phải là năm mà Lenovo đã chạm đáy và bắt đầu chứng kiến sự khởi sắc. Nhưng điều đó đã không diễn ra", ông Chen nói. "Các nhà đầu tư đang mất kiên nhẫn".