Liêm chính trong kinh doanh phải bắt đầu từ khi khởi nghiệp
Việc thực thi luật pháp cần được tăng cường hơn nữa, gỡ bỏ các rào cản trong thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch... sẽ là động lực tạo lập môi trường kinh doanh liêm chính...
Tại diễn đàn “Tuân thủ liêm chính: Nền tảng cho khởi nghiệp thành công”, ông Darko Pavlovic, Giám đốc Dự án Khu vực FairBiz Trung tâm Khu vực Bangkok, cho rằng tham nhũng làm biến dạng thị trường, kìm hãm sự phát triển kinh tế và không khuyến khích đầu tư nước ngoài.
SỐ ĐÔNG KHÔNG CÓ HOẶC CÓ RẤT ÍT KIẾN THỨC VỀ KINH DOANH LIÊM CHÍNH
Đưa ra những bất cập trong thực hiện liêm chính, ông Darko Pavlovic cho rằng, các công ty khởi nghiệp và doanh nhân trẻ ở Việt Nam có thể gặp rất nhiều thách thức với hệ thống luật và quy định rất phức tạp quản lý các hoạt động kinh doanh và thủ tục hành chính.
Nếu không có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới, một số doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp không chính thức, bao gồm cả hối lộ, để giải quyết vấn đề. Nhưng thế hệ doanh nhân mới Việt Nam không sẵn sàng đi theo con đường đó.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong hai năm qua, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có một số lượng lớn các doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2020, con số này là gần 135.000, trong khi có khoảng 117.000 doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2021. Ngược lại, năm 2020, có gần 102.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong khi năm 2021 con số này là khoảng 120.000 doanh nghiệp.
Còn theo “Khảo sát về liêm chính trong thanh niên Việt Nam (YIS 2019)”, hầu hết tất cả những người được hỏi đều cho rằng, tham nhũng và thiếu liêm chính có hại cho thế hệ của họ, cho nền kinh tế và sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 3/4 số người được hỏi cho biết không có hoặc có rất ít kiến thức về các quy tắc và quy định về liêm chính cũng như chống tham nhũng.
Đồng tình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và họ thường phải đối mặt với các rủi ro như gian lận, hối lộ trong các giao dịch kinh doanh.
Đại dịch Covid-19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức, gây tác động tiêu cực, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công. Đặc biệt, tham nhũng tạo ra những rủi ro lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, thừa nhận phòng, chống tham nhũng là công cuộc khó khăn, phức tạp. Liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp, đa số các vụ tham nhũng lớn, được dư luận quan tâm trong thời gian qua liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tham nhũng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế.
Doanh nghiệp vừa là nạn nhân của tham nhũng, nhưng cũng không ít doanh nghiệp tiếp tay cho tham nhũng. Trong phòng chống tham nhũng, khi liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn là cả bên đưa hối lộ và bên nhận hối lộ thường đều muốn che giấu, nên dù có dấu hiệu cũng vẫn khó phát hiện, xử lý.
TĂNG CƯỜNG THỰC THI PHÁP LUẬT
Nhấn mạnh kinh doanh liêm chính tạo sự bền vững cho doanh nghiệp, ông Vinh cho biết, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Để phòng chống tham nhũng, đòi hỏi phải tăng cường liêm chính trong kinh doanh và xác định trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng động doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng. Theo ông Khanh, phòng chống tham nhũng vừa là trách nhiệm, vừa là đòi hỏi tất yếu của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Trong các doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi cá nhân hoặc làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của thị trường.
Vì vậy, Luật Phòng chống tham nhũng mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện là nhóm chủ thể bắt buộc phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong chính doanh nghiệp, tổ chức mình.
“Để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thật sự thì cần phải có sự tham gia chủ động tích cực từ tất cả các chủ thể, trong đó có doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề”, ông Khanh nhấn mạnh.
Việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước nói chung.
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhấn mạnh, khung pháp lý trong phòng chống tham nhũng đã có, nhưng việc thực thi luật pháp cần được tăng cường hơn nữa.
LAN TỎA TINH THẦN LIÊM CHÍNH TRONG DOANH NGHIỆP
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện liêm chính trong kinh doanh, theo ông Thắng, các tổ chức trong và ngoài nước như UNDP, VCCI nằm trong khuôn khổ hỗ trợ, thúc đẩy kinh doanh liêm chính cần tiếp tục đồng hành với Chính phủ và các tổ chức tại Việt Nam để triển khai các hoạt động liêm chính.
Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết thực hiện các biện pháp đẩy lùi tham nhũng thông qua các chính sách, nhóm luật, văn bản để đảm bảo phòng chống tham nhũng. Đưa tinh thần kinh doanh liêm chính và minh bạch là một bộ công cụ tối ưu và kết nối nguồn lực. Điều này cũng cần trở thành thông điệp hành động tập thể, lan tỏa tinh thần liêm chính là hoạt động cốt lõi của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hơn nữa, cần thực hiện các bộ công cụ kinh doanh liêm chính để đánh giá mức độ liêm chính, nâng cao năng lực doanh nghiệp khởi nghiệp khi tiếp cận với các đối tác, các nhà đầu tư.
“Thực hiện liêm chính vẫn còn một chặng đường dài phía trước, do đó sự hỗ trợ từ Chính phủ là rất quan trọng trong việc tạo môi trường tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp phát triển. Đây cũng là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam”, ông Thắng đề xuất.
Kinh doanh liêm chính cần điều quan trọng là tinh thần nghiêm túc, trước tiên là tuân thủ tốt pháp luật, sau đó có thể áp dụng các bộ quy tắc ứng xử nội bộ để quản lý, tôn trọng khách hàng, giữ cam kết, giữ lời hứa, minh bạch, chính trực và thực hiện nhất quán các cam kết với các bên liên quan.
Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp cũng phải không máy móc, dập khuôn theo một mô hình nhất định, mà có thể linh hoạt áp dụng các bộ quy tắc về vấn đề này một cách phù hợp.
Bổ sung thêm, đại diện FairBiz cho rằng, các doanh nghiệp cần hiểu, tính liêm chính trong kinh doanh và tuân thủ luật pháp phải là cốt lõi của hệ thống giá trị của mọi công ty. Doanh nghiệp có thể phát triển bằng cách hoạt động liêm chính. Việc xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính ở Việt Nam cần nhiều hành động tập thể hơn nữa. Tính liêm chính trong kinh doanh phải được tích hợp vào quá trình ra quyết định và các chính sách, thủ tục hoạt động hiện có của công ty.
Qua hành trình khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacrab đúc rút bài học, liêm chính cần thể hiện ở việc: tuân thủ các nội quy, quy định pháp luật, đặc biệt chú trọng về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn tiêu chí trong sản xuất về an toàn lao động; xây dựng nội quy và quy định nội bộ doanh nghiệp, đặc biệt là xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp.