10:11 15/02/2008

Liên hiệp quốc bàn biện pháp đối phó biến đổi khí hậu

Quốc Trung

Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 12/2 đã họp, thảo luận về các biện pháp đối phó vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước phát triển đi đầu trong nỗ lực chống lại hiện tượng trái đất nóng lên để khuyến khích các nước nghèo hơn hành động.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước phát triển đi đầu trong nỗ lực chống lại hiện tượng trái đất nóng lên để khuyến khích các nước nghèo hơn hành động.
Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 12/2 đã họp, thảo luận về các biện pháp đối phó vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước phát triển đi đầu trong nỗ lực chống lại hiện tượng trái đất nóng lên để khuyến khích các nước nghèo hơn hành động.

Những ảnh hưởng tiêu cực của khí hậu biến đổi, đang đe dọa sự phát triển bền vững của mọi quốc gia trên thế giới. Do đó hợp tác quốc tế để đối phó hiện tượng này đang trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên thảo luận, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 62 Srgjan Kerim cho rằng, xây dựng mối quan hệ đối tác có hiệu quả và hình thành chiến lược toàn cầu rõ ràng cho Liên hiệp quốc là những nội dung vô cùng quan trọng để giải quyết một cách toàn diện vấn đề khí hậu toàn cầu thay đổi. Không có bất cứ quốc gia hay tổ chức đơn lẻ nào, kể cả Liên hiệp quốc, có thể đơn phương giải quyết vấn đề khí hậu thay đổi. Vì thế cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp hành động trong một cơ chế thống nhất để giải quyết một cách có hiệu quả vấn đề này.

Theo các chuyên gia, để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ổn định lượng CO2, cộng đồng quốc tế cần đưa ra một lộ trình rõ ràng cho giai đoạn sau năm 2012. Trước phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 12/2, các nhà hoạt động môi trường kêu gọi đạt được một thỏa thuận mang tính toàn cầu về việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2010, sớm hơn so với mục tiêu ban đầu là năm 2012, để góp phần giảm thiểu những tác động của trái đất ấm lên vốn đang đe doạ sự tồn tại của hành tinh.

Năm 2007 là năm mà lớp băng ở Bắc cực tan nhiều kỷ lục và có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong vòng 23 năm tới, tuy nhiên, năm 2007 cũng là năm bản lề trong cuộc đấu tranh với biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cảnh báo, lượng khí thải độc hại điôxít cácbon (CO2), nguồn gốc chủ yếu làm cho trái đất nóng dần lên, đã và đang gia tăng với tốc độ đáng báo động kể từ năm 2000, cho dù đã liên tục có những lời cảnh báo và nhiều quốc gia cũng đã áp dụng các biện pháp để giảm thiểu nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính này.

Trong thập kỷ 1990 của thế kỷ trước, lượng khí thải CO2 trên toàn cầu tăng với tốc độ trung bình 1,3% mỗi năm, thế nhưng từ năm 2000 tới nay đã vọt lên mức 3,3%/năm. Mỗi năm khoảng 88.000 tấn khí thải huỷ hoại tầng ozon vẫn được tạo ra, trong đó 85% là ở các nước công nghiệp. Nếu đà gia tăng mạnh của khí CO2 như hiện nay không được kịp thời ngăn chặn thì đến cuối thế kỷ 21 này nhiệt độ của trái đất sẽ tăng thêm từ 1,1 đến 6,40C.

Liên hiệp quốc kêu gọi các nước phát triển đi tiên phong

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho rằng, cộng đồng quốc tế đang có cơ hội hợp tác trong một cơ chế "toàn cầu, tập thể, toàn diện để tăng trưởng và phát triển", sau thoả thuận mang tính đột phá tại Hội nghị về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc ở Bali, Indonesia, tháng 12/2007 vừa qua.

16 nền kinh tế có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Đức, Anh, Italy, Nhật Bản, Canada, Australia, Indonesia, Brazil, Hàn Quốc, Nga, Mexico và Nam Phi vừa nỗ lực tìm kiếm giải pháp giảm lượng khí CO2 do các nước này chiếm tới hơn 90% lượng khí thải toàn cầu. Các nước đề ra chương trình hành động dự kiến kéo dài 15 tháng, trong đó các nước thải nhiều khí CO2 tự đề ra các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải, đồng thời tìm kiếm các công nghệ mới nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm, cũng như hỗ trợ các nước đang phát triển trong vấn đề này.

EU cho biết, để đạt mục tiêu của EU là giảm lượng khí thải CO2 ít nhất là 20% vào năm 2020 so với mức của năm 1990, phần lớn các ngành nằm trong Hệ thống buôn bán khí thải (ETS) sẽ phải trả tiền mua 20% hạn ngạch khí thải từ năm 2013, ít hơn so với dự thảo đề xuất ban đầu, sau đó mức này tăng dần lên tới 100% vào năm 2020. Ba ngành tiêu hao nhiều năng lượng là sản xuất thép, nhôm và xi măng sẽ được phép thực hiện chậm hơn theo hệ thống mới về buôn bán hạn ngạch khí thải CO2 từ năm 2013.

Ước tính cần phải có một khoản vốn đầu tư tới 33,8 tỷ USD mới có thể đáp ứng mức cắt giảm khí thải CO2 đặt ra trong Nghị định thư Kyoto và trong kế hoạch cắt giảm CO2 của châu Âu.