16:19 19/05/2014

Liệu Nhật có can dự vào biển Đông?

Diệp Vũ

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang xem xét khả năng thay đổi diễn giải hiến pháp

Tờ Asahi Shimbun cho rằng, chính sự quan ngại về thái độ hung hăng ngày 
càng gia tăng của Trung Quốc đã thúc ông Abe đẩy mạnh việc điều chỉnh 
diễn giải hiến pháp nhằm cho phép Nhật thực hiện quyền phòng thủ tập 
thể.
Tờ Asahi Shimbun cho rằng, chính sự quan ngại về thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã thúc ông Abe đẩy mạnh việc điều chỉnh diễn giải hiến pháp nhằm cho phép Nhật thực hiện quyền phòng thủ tập thể.
Theo tờ báo hàng đầu Nhật Bản Asahi Shimbun, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang xem xét khả năng thay đổi diễn giải hiến pháp để cho phép nước này thực hiện quyền phòng thủ tập thể. Trong trường hợp đó, Nhật hoàn toàn có khả năng can dự vào vấn đề biển Đông.

Tờ báo trên cho biết, trong tuần trước, một ban cố vấn an ninh đã báo cáo lên Thủ tướng Abe với nội dung là đề xuất diễn giải lại hiến pháp theo hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng thủ tập thể. Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, hiến pháp hòa bình của Nhật có điều 9 quy định không cho nước này tham gia các hoạt động phòng thủ tập thể nhằm ngăn ngừa khả năng Nhật Bản tham chiến lần nữa.

Tuy nhiên, theo tờ Asahi Shimbun, nhiều quan chức cấp cao của Nhật đã đến đề cập khả năng mở rộng phòng thủ tập thể không chỉ đối với đồng minh là Mỹ, mà còn cả những quốc gia ở Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Bài viết đăng trên tờ báo này cho rằng, với căng thẳng trên biển Đông gia tăng như hiện nay sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Nhật Bản hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam nếu như  Tokyo được thực thi quyền phòng thủ tập thể với các nước Đông Nam Á. Việc Nhật tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông có thể sẽ giúp kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.

Theo Asahi Shimbun, Chính phủ của Thủ tướng Abe cho rằng, Nhật Bản có quyền tham gia phòng thủ tập thể để ứng phó các tình huống khẩn cấp ở những tuyến đường biển quan trọng, bao gồm biển Đông.

Trong một bài phát biểu ngày 15/5 tại tư dinh ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Abe nói, ở biển Đông đang xảy ra “vụ đối đầu nghiêm trọng do hành động đơn phương có vũ lực hậu thuẫn”. Giới truyền thông nhìn nhận, ông Abe muốn ám chỉ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương 981.

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề phòng thủ tập thể, ông Abe đưa ra một kịch bản, trong đó lực lượng từ một quốc gia hung hăng không được nêu tên tấn công một tàu Mỹ đang chở trẻ em Nhật. Theo diễn giải của hiến pháp Nhật hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) không thể tham gia ứng cứu. Thủ tướng Nhật đặt câu hỏi: “Chúng tôi, Chính phủ Nhật, không thể làm gì để giúp họ. Bạn nghĩ điều đó có thật sự tốt không? Đây là một thực tế. Tôi nghĩ bọn trẻ trên chuyến tàu đó có thể là con cháu của các vị”.

Tờ Asahi Shimbun cho rằng, chính sự quan ngại về thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã thúc ông Abe đẩy mạnh việc điều chỉnh diễn giải hiến pháp nhằm cho phép Nhật thực hiện quyền phòng thủ tập thể.

Vấn đề này đã được báo chí Nhật liên tục đề cập trong mấy ngày gần đây. Theo báo Japan Times, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki hôm thứ Sáu tuyên bố rằng, trong trường hợp cần thiết Bộ Ngoại giao Nhật sẽ có giải thích kỹ lưỡng với quốc gia láng giềng Hàn Quốc về nỗ lực của Tokyo nhằm thực hiện quyền phòng thủ tập thể.