19:35 10/07/2025

LNG ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chuyển dịch năng lượng

Vân Nguyễn

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng và áp lực giảm phát thải gia tăng, LNG đang được xem là giải pháp quan trọng. Tại Việt Nam, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang được đẩy mạnh nhằm phát triển thị trường và đảm bảo nguồn cung…

Kho cảng LNG Thị Vải của PV Gas.
Kho cảng LNG Thị Vải của PV Gas.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn về năng lượng, nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng trong khi yêu cầu cấp bách về giảm phát thải khí CO2 không thể trì hoãn, các quốc gia đều nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng có thể đáp ứng đồng thời hai tiêu chí “ổn định” và “bền vững”.

Trong số nhiều lựa chọn, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã vươn lên trở thành một lời giải then chốt, không chỉ là cầu nối cho quá trình chuyển đổi năng lượng mà còn là “nhiên liệu của tương lai” giúp thế giới tiến về phía trước.

DẦN TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG TRỤ CỘT TRONG CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG

Ông Ezran Mahadzir, Tổng Giám đốc Petronas LNG, cho biết khu vực Đông Nam Á là một minh chứng rõ nét cho thách thức tìm kiếm nguồn năng lượng bền vững. Quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và gia tăng dân số đã đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao không ngừng. Tuy nhiên, các nguồn khí tự nhiên trong nước vốn từng là trụ cột đang dần suy giảm, tạo ra khoảng trống về năng lượng cần được giải quyết khẩn cấp.

“Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió tuy là lựa chọn sạch, nhưng vẫn tồn tại hạn chế lớn về tính ổn định, không thể đảm bảo rằng trời luôn có nắng hay gió sẽ thổi suốt 24 giờ mỗi ngày. Vì vậy, LNG đang ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định,” ông Ezran Mahadzir nhận định.

Một góc nhà máy MLNG Petronas tại Bintulu (Malaysia) - Ảnh minh họa.
Một góc nhà máy MLNG Petronas tại Bintulu (Malaysia) - Ảnh minh họa.

Theo ông Ezran Mahadzir, đối với nhiều quốc gia, LNG không chỉ là cây cầu kết nối, mà là nhiên liệu của tương lai, đồng hành cùng phát triển công nghiệp và bền vững môi trường.

Quan điểm này dựa trên thực tế rằng LNG có thể đảm nhận vai trò nguồn năng lượng nền (baseload) ổn định và đáng tin cậy, giúp cân bằng và lấp đầy khoảng trống do đặc tính không ổn định của năng lượng tái tạo. Khi hệ thống điện ổn định, các quốc gia mới có thể phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống một cách bền vững.

Theo báo cáo của SSI Research, tiêu thụ khí tự nhiên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024, lên tới 115 tỷ m3, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) là động lực tăng trưởng chính. Nhu cầu tiếp tục tăng trong mùa tiêu thụ cao điểm 2024 – 2025 (tháng 10 đến tháng 3), chủ yếu nhờ nhu cầu sưởi ấm từ châu Âu và Bắc Mỹ.

ĐẨY MẠNH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LNG

Ở những quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Campuchia và Philippines, Tập đoàn Petronas cho rằng các tín hiệu tích cực từ chính sách và sự phát triển về hạ tầng, cho thấy LNG sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy mục tiêu giảm phát thải.

 
Ông Ezran Mahadzir, Tổng Giám đốc Petronas LNG.
Ông Ezran Mahadzir, Tổng Giám đốc Petronas LNG.

"Cán cân năng lượng của Việt Nam đang cho thấy một xu hướng rõ rệt. Nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung nội địa lại có dấu hiệu suy giảm. Sự chênh lệch này tất yếu dẫn đến nhu cầu nhập khẩu LNG. Thực tế hiện nay với kho cảng LNG đã đi vào hoạt động tại Việt Nam càng khẳng định cho nhận định này".

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), Việt Nam đã xác định 13 dự án điện khí LNG là các dự án quan trọng, được ưu tiên đầu tư.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất từ các nhà máy điện LNG sẽ đạt 22.400 MW, chiếm 14,9% tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện quốc gia. Về sản lượng điện, quy hoạch không tách riêng cho nguồn LNG mà đặt mục tiêu chung cho cả điện khí trong nước và LNG đạt 130,1 tỷ kWh, chiếm 25,7% tổng sản lượng điện sản xuất.

Theo SSI Research, việc gia tăng nhập khẩu LNG mang lại lợi thế cho PV Gas, đặc biệt khi doanh nghiệp này đang giữ vai trò tiên phong với việc vận hành kho cảng LNG Thị Vải – cơ sở nhập khẩu LNG đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2023.

Trong bối cảnh sản lượng khí tự nhiên nội địa tiếp tục suy giảm, mảng LNG ngày càng đóng vai trò chiến lược, nhất là khi các dự án điện khí LNG như Nhơn Trạch 3 và 4 được triển khai, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh.

Dù có thể xuất hiện thêm các nhà cung cấp mới, PV Gas được đánh giá sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong trung hạn. Tuy nhiên, nguồn LNG hiện tại vẫn khó bù đắp hoàn toàn sự thiếu hụt nguồn cung cho đến khi Lô B đi vào khai thác dự kiến vào cuối năm 2027.

Trong bối cảnh đó, PV Gas cũng đã chủ động thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, phát triển thị trường LNG nội địa.

Đến tháng 4 năm nay, Petronas cũng đã hoàn thành giao lô hàng LNG đầu tiên cho PV Gas Việt Nam tại kho Thị Vải. Việc giao hàng lần này đánh dấu sự khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa Petronas LNG Ltd. (PLL) và PV Gas, công ty thành viên của PVN. Hợp tác cũng thúc đẩy mối quan hệ sâu rộng trong tương lai nhằm hỗ trợ nhu cầu an ninh năng lượng của Việt Nam và triển khai chiến lược chuyển dịch năng lượng quốc gia hướng đến một tương lai bền vững hơn.

Vào tháng 3/2025, Công ty Cổ phần CNG Vietnam (PV Gas CNG) và Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam (FEPV) đã chính thức ký kết hợp đồng mua bán khí thiên nhiên (CNG/LNG) đánh dấu bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai doanh nghiệp.

Trước đó, PV Gas cũng đã ký Hợp đồng nhập chuyến tàu LNG đầu tiên của năm 2024 với nhà sản xuất QatarEnergy LNG với khoảng gần 70.000 tấn LNG dự kiến sẽ được giao cho PV Gas tại Kho cảng LNG Thị Vải.

 

Ngày 24/6/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi tiếp và làm việc với ông Paul Thoppil, đại diện thương mại của Canada tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong lĩnh vực năng lượng, ông Paul Thoppil cũng đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Canada có thế mạnh như năng lượng tái tạo và LNG. Ông khẳng định Canada mong muốn Việt Nam trở thành một đối tác LNG quan trọng của Canada tại châu Á.