08:34 23/05/2025

Phát triển LNG, cơ hội đảm bảo an ninh năng lượng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Ngân Hà

Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa. Việc sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nổi lên như một giải pháp quan trọng, không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần vào hành trình chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch hơn mà còn giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi giá trị LNG toàn cầu…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với tiêu thụ năng lượng. Dự kiến mỗi mỗi 1% tăng trưởng GDP sẽ kéo theo mức tăng tiêu thụ điện khoảng 1,4%. Vì vậy, phát triển điện lực phải đi trước một bước, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn tới.

CƠ HỘI THAM GIA CHUỖI GIÁ TRỊ LNG

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh), dự báo cho thấy, nhu cầu điện thương phẩm của Việt Nam có thể tăng vọt lên 1.237,7 đến 1.375,1 tỷ kWh vào năm 2050. Trong đó, các ngành công nghiệp và xây dựng dự kiến chiếm khoảng 50-60% tổng nhu cầu điện năng.

Vì vậy, trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam, bên cạnh nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, điện gió… nhằm đảm bảo năng lượng cho phát triển cũng như thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, LNG được xác định là một trong những nguồn năng lượng đóng vai trò then chốt. Theo đó, Quy hoạch Điện VIII (điều chỉnh) đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ các nhà máy điện sử dụng LNG.  Đến năm 2030, Việt Nam lên kế hoạch phát triển hệ thống cảng, hạ tầng bến điện và các nhà máy điện khí LNG với tổng công suất nguồn điện LNG tối đa 22.400 MW.

Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức trên thế giới, LNG giúp giảm từ 30–40% lượng khí thải CO₂ so với than đá, đóng vai trò là “cầu nối” trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước phát triển đang dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhu cầu với LNG – nguồn năng lượng được xem là sạch hơn – sẽ ngày càng gia tăng.

“Ngày càng có nhiều quốc gia ứng dụng LNG vào các lĩnh vực của đời sống, như kế hoạch chuyển đổi sang xe “lai” giữa điện và LNG từ năm 2035 của Nhật Bản, xu hướng nghiên cứu máy phát điện LNG quy mô nhỏ và sử dụng LNG cho thiết bị bay không người lái (drone)… để nâng cao hiệu suất”, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC – Bộ Tài chính) cho biết tại Hội thảo về đổi mới sáng tạo trong ngành khí LNG được tổ chức mới đây.

Dự báo nguồn cung và lượng điện tiêu thụ tại Việt Nam giai đoạn 2018-2050.
Dự báo nguồn cung và lượng điện tiêu thụ tại Việt Nam giai đoạn 2018-2050.

Vì vậy, theo ông Thịnh, điều này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam không chỉ tiêu thụ LNG mà còn có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực LNG, từ dịch vụ kỹ thuật, logistics đến phát triển công nghệ.

NHỮNG NÚT THẮT CẦN GIẢI QUYẾT

Ông Song Soohwan, Giám đốc thương mại LNG, Tập đoàn SK Innovation E&S cũng đánh giá cao cơ hội Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị LNG, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng liên quan tới hệ thống vận hành và tàu ven biển.

“LNG gắn với xu thế toàn cầu hướng tới các nguồn năng lượng xanh, ổn định và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao. Vì vậy, cùng với xu thế chuyển đổi năng lượng, Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi giá trị LNG nhờ sự ổn định trong tăng trưởng kinh tế và vai trò ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá cao về năng lực sản xuất trong ngành khí và việc làm chủ công nghệ LNG sẽ là bước đệm quan trọng để Việt Nam làm chủ công nghệ hydrogen trong tương lai”, ông Song Soohwan nhận định.

Mặc dù vậy, theo Phó Giám đốc NIC, việc phát triển ngành năng lượng LNG cũng như chuỗi giá trị LNG tại Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Chẳng hạn, việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang nhà máy nhiệt điện khí nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất thách thức và tốn kém. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan tới LNG do các trường đại học chủ yếu đào tạo ngành này như là một ngành hóa chất thay vì là một ngành năng lượng ứng dụng cần thiết trong tương lai.

“Do vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, cần sự phối hợp đồng bộ giữa trường học, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu”, ông Thịnh đề xuất.

Từ góc độ doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và LNG, đại diện SK đề xuất Việt Nam nên cân nhắc mô hình các trạm khí LNG quy mô vừa phải, đặt tại các khu công nghiệp. Theo SK, với đường bờ biển dài của Việt Nam và hạ tầng vận tải hiện tại, các trạm khí phân tán trong khu công nghiệp sẽ phù hợp hơn, giúp tối ưu chi phí đầu tư và linh hoạt trong cung ứng, tương tự kinh nghiệm tại Đài Loan.

Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương như Thanh Hóa và Nghệ An đang xem xét phương án sử dụng kho nổi LNG (FSRU). “Phương án kho nổi, dù chi phí cao và có những quan ngại về khả năng chống chịu bão ở miền Trung, nhưng lại có ưu điểm về thời gian thi công nhanh và đang được các nhà tư vấn, tập đoàn đề xuất như một giải pháp cho các điểm nghẽn quy hoạch”, ông Thịnh giải thích. Vì vậy, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu để lựa chọn phương án phù hợp.