Lo tiền mặt phục vụ Tết
Sau chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai chỉ đạo trên trong toàn hệ thống
Các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, chế xuất được các ngân hàng chú trọng nâng cấp hệ thống rút tiền; chuẩn bị nhiều phương án chi trả, kể cả chi trả tại chỗ.
Theo bà Đào Thị Phượng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, đơn vị này vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn chuẩn bị lượng tiền mặt xét trên các mặt giá trị, cơ cấu mệnh giá hợp lý và nhiều cách thức chi trả khác nhau để giảm tải cho hệ thống ATM trên địa bàn vào dịp Tết Nguyên đán 2018.
Giảm tải cho ATM
Bà Phượng nói: "Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Ninh đã có văn bản gửi tới tất cả tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động xây dựng phương án đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu tập trung dân cư, không để ách tắc, nghẽn máy khi rút tiền. Bên cạnh hệ thống ATM, các ngân hàng thương mại phải chủ động thêm hình thức chi trả trực tiếp ngay đầu nguồn ở các cơ quan, nhà máy cho người lao động".
Ngoài ra, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng theo dõi sát sao tồn quỹ, tiếp quỹ và dự trữ tiền mặt trong suốt thời gian nghỉ Tết.
Tính đến hết 2017, Bắc Giang có 16 ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ, 159 máy ATM, tăng 11 máy ATM so với 2016. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện các giải pháp đảm bảo thông suốt hoạt động cho các máy ATM, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, giảm đến mức thấp nhất các sự cố về ATM.
Trao đổi thêm với ông Nguyễn Trọng Chí, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Ninh, ông này cho biết, cách Tết 20 ngày, ngân hàng đã chủ động lên kế hoạch tiếp quỹ, tồn quỹ và đề xuất phương án tiếp ứng nếu cần đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh.
Đáng chú ý, cơ quan này cũng tích cực vận động người dân không dùng tiền mệnh giá nhỏ dưới 10 nghìn đồng đi lễ chùa, cúng bái và nhận được sự đồng thuận cao.
Tại Đền Bà Chúa Kho, ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Ban quản lý di tích này cho biết, ban này đã quán triệt không được phép đổi tiền lẻ trong khuôn viên đền.
Đáp ứng đủ nhu cầu và thanh toán thông suốt
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để chuẩn bị kế hoạch đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt và hệ thống thanh toán thông suốt, Ngân hàng Nhà nước có các công văn: 10303/NHNN-TT ngày 20/12/2017; 10441/NHNN-TT ngày 25/12/2017 đề ra một loạt yêu cầu với các nhóm đơn vị liên quan trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Thứ nhất, đối với nhóm tổ chức cung ứng hạ tầng chuyển mạch: thực hiện kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật (máy móc, thiết bị, đường truyền,..) và theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động chuyển mạch thẻ an toàn, thông suốt và ổn định trong dịp cuối năm và Tết.
Phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên theo dõi, phát hiện, xử lý các sai sót, sự cố phát sinh, hạn chế thấp nhất lỗi kỹ thuật, nghẽn mạng; phản hồi tra soát; khiếu nại đối với các giao dịch ATM liên mạng một cách nhanh chóng, kịp thời.
Thứ hai, đối với các ngân hàng thương mại, giám sát hoạt động của hệ thống ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn) để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, các trường hợp ATM hết tiền, ngừng hoạt động, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động ổn định, liên tục và thông suốt.
Chủ động xây dựng kế hoạch tiếp quỹ, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và tiền mặt để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời cho ATM, không để ATM ngừng hoạt động. Tăng cường hoạt động ATM lưu động phục vụ tại các địa bàn xảy ra hiện tượng ATM quá tải (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ đã có trang bị ATM lưu động).
Đàm phán với các doanh nghiệp điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý để giảm tải cho các ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.