14:12 14/09/2013

“Loạn” phí dịch vụ chung cư: Bao giờ kết thúc?

Nguyên Thảo

Mặt trái của trào lưu sắm nhà chung cư chính là làn sóng mâu thuẫn phát sinh trong quá trình quản lý vận hành các nhà chung cư

Đầu năm 2013, chủ đầu tư chung cư cao cấp trên đường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đã chặn xe vào bãi đỗ do cư dân tòa nhà không chấp nhận mức phí đỗ xe ôtô lên đến 2,5 triệu đồng/tháng.<br>
Đầu năm 2013, chủ đầu tư chung cư cao cấp trên đường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đã chặn xe vào bãi đỗ do cư dân tòa nhà không chấp nhận mức phí đỗ xe ôtô lên đến 2,5 triệu đồng/tháng.<br>
Xu hướng nhà ở chung cư đã “bùng phát” mạnh mẽ tại nhiều khu đô thị mới, hàng nghìn nhà cao tầng mọc lên như “nấm sau mưa” ở các thành phố lớn đang dần đáp ứng nhu cầu về nhà ở, đồng thời cải thiện đáng kể đời sống người dân.

Thế nhưng, mặt trái của trào lưu sắm nhà chung cư chính là làn sóng mâu thuẫn phát sinh trong quá trình quản lý vận hành các nhà chung cư đa sở hữu khiến nhiều cư dân thì vô cùng ngán ngẩm, còn người muốn mua nhà lại thêm phần ngần ngại.

Khi “thượng đế” không còn được chăm lo

Nếu trong thời điểm dự án chung cư chưa được xây dựng xong, các khách hàng đã phải đấu tranh đòi bồi thường tiến độ thì khi có nhà về ở, họ lại tiếp tục mòn mỏi đấu tranh để đòi quyền lợi cho mình.

Anh V. Thành, một hộ dân tại một chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, Tp.HCM, chia sẻ: “Gia đình tôi đã sở hữu căn hộ này với giá gốc khoảng 15 triệu đồng/m2, tuy nhiên chỉ sau một năm đến ở, căn hộ xuống cấp ngày càng nặng: thấm mốc tường, cửa bị thấm nước khiến ván ép nở ra, không đóng mở được, gạch ở sàn nhà cũng nứt. Nhưng nhiều lần đề nghị kiểm tra, khắc phục, mà vẫn chưa được sửa chữa, khiến sự cố ngày càng trầm trọng hơn.”

Không hiếm trường hợp chủ đầu tư bàn giao nhà chậm tiến độ đến 5-6 năm, có khi người dân phải chi trả cho căn hộ giá trị chục tỷ đồng, nhưng hạ tầng thì lại chưa hoàn thiện, phí dịch vụ thu vượt gấp nhiều lần so với quy định của nhà nước.

Cụ thể, có không ít chủ đầu tư khiến người dân “lao đao” với tiến độ thi công chậm hoặc bỏ hẳn không xây, bán nhà tính giá bằng USD, góp vốn một giá, khi lên hợp đồng một giá, chất lượng cẩu thả, thu phí giá trên trời ... hiếm có cư dân nào sở hữu nhà chung cư lại không gặp phải những tai nạn kiểu này.

May mắn hơn, có một số hộ đã được nhận nhà, chưa kịp thở phào thì đã phải chịu cảnh vừa ở, vừa hoàn thiện. Tình trạng vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang trong hành lang các tầng của toà nhà, chưa có chỗ để xe… đặc biệt là những khoản phí thang máy, chi phí sử dụng hồ bơi, khuôn viên xanh, tiền điện, nước… quá cao và phi lý khiến các “thượng đế” vô cùng bức xúc.

“Thậm chí để mua được một chỗ để xe ôtô dài hạn, chúng tôi phải chi trả đến cả tỷ đồng, nếu không chấp nhận thì phải mua vé gửi hàng tháng với giá từ 1 - 3 triệu đồng rồi luôn phải nơm nớp trong cảnh lo bãi gửi xe của tòa nhà mình hết chỗ”, chị Hoa, một hộ dân sống tại chung cư cao cấp trên đường Thụy Khuê, Hà Nội, cho biết.

Tự bảo vệ mình


Một thực trạng phổ biến và dễ dàng nhận thấy nhất là các chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà thường tự ý đưa ra các mức giá dịch vụ dẫn đến tình trạng “loạn phí chung cư”. Phí dịch vụ hay còn gọi là phí quản lý mỗi nơi thu một kiểu, nơi tính theo mét vuông quy về diện tích căn hộ, nơi thu theo căn hộ, và mức phí rất tùy tiện.

Về bản chất, phí dịch vụ của bất động sản khác hoàn toàn so với tính chất của các loại hàng hóa khác bởi nó mang tính chất bắt buộc, người dân không thể mua dịch vụ ở nơi khác khi đã hoàn thành việc mua nhà và đến ở tại đó.

Việc áp mức giá trần theo phân hạng nhà chung cư chưa được triển khai trên thực tế đã bộc lộ bất cập. Khi mua chung cư “cao cấp”, người mua đã phải bỏ số tiền lớn để có được chất lượng nhà tương xứng. Phí dịch vụ cao hay thấp chủ yếu dựa trên bản chất của dịch vụ, tính hiệu quả của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Không chỉ “loạn” thu phí dịch vụ, các cư dân sở hữu nhà chung cư còn gặp trường hợp bỏ tiền tỷ mua căn hộ nhưng lại mất quyền sử dụng diện tích chung khác mà đáng ra được hưởng như sân chơi, vườn hoa cây xanh, nơi để xe...

Các hộ dân ở đây cho rằng, khi họ bỏ tiền ra mua căn hộ để ở thì phải được sở hữu cả các tiện ích chung, bao gồm cả khu vực tầng hầm trông giữ xe, trong khi đại diện chủ đầu tư luôn có lí lẽ để thanh minh: “Hợp đồng chỉ quy định có chỗ để xe cho cư dân, không quy định cụ thể về khu vực sở hữu chung. Hơn nữa, khu vực tầng hầm là sở hữu của chủ đầu tư bởi chúng tôi bỏ hàng tỉ đồng để xây dựng và hoàn toàn không tính vào giá bán căn hộ”.

Thậm chí, nhiều khu chung cư không chỉ xảy ra việc tranh chấp quyền sử dụng diện tích tầng hầm, tầng trệt mà còn tranh chấp cả diện tích sân thượng, tầng thượng.

Thông tư 01 do Bộ Xây dựng ban hành quy định, trong hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư, phải nêu đầy đủ phần diện tích thuộc sở hữu riêng của người mua, sở hữu riêng của chủ đầu tư và phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư. Theo đó, diện tích sở hữu chung được quy định là hành lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, nơi để xe và các phần khác.

Theo một số chuyên gia xây dựng, lẽ ra ngay từ khi xét duyệt dự án xây dựng khu chung cư, các cơ quan chức năng đã phải đề nghị chủ đầu tư đưa ra mức phí dịch vụ cũng như các công trình công cộng mà người dân được hưởng.

Bài toán “loạn phí dịch vụ” không còn là chuyện mới mẻ nhưng đến thời điểm này vẫn đang được bỏ ngỏ? Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng tìm được giải pháp “hợp tình, hợp lý” nhất, cư dân sở hữu nhà chung cư cần trang bị đủ kiến thức để tự bảo vệ mình.