Loạn... trái cây nhập khẩu
Vào mùa nóng, trái cây là mặt hàng được tiêu thụ mạnh. Nhiều người ăn trái cây để giải nhiệt, ép nước để uống, hay ăn salad trái cây để giảm cân...
Nho Mỹ, nho Úc, táo Envy…là những loại trái cây nhập khẩu hạng sang được người tiêu dùng ưa chuộng và thường được bán trong những siêu thị, trung tâm thương mại hay các cửa hàng trái cây lớn. Do được nhập khẩu từ nước ngoài nên các sản phẩm này thường kén khách do giá cả khá cao, được dán nhãn mác cẩn thận, chính vì thế, nhiều người tiêu dùng lựa chọn các loại trái cây kể trên như món quà lý tưởng để biếu tặng vào những dịp đặc biệt.Tại các siêu thị như Co.op mart, Lotte mart, Big C, Vinmart, số lượng quầy bán trái cây nhập khá nhiều và chiếm phần lớn diện tích tại khu vực rau, củ, quả... rất đông khách. Dạo một vòng các siêu thị này, có thể thấy, hoa quả nhập khẩu được bày bán tràn ngập như: táo, lê, cherry, nho, xoài, dưa... Điều đáng nói, trái cây nhập ngoại cũng có giá cả rất đa dạng, có loại chưa tới 100.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại các sạp trái cây lề đường cũng bày bán rất nhiều trái cây ngoại nhập. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua nho Mỹ ngay trên vỉa hè hoặc các xe đẩy với mức giá mềm hơn rất nhiều so với cùng chủng loại được bày bán trong các cửa hàng trái cây nhập khẩu hay trong các siêu thị. Hầu hết trái cây được quảng cáo là nhập khẩu đều có tem nhãn, có mã vạch đàng hoàng từ táo, lựu, cam… giá từ 65.000 đồng đến 95.000 đồng/kg (tùy loại).
Ví dụ, tại siêu thị Lotte mart (Gò Vấp, TP HCM), táo Canada có giá 89.000 đồng/kg, táo Gala Mỹ có giá 84.000 đồng/kg, táo Enny loại nhỏ giá 169.000 đồng/kg giảm còn 125.000 đồng/kg, loại 3 trái là 225.000 đồng/hộp, táo Nhật 230.000 đồng/hộp 3 trái. Các loại nho như nho đỏ không hạt Úc có giá 149.000 đồng/kg, nho xanh không hạt Úc có giá cao hơn 1,5 lần là 229.000 đồng/kg vẫn được khách hàng ưa chuộng.Qua đó có thể thấy người tiêu dùng Việt vẫn rất ưa chuộng trái cây nhập khẩu, một phần vì tâm lý lo ngại thực tế trái cây trong nước bị lạm dụng hóa chất trong canh tác và xử lý sau thu hoạch, một phần vì tâm lý sính ngoại, bị hấp dẫn bởi hình thức và hương vị lạ miệng của những loại trái cây này. Nhiều người tin rằng những loại trái cây nhập khẩu đã dính mác Âu, Mỹ, Nhật, Hàn… thì chắn chắn an toàn.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại các sạp trái cây lề đường cũng bày bán rất nhiều trái cây ngoại nhập. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua nho Mỹ ngay trên vỉa hè hoặc các xe đẩy với mức giá mềm hơn rất nhiều so với cùng chủng loại được bày bán trong các cửa hàng trái cây nhập khẩu hay trong các siêu thị. Hầu hết trái cây được quảng cáo là nhập khẩu đều có tem nhãn, có mã vạch đàng hoàng từ táo, lựu, cam… giá từ 65.000 đồng đến 95.000 đồng/kg (tùy loại).
Ở các trang bán nông sản online, hình ảnh trái cây nhập ngoại đẹp mắt cũng được giới thiệu tràn lan. Chủ trang bán hàng còn trưng cả tem nhãn có hình trái táo kèm theo dòng chữ HACCP, GlobalGAP… Theo ghi nhận nhiều loại trái cây ngoại nhập giá cao từ khoảng 490.00 đồng/kg vẫn rất được người tiêu dùng Việt ưa chuộng như : táo Đài Loan vị sữa có giá 490.000 đồng/kg, Dâu Anh đào giá 950.000 đồng/ vỉ, Chà là tươi nguyên cành Peru có giá từ 690.000 đồng/kg hay cherry Hàn Quốc giá 800.000 đồng/kg…cũng được đặt mua rất nhiều.Để chứng minh hoa quả không có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhiều người bán hàng qua mạng thường ghi lại hình ảnh trái cây được mở từ thùng có những dòng chữ USA, Newzealand, … hoặc tường thuật việc nhận hàng trực tiếp từ sân bay để củng cố lòng tin của người tiêu dùng. Về chất lượng, trái cây nhập khẩu luôn được cam kết "bằng miệng" rằng 100% tự nhiên, sạch và an toàn cho sức khỏe.
Dù người tiêu dùng mua trái cây trong siêu thị hay ven lề đường cũng có thể thấy, tem mác hoa quả được dán tràn lan. Thế nhưng đâu là giả, đâu là thật thì khó có thể kiểm chứng được. Theo tìm hiểu của người viết, hiện chưa có quy định nào cụ thể về các loại tem mác được dán trên hoa quả.Có thể nói, do sự phát triển ồ ạt của thị trường và nhu cầu cao của người tiêu dùng, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng uy tín của những loại trái cây nhập khẩu, trà trộn những loại cùng tên, giống về hình dáng để bán. Từ đó kéo theo tình trạng xuất hiện của những loại trái cây không rõ nguồn gốc tồn dư chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng là không tránh khỏi.Trên thực tế nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đã nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc. Sau đó, mua hoặc đặt các công ty in ấn tem mác theo yêu cầu để dán lên các loại hoa quả trước khi bày bán. Vậy nếu người tiêu dùng chỉ dựa vào tem mác và mã vạch được in ấn trên đó để kiểm định chất lượng của sản phẩm thì chưa đủ.
Hiện nay, việc kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm cũng như giá cả của các loại hoa quả nói chung và thực phẩm nhập khẩu nói riêng đang là vấn đề khó khăn đối với các ngành chức năng. Thế nên, người tiêu dùng phải cẩn trọng, tỉnh táo khi chọn mua những sản phẩm hoa quả để đảm bảo chất lượng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.Ngoài ra, người tiêu dùng cần lưu ý trái cây không có mã PLU là trái cây không nên dùng vì không rõ nguồn gốc. Đây được gọi là mã PLU code, viết tắt của Price Look Up, là đặc trưng của trái cây nhập khẩu. Mỗi loại trái cây có mã PLU khác nhau, chứa đựng những thông điệp khác nhau về cách thức hình thành của sản phẩm. Từ đó giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa sản phẩm an toàn và phù hợp.