08:14 09/11/2010

Lợi ích cục bộ đang cản trở cải cách thủ tục hành chính

Nguyên Hà

Trong quản lý Nhà nước còn đặt ra những thủ tục không cần thiết hoặc là nghĩ thay, làm thay trách nhiệm của dân

Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được đơn giản hóa.
Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế được đơn giản hóa.
Cải cách thủ tục hành chính còn gặp trở ngại không nhỏ bởi những thói quen quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu (xin – cho) và cũng đụng chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cơ quan và của cán bộ, công chức.

Nhận định này được đưa ra tại kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung được Quốc hội thực hiện giám sát tối cao trong cả ngày hôm nay (9/11).

Phạm vi của cuộc giám sát được tiến hành trong cả nước từ 17/9/2001 đến ngày 31/12/2009, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế, hải quan.

Đơn giản nhiều thủ tục về đất đai và nhà ở

Theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội, việc rà soát thủ tục hành chính trong các lĩnh vực nói trên được tiến hành trong bối cảnh chung của Đề án 30. Các phương án đưa ra về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp và bộ quản lý ngành.

Chính phủ dự kiến, trong số 66 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung 43 thủ tục, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 65%.

Những cải cách nổi bật trong lĩnh vực đất đai thể hiện ở nội dung cải cách thủ tục hành chính trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất bằng cách lồng ghép các thủ tục đầu tư, xây dựng với các thủ tục về đất đai; thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận về quyền sử dụng, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tạo điều kiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản chỉ phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động một lần tại một cơ quan…

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong 16 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bãi bỏ 3 thủ tục và sửa đổi, bổ sung 13 thủ tục, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 100%.

Các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực này tập trung vào sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng rõ ràng hơn về trình tự, cách thức thực hiện, về quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, của cá nhân, tổ chức và kết quả thực hiện các thủ tục hành chính.

Việc đơn giản 16 thủ tục thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở, theo dự kiến của Chính phủ sẽ tiết kiệm được 1.481 tỷ đồng/năm.

Trong lĩnh vực thuế, Chính phủ cho biết với phương án đơn giản hóa 271/330 thủ tục hành chính, dự kiến sẽ tiết kiệm cho cá nhân, tổ chức là 1.921 tỷ đồng/năm.

Còn phương án đơn giản hóa 138/168 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hải quan sẽ tiết kiệm được khoảng 705 tỷ đồng/năm, tương đương tỷ lệ cắt giảm chi phí là 17%.

Cản trở bởi “xin – cho”

Mặc dù ghi nhận nhiều điểm tích cực, song kết quả giám sát cho thấy, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua nhìn chung chưa đạt được yêu cầu đề ra theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Trong một số lĩnh vực vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, kết quả giám sát đã cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực tham nhũng còn khá phổ biến.

Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách thủ tục hành chính chưa cao, báo cáo giám sát nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân của những hạn chế được chỉ ra là  trong quản lý Nhà nước còn đặt ra những thủ tục không cần thiết hoặc là nghĩ thay, làm thay trách nhiệm của dân hoặc làm hạn chế quyền của người dân. Mà lẽ ra Nhà nước cần phải ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật và tạo ra cơ sở pháp lý để mọi cá nhân, tổ chức chấp hành, trên cơ sở đó hướng dẫn thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với từng công việc cụ thể.