Lời nguyền của dầu mỏ
Một số quốc gia có mỏ dầu thường phát triển chậm hơn, bất công hơn và chính phủ độc đoán hơn các nước không có dầu
Khi giá dầu mỏ tăng liên tục những tưởng các quốc gia được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên quý giá này sẽ nhanh chóng trở nên thịnh vượng. Sự thật không phải như vậy và châu Phi là một minh chứng.
Điểm nóng châu Phi
Những bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và Nam Mỹ đã khiến nguồn dầu mỏ châu Phi trở nên hấp dẫn. Châu Phi sản xuất 11,4% lượng dầu mỏ thế giới; dầu châu Phi rẻ, an toàn và dễ khai thác - đó là lý do khiến các nhà đầu tư từ Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Trung Quốc... đổ xô về các nước nhỏ ở Tây Phi, biến vùng này thành một điểm nóng.
Đây là tin tốt lành cho các nước nghèo nhất của châu lục nghèo nhất. Luis Alberto Praxeres, Giám đốc điều hành Cơ quan dầu mỏ quốc gia của Sao Tome nói: “Dầu mỏ sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề của chúng tôi”. Thực tế đã có nhiều quốc gia thịnh vượng nhờ dầu mỏ. Dầu biển Bắc là bệ phóng cho hệ thống phúc lợi xã hội của Anh và Na Uy; nhờ dầu mỏ mà các nước Oman và Brunei đi từ nghèo khó đến phồn vinh chỉ sau một thế hệ.
Nhưng dầu mỏ không phải là một ân huệ. Các nhà kinh tế thường nói tới “lời nguyền rủa của dầu mỏ” và chỉ ra rằng một số quốc gia có mỏ dầu thường phát triển chậm hơn, bất công hơn và chính phủ độc đoán hơn các nước không có dầu.
“Có mối liên kết mạnh mẽ giữa sự giàu có về tài nguyên với sự yếu kém của nền dân chủ, sự lan tràn của tham nhũng và nội chiến”, nhà kinh tế được giải Nobel Joseph Stiglitz nói.
Ba trường hợp bi thảm
Điều đó được chứng minh qua ba quốc gia ở ba giai đoạn của kinh tế dầu mỏ: Angola - nơi công nghiệp dầu mỏ bắt đầu bùng nổ, đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức 27% năm ngoái; Nigeria - nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 12 thế giới; và Gabon - nơi các mỏ dầu bắt đầu cạn.
Angola
Hai mươi bảy năm nội chiến kết thúc năm 2002 để lại cho người dân Angola một đất nước bị tàn phá nặng nề; thủ đô Luanda là khu ổ chuột lớn nhất châu Phi. Ngày nay Angola là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của châu lục, sản lượng tăng 25% mỗi năm. Dầu mỏ chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của Angola, doanh thu năm 2005 là 10 tỉ đô la Mỹ và sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2011, khi các mỏ dầu hoạt động hết công suất.
Nhờ nguồn dầu này, Angola được các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài ve vãn. Năm 2004 khi thương thảo về vay vốn giữa Angola và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bế tắc, Trung Quốc đã nhảy vào cung cấp 2 tỉ đô la tín dụng ưu đãi mà không có điều kiện kèm theo; trong hai năm 2005-2006 Trung Quốc cung cấp thêm 3 tỉ đô la tín dụng ưu đãi nữa và trở thành nhà tài trợ lớn nhất của đất nước này.
Thế rồi Angola đi vào con đường quen thuộc của các nước châu Phi: một tầng lớp thương nhân giỏi giao thiệp câu kết với các quan chức tham nhũng hình thành một tầng lớp cực kỳ giàu có, sử dụng của cải và ảnh hưởng để củng cố quyền lực.
Ân sủng của dầu mỏ đã không đến được người dân thường; 70% dân chúng nước này vẫn sống dưới mức nghèo khó, dịch tả và sốt rét lan tràn, tỷ lệ tử vong sơ sinh của Angola đứng đầu thế giới. Khi dầu mỏ là nguồn thu nhập chính thì việc đầu tư vào các hoạt động kinh tế khác rất èo uột vì không ngành nào có suất lợi nhuận cao bằng dầu mỏ. Dân chúng vừa phải đối phó với giá sinh hoạt cao ngất ngưởng vừa lo thất nghiệp vì đa số công việc trong ngành khai thác và lọc dầu đều nằm trong tay nước ngoài.
Nếu Chính phủ Angola không có giải pháp phân phối công bằng lợi tức từ dầu mỏ, chưa biết tương lai của xứ sở này sẽ ra sao.
Nigeria
Khi những thùng dầu đầu tiên được bơm lên vào cuối thập niên 1950 Nigeria cũng đồng thời bước vào một quá trình lan tràn tham nhũng. Theo Ủy ban Chống tham nhũng của Chính phủ Nigeria, từ khi giành độc lập năm 1960-1999, nhà cầm quyền nước này đã biển thủ hơn 400 tỉ đô la từ tiền bán dầu - bằng tổng viện trợ nước ngoài đổ vào châu Phi trong cùng thời kỳ.
Và giới thượng lưu Nigeria càng giàu lên thì càng tranh giành nhau dữ dội; trong 47 năm độc lập, Nigeria đã có 1 triệu người chết vì nội chiến, 30 năm dưới chế độ quân quản và 6 cuộc đảo chính. Nigeria là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi nhưng hai phần ba trong số 135 triệu dân nước này vẫn nghèo khổ, một phần ba thất học, 40% không có nước sạch và điện.
Cái giá về môi trường cũng đáng kể: trong 50 năm qua đã có 1,5 triệu tấn dầu tràn ra biển và khu vực đồng bằng Niger trở thành nơi ô nhiễm nhất thế giới. Bất mãn với giới thượng lưu cầm quyền, người dân Nigeria đã tham gia nhiều nhóm vũ trang chống chính phủ, chống lại ngành công nghiệp dầu mỏ, đông đảo nhất là Mặt trận Giải phóng đồng bằng Niger (MEND).
Tình trạng bắt cóc công nhân dầu mỏ nước ngoài đã trở thành chuyện thường ngày ở đồng bằng Niger nhưng theo Tom Pullo, một chỉ huy của MEND, “Chúng tôi không bắt cóc để tống tiền; chúng tôi muốn thế giới phải quan tâm đến vấn đề của đất nước chúng tôi”.
Gabon
So với Nigeria và Angola thì Gabon đã đi đến chặng cuối con đường dầu mỏ, nếu không phát hiện được mỏ mới, sản lượng dầu của Gabon sẽ giảm một nửa trong 20 năm tới và chấm dứt hoàn toàn sau 30 năm nữa.
Những đồng tiền dầu mỏ đã biến Gabon thành xứ sở của mâu thuẫn: đất nước xếp thứ 124/124 về chỉ số phát triển con người nhưng có nhiều cửa hàng bán xe hơi hạng sang. Chính trị gia đối lập Pierre Mamboundou ước tính khoảng 15.000 người Gabon nắm giữ 80% tài sản của đất nước.
Sau dầu mỏ là gì? Một đất nước “rừng vàng biển bạc” nhưng Gabon phải nhập khẩu mọi thứ thực phẩm từ châu Âu, một hộp trứng nhập từ Pháp giá 10 đô la Mỹ. Các doanh nghiệp hầu như đều nằm trong tay người ngoại quốc. Và tệ hại hơn nữa, nghèo khó và bất công dẫn tới tình trạng suy thoái đạo đức, từ tham nhũng đến ăn cắp vặt và bạo lực tình dục.
“Khắp đất nước lan tràn một thứ vô đạo đức. Và đấy chính là lời nguyền rủa thật sự của dầu mỏ”, một nhà ngoại giao châu Âu ở Gabon nhận xét.
Điểm nóng châu Phi
Những bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và Nam Mỹ đã khiến nguồn dầu mỏ châu Phi trở nên hấp dẫn. Châu Phi sản xuất 11,4% lượng dầu mỏ thế giới; dầu châu Phi rẻ, an toàn và dễ khai thác - đó là lý do khiến các nhà đầu tư từ Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Trung Quốc... đổ xô về các nước nhỏ ở Tây Phi, biến vùng này thành một điểm nóng.
Đây là tin tốt lành cho các nước nghèo nhất của châu lục nghèo nhất. Luis Alberto Praxeres, Giám đốc điều hành Cơ quan dầu mỏ quốc gia của Sao Tome nói: “Dầu mỏ sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề của chúng tôi”. Thực tế đã có nhiều quốc gia thịnh vượng nhờ dầu mỏ. Dầu biển Bắc là bệ phóng cho hệ thống phúc lợi xã hội của Anh và Na Uy; nhờ dầu mỏ mà các nước Oman và Brunei đi từ nghèo khó đến phồn vinh chỉ sau một thế hệ.
Nhưng dầu mỏ không phải là một ân huệ. Các nhà kinh tế thường nói tới “lời nguyền rủa của dầu mỏ” và chỉ ra rằng một số quốc gia có mỏ dầu thường phát triển chậm hơn, bất công hơn và chính phủ độc đoán hơn các nước không có dầu.
“Có mối liên kết mạnh mẽ giữa sự giàu có về tài nguyên với sự yếu kém của nền dân chủ, sự lan tràn của tham nhũng và nội chiến”, nhà kinh tế được giải Nobel Joseph Stiglitz nói.
Ba trường hợp bi thảm
Điều đó được chứng minh qua ba quốc gia ở ba giai đoạn của kinh tế dầu mỏ: Angola - nơi công nghiệp dầu mỏ bắt đầu bùng nổ, đẩy tăng trưởng kinh tế lên mức 27% năm ngoái; Nigeria - nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 12 thế giới; và Gabon - nơi các mỏ dầu bắt đầu cạn.
Angola
Hai mươi bảy năm nội chiến kết thúc năm 2002 để lại cho người dân Angola một đất nước bị tàn phá nặng nề; thủ đô Luanda là khu ổ chuột lớn nhất châu Phi. Ngày nay Angola là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của châu lục, sản lượng tăng 25% mỗi năm. Dầu mỏ chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của Angola, doanh thu năm 2005 là 10 tỉ đô la Mỹ và sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2011, khi các mỏ dầu hoạt động hết công suất.
Nhờ nguồn dầu này, Angola được các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài ve vãn. Năm 2004 khi thương thảo về vay vốn giữa Angola và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bế tắc, Trung Quốc đã nhảy vào cung cấp 2 tỉ đô la tín dụng ưu đãi mà không có điều kiện kèm theo; trong hai năm 2005-2006 Trung Quốc cung cấp thêm 3 tỉ đô la tín dụng ưu đãi nữa và trở thành nhà tài trợ lớn nhất của đất nước này.
Thế rồi Angola đi vào con đường quen thuộc của các nước châu Phi: một tầng lớp thương nhân giỏi giao thiệp câu kết với các quan chức tham nhũng hình thành một tầng lớp cực kỳ giàu có, sử dụng của cải và ảnh hưởng để củng cố quyền lực.
Ân sủng của dầu mỏ đã không đến được người dân thường; 70% dân chúng nước này vẫn sống dưới mức nghèo khó, dịch tả và sốt rét lan tràn, tỷ lệ tử vong sơ sinh của Angola đứng đầu thế giới. Khi dầu mỏ là nguồn thu nhập chính thì việc đầu tư vào các hoạt động kinh tế khác rất èo uột vì không ngành nào có suất lợi nhuận cao bằng dầu mỏ. Dân chúng vừa phải đối phó với giá sinh hoạt cao ngất ngưởng vừa lo thất nghiệp vì đa số công việc trong ngành khai thác và lọc dầu đều nằm trong tay nước ngoài.
Nếu Chính phủ Angola không có giải pháp phân phối công bằng lợi tức từ dầu mỏ, chưa biết tương lai của xứ sở này sẽ ra sao.
Nigeria
Khi những thùng dầu đầu tiên được bơm lên vào cuối thập niên 1950 Nigeria cũng đồng thời bước vào một quá trình lan tràn tham nhũng. Theo Ủy ban Chống tham nhũng của Chính phủ Nigeria, từ khi giành độc lập năm 1960-1999, nhà cầm quyền nước này đã biển thủ hơn 400 tỉ đô la từ tiền bán dầu - bằng tổng viện trợ nước ngoài đổ vào châu Phi trong cùng thời kỳ.
Và giới thượng lưu Nigeria càng giàu lên thì càng tranh giành nhau dữ dội; trong 47 năm độc lập, Nigeria đã có 1 triệu người chết vì nội chiến, 30 năm dưới chế độ quân quản và 6 cuộc đảo chính. Nigeria là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi nhưng hai phần ba trong số 135 triệu dân nước này vẫn nghèo khổ, một phần ba thất học, 40% không có nước sạch và điện.
Cái giá về môi trường cũng đáng kể: trong 50 năm qua đã có 1,5 triệu tấn dầu tràn ra biển và khu vực đồng bằng Niger trở thành nơi ô nhiễm nhất thế giới. Bất mãn với giới thượng lưu cầm quyền, người dân Nigeria đã tham gia nhiều nhóm vũ trang chống chính phủ, chống lại ngành công nghiệp dầu mỏ, đông đảo nhất là Mặt trận Giải phóng đồng bằng Niger (MEND).
Tình trạng bắt cóc công nhân dầu mỏ nước ngoài đã trở thành chuyện thường ngày ở đồng bằng Niger nhưng theo Tom Pullo, một chỉ huy của MEND, “Chúng tôi không bắt cóc để tống tiền; chúng tôi muốn thế giới phải quan tâm đến vấn đề của đất nước chúng tôi”.
Gabon
So với Nigeria và Angola thì Gabon đã đi đến chặng cuối con đường dầu mỏ, nếu không phát hiện được mỏ mới, sản lượng dầu của Gabon sẽ giảm một nửa trong 20 năm tới và chấm dứt hoàn toàn sau 30 năm nữa.
Những đồng tiền dầu mỏ đã biến Gabon thành xứ sở của mâu thuẫn: đất nước xếp thứ 124/124 về chỉ số phát triển con người nhưng có nhiều cửa hàng bán xe hơi hạng sang. Chính trị gia đối lập Pierre Mamboundou ước tính khoảng 15.000 người Gabon nắm giữ 80% tài sản của đất nước.
Sau dầu mỏ là gì? Một đất nước “rừng vàng biển bạc” nhưng Gabon phải nhập khẩu mọi thứ thực phẩm từ châu Âu, một hộp trứng nhập từ Pháp giá 10 đô la Mỹ. Các doanh nghiệp hầu như đều nằm trong tay người ngoại quốc. Và tệ hại hơn nữa, nghèo khó và bất công dẫn tới tình trạng suy thoái đạo đức, từ tham nhũng đến ăn cắp vặt và bạo lực tình dục.
“Khắp đất nước lan tràn một thứ vô đạo đức. Và đấy chính là lời nguyền rủa thật sự của dầu mỏ”, một nhà ngoại giao châu Âu ở Gabon nhận xét.