Lợi nhuận Hoa Sen tăng gấp đôi, giữ vững thị phần tôn số 1 thị trường nội địa
Tập đoàn Hoa Sen (HSG), nhờ dự báo sớm và chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nên doanh nghiệp này vẫn đạt được những kết quả tích cực
Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, sản phẩm thép Việt Nam, đặc biệt là tôn thép liên tục phải đối mặt với làn sóng bảo hộ thương mại "giăng dày" trên toàn cầu.
Tại thị trường trong nước, sản lượng tôn thép tăng nhanh cũng "đẩy" các doanh nghiệp vào cuộc cạnh tranh dữ dội, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen (HSG), song nhờ dự báo sớm và chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nên doanh nghiệp này vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Thời gian vừa qua các doanh nghiệp tôn thép bị ảnh hưởng khá nghiêm trong, thị trường nội địa và xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xu hướng bảo hộ các doanh nghiệp địa phương của các quốc gia trên thế giới ngày càng gia tăng làm thị trường xuất khẩu gặp không ít trở ngại.
Tại thị trường nội địa các doanh nghiệp gia tăng công suất sản xuất, hàng Trung Quốc kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường với giá rất rẻ, cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hai nặng nề cho các doanh nghiệp Việt. Đồng thời thị trường bất động sản trầm lắng do Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng với lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng đến ngành vật liệu xây dựng.
Những nguyên nhân trên đã có tác động nhất định đến kết quả kinh doanh của HSG. Theo đó, trong quý 3 niên độ tài chính 2018-2019, HSG đạt doanh thu thuần 7.228 tỷ đồng, giảm 3.096 tỷ đồng so với cùng kỳ niên độ trước nhưng tỉ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu của HSG đang dần cải thiện đáng kể.
Quý 3 niên độ tài chính 2018 - 2019 ghi nhận biên lợi nhuận gộp HSG đạt 13,4% tăng so với mức 9,99% ở cùng kỳ. Việc này xuất phát từ việc HSG chủ động tái cơ cấu, tập trung vào các thị trường, sản phẩm có biên lợi nhuận cao. Vì vậy, mặc dù doanh thu giảm đáng kể so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng mức lợi nhuận gộp vẫn giữ được ở mức gần tương đương, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ đạt hơn 970 tỷ đồng.
HSG cũng tích cực tiết giảm các khoản chi phí như chi phí tài chính, chi phí quản lý, chi phí bán hàng. Trong đó, chi phí tài chính giảm đáng kể so với lúc cao điểm nhờ vào việc tăng cường quản lý hàng tồn kho ở mức hợp lý.
Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh, hơn 50% do việc tái cấu trúc hệ thống quản lý, đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống chi nhánh theo mô hình chi nhánh tỉnh, đưa vào vận hành thành công ERP (Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), kết nối công ty mẹ, 10 nhà máy, 55 chi nhánh tỉnh và hơn 526 cửa hàng bán lẻ trực thuộc chi nhánh tỉnh thành một hệ thống kết nối, quản lý chặt chẽ. Việc này đã mang lại những lợi ích to lớn giúp nâng cao hiệu quả quản trị và tiết giảm chi phí hoạt động của HSG.
Bằng các biện pháp chủ động và tích cực, kết quả kinh doanh quý 3 niên độ tài chính 2018-2019 phục hồi đáng kể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng vọt 127%, đạt hơn 208 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với quý 3 niên độ tài chính 2017-2018. Kết quả này của HSG có thể xem là điểm sáng bối cảnh ngành thép vô cùng khó khăn.
Trong giai đoạn khó khăn, HSG vẫn cho thấy năng lực của một doanh nghiệp dẫn đầu khi vẫn khai thác tốt các thị trường cũ và tích cực mở rộng thị trường mới, tăng trưởng doanh số và liên tục xuất khẩu các đơn hàng lớn vào các thị trường rất khó tính.
HSG cũng đi theo chiến lược kinh doanh nắm chắc thị trường nội địa, trong 3 năm qua có thể nhận thấy số lượng chi nhánh/cửa hàng trực thuộc HSG tăng lên đáng kể, có mặt dày đặc trên khắp các tỉnh thành, gia tăng độ phủ sản phẩm, thương hiệu HSG trên thị trường. Với lợi thế này, suốt những năm qua HSG vẫn nắm giữ thị phần tôn số 1 tại thị trường nội địa, sản phẩm được người tiêu dùng tin dùng bởi chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt.