08:18 16/06/2009

Lời thề đạo đức của doanh nhân

Lời thề Hippocrates dành cho những người làm nghề chữa bệnh cứu người nay không chỉ giới hạn trong ngành y

Các thạc sĩ Harvard và tấm thẻ thề sẽ giữ đạo đức trong kinh doanh - Ảnh: NYT.
Các thạc sĩ Harvard và tấm thẻ thề sẽ giữ đạo đức trong kinh doanh - Ảnh: NYT.
“Tôi tuyên thệ sẽ phục vụ vì điều tốt đẹp hơn, hành động với sự chính trực cao nhất và chống lại những quyết định, thái độ có thể giúp cho tham vọng hạn hẹp của bản thân tôi nhưng có hại cho doanh nghiệp và xã hội nơi chúng tôi hoạt động”.

Đó là lời thề đạo đức lần đầu tiên được hàng trăm thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của Trường Đại học Kinh doanh Harvard (Mỹ) tuyên bố trong lễ tốt nghiệp năm nay.

Doanh nhân tốt trong thời đại này không chỉ làm giàu cho bản thân mà công việc đó phải có ích cho cộng đồng nơi doanh nghiệp mình làm ăn. Doanh nhân tốt phải sở hữu các giá trị là tính chính trực, sự sáng tạo, khát vọng vươn xa, tâm huyết và sự tôn trọng cộng đồng và môi trường. Vì thế, lời thề Hippocrates dành cho những người làm nghề chữa bệnh cứu người nay không chỉ giới hạn trong ngành y. Câu nói: “Tôi sẽ không làm hại ai” mà những lương y áo trắng thường nói nay đã được các doanh nhân tương lai ghi nhớ.

Peter Escher, 29 tuổi, tuần qua đã tốt nghiệp khóa MBA ở Đại học Harvard. Từng làm việc cho tổ chức phi chính phủ ở Kenya và một công ty chứng khoán tại Mỹ, Peter muốn cùng các bạn học khi ra trường sẽ giữ được đạo đức trong kinh doanh. Đọc lời thề là một cách để giữ đạo đức đó trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính mà một trong những nguyên nhân là thói tham lam và ích kỷ của những người làm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

CNN cho biết thật ra lời thề dạng này đã có từ năm 1908, khi khóa MBA đầu tiên được dạy ở Harvard. Nhưng có lẽ lời thề đó đã bị bỏ quên trong thế giới mà những sinh viên tốt nghiệp của Trường Harvard quan tâm hơn tới lợi nhuận ngày càng cao và những khoản tiền thưởng kếch sù. Nay Peter Escher khẳng định khủng hoảng kinh tế đã đưa vấn đề đạo đức kinh doanh trở thành chủ đề nóng bỏng cho các thạc sĩ hiện tại về sự bền vững trong kinh doanh.

Jeremy Moon, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại Đại học Kinh doanh Nottingham (Anh), nói các thạc sĩ kinh doanh có xu hướng quan tâm tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với 45% sinh viên tại trường này đăng ký học ít nhất một học phần liên quan đến lĩnh vực trên.

Trong phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, người ta thấy có việc tự nguyện từ bỏ những hoạt động gây hại cho cộng đồng, cho dù những hoạt động này là hợp pháp. Giờ đây ba giá trị tiêu chuẩn đánh giá sự thành công của một doanh nghiệp theo thứ tự ưu tiên là con người, hành tinh, lợi nhuận.

Dù ông Moon không tin vào chuyện sinh viên có thể thay đổi sâu sắc về đạo đức kinh doanh nhưng thừa nhận sinh viên đang thay đổi về cách nhìn liên quan tới giá trị bền vững trong kinh doanh. Tuy vậy, tuyên thệ để thành người tốt thì có lẽ hơi ngây thơ trong thời buổi “cắt cổ” này. Theo ông, các trường dạy kinh doanh phải cung cấp các khóa học để nâng cao nhận thức của sinh viên về lĩnh vực này.

Để giữ mình đi đúng con đường, những thạc sĩ đọc lời thề cũng giữ một tấm thẻ nhắc nhở hữu hình về lời thề của họ. Nhưng sợ là thế vẫn chưa đủ, họ còn có website “MBA Oath - Lời thề MBA” (http://mbaoath.org/) để tạo mạng lưới giúp cộng đồng những người đã tuyên thệ thảo luận các vấn đề gặp phải trong thực tế để vẫn giữ mình là doanh nhân đáng tin cậy.

Đến nay, trang web lời thề trên mạng đã có gần 1.000 chữ ký từ các cựu học sinh của Harvard và sinh viên quản trị kinh doanh từ các trường kinh doanh khác. Theo thạc sĩ Escher, về lâu dài “thề có đạo đức” cũng phù hợp với mục tiêu tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. “Đối xử với con người thật tốt và nghĩ về tương lai lâu dài sẽ tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh”, Escher tin tưởng.

Khổng Loan (Tuổi Trẻ)