10:43 13/10/2023

LVMH tăng trưởng chậm lại, hàng xa xỉ toàn cầu hạ nhiệt?

Minh Nguyệt

LVMH là tập đoàn xa xỉ toàn cầu đầu tiên báo cáo thu nhập trong quý này. Những số liệu từ LVMH phần nào đã cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc về thị trường xa xỉ, trước khi Hermès và Kering công bố báo cáo vào ngày 24/10 tới...

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN

Tăng trưởng doanh số bán hàng của LVMH đã chậm lại trong quý 3 khi người mua sắm hạn chế chi tiêu cho thời trang và túi xách đắt tiền. Doanh thu hữu cơ tại đơn vị thời trang và đồ da quan trọng của tập đoàn Pháp - bao gồm các nhãn hiệu Louis Vuitton và Christian Dior – chỉ tăng 9%, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích là 11,2%. Doanh số bán hàng tại bộ phận rượu vang và rượu mạnh giảm 14%, tệ hơn nhiều so với dự kiến, theo Business of Fashion.

Công ty mẹ của các thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co. và Sephora, cũng công bố doanh số đạt 19,96 tỷ Euro trong quý 3/2023, không đạt được mức dự đoán đồng thuận là 20,6 tỷ euro do các nhà phân tích đưa ra. Số liệu phản ánh sự bình thường hóa ở tốc độ tăng trưởng trong phân khúc thời trang và phụ kiện da thuộc – mặt hàng chủ chốt của tập đoàn – khi tình hình lạm phát và lãi suất cao ảnh hưởng tới khả năng chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng.

Giám đốc tài chính của LVMH, ông Jean-Jacques Guiony, cho biết ở thời điểm hiện tại rất khó đưa ra dự báo cho quý 4/2023 và xa hơn thế nữa. “Sau ba năm tăng trưởng bùng nổ và vượt trội, tốc độ phát triển đang trở về những con số phù hợp hơn với mức trung bình lịch sử”, ông chia sẻ trên buổi báo cáo trực tuyến với truyền thông và giới tài chính. “Chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu đây là một chu kỳ tiêu dùng, hay chỉ là một điểm dừng nhỏ trong ba năm đặc biệt tuyệt vời vừa qua”.

Tăng trưởng doanh số bán hàng của LVMH đã chậm lại trong quý 3 khi người mua sắm hạn chế chi tiêu cho thời trang và túi xách đắt tiền.
Tăng trưởng doanh số bán hàng của LVMH đã chậm lại trong quý 3 khi người mua sắm hạn chế chi tiêu cho thời trang và túi xách đắt tiền.

Trên thực tế, hầu hết các hạng mục kinh doanh của tập đoàn đều tăng trưởng, dù thấp hơn so với những quý trước. Doanh số hạng mục đồng hồ và trang sức tăng 3% trong quý 3/2023, khá nhẹ so với mức tăng trưởng 14% và 11% trong quý 1 và 2. Tập đoàn LVMH cho biết Bulgari đã có một quý tốt hơn khi so sánh với Tiffany & Co. do những hoạt động lớn và liên tiếp tại châu Á.

Ông Jean-Jacques Guiony cũng đặc biệt nói về thành quả lớn của thương hiệu trang sức Fred. Vừa qua, CEO Charles Leung đã đầu tư để ra mắt dòng trang sức nạm kim cương tổng hợp được sản xuất nội bộ. “Thành thật mà nói, lượng thông tin truyền miệng về những viên kim cương xanh, dù chúng được làm trong phòng lab, khiến chúng tôi khá hài lòng”, giám đốc tài chính LVMH nói.

Hạng mục bán lẻ, bao gồm chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sephora và công ty DFS chuyên hàng miễn thuế tại các sân bay, là hạng mục có doanh số tốt nhất của tập đoàn LVMH trong quý 3/2023. Doanh thu hữu cơ tăng 26%, đồng đều với các quý trước. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang mở hầu bao cho việc du lịch; sản phẩm duty free do đó là một phần của tâm thế phóng khoáng khi đi du lịch này. LVMH cho biết chuỗi Sephora đã hoạt động “đặc biệt tốt” trong việc giành được thị phần. Trong khi đó, du lịch hồi phục ở Hồng Kông và Macao đã giúp thúc đẩy doanh thu cho DFS.

Hiện tại, tập đoàn LVMH đang đầu tư phát triển cho hệ thống DFS khi sẽ xây dựng khu trung tâm mua sắm và giải trí 7-sao ở đảo Hải Nam, Trung Quốc. Khuôn viên rộng 128 mét² với 1000 thương hiệu xa xỉ dự kiến sẽ mở cửa trong 2025. “Với số lượng người đến thăm Hải Nam hàng năm, đây đáng được coi là một thị trường quan trọng và do đó tất cả các thương hiệu của chúng tôi đang dự tính mở cửa hàng theo cách có chọn lọc ở Hải Nam,” ông Jean-Jacques Guiony nói.

Chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sephora và công ty DFS chuyên hàng miễn thuế là hạng mục có doanh số tốt nhất trong quý 3/2023.
Chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sephora và công ty DFS chuyên hàng miễn thuế là hạng mục có doanh số tốt nhất trong quý 3/2023.

Mặc dù LVMH không công bố doanh thu cho từng thương hiệu riêng lẻ, tập đoàn có nhấn mạnh vào sự ổn định của Dior sau khi thương hiệu này tăng trưởng gấp ba lần trong vòng chưa đầy bảy năm. Theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn đầu tư Bernstein, doanh thu của riêng Dior được ước tính đã vượt 15 tỉ euro.

Sau tất cả, tập đoàn LVMH cho biết vẫn đang quan sát về đường dài. Dù tình hình lãi suất và tỉ giá hối đoái chưa thật sự khả quan, tập đoàn vẫn sẽ không ngừng chi tiêu cho quảng cáo. Ông Jean-Jacques Guiony cho biết tập đoàn đã lên kế hoạch cho hàng loạt sự kiện lớn cũng như việc mở cửa hàng mới. Ví dụ như vào ngày 30/11 tới, Louis Vuitton sẽ đưa BST thời trang nam Chớm Thu 2024 tới trình diễn tại Hồng Kông. Ông Guiony cam kết: “Mọi người sẽ thấy một số những dự án vô cùng ngoạn mục không kém những gì chúng tôi đã thực hiện trong những quý vừa qua”.

Mặc dù vậy, theo hãng tin CNN, kết quả vừa được công bố cho thấy, sự bùng nổ sau đại dịch về hàng xa xỉ, vốn giúp LVMH trở thành công ty đầu tiên ở châu Âu đạt mức định giá 500 tỉ USD vào đầu năm nay, đang bắt đầu suy giảm. Pauline Brown - cựu chủ tịch phụ trách LVMH Bắc Mỹ - cho rằng sự bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng là một yếu tố dẫn đến tăng trưởng chậm lại. Bà nói: “Nếu tôi vẫn còn ngồi trong hội đồng quản trị tại LVMH hoặc bất kỳ công ty xa xỉ nào khác, điều thực sự khiến tôi lo lắng là tình trạng bất ổn địa chính trị trên khắp thế giới”.

Cựu lãnh đạo tập đoàn xa xỉ nhận định thêm: “Mua hàng xa xỉ là việc mua sắm mang tính tâm lý. Không ai coi một ly sâm panh, không ai cần một chiếc đồng hồ hay một chiếc vòng cổ kim cương… là thiết yếu. Để mua nó cho mình hoặc làm quà tặng, bạn thực sự phải có tâm trạng thích hợp. Khi chúng ta chứng kiến sự suy giảm kinh tế trên toàn thế giới, ham muốn chi tiêu vào những thứ có thể bị coi là phù phiếm sẽ giảm đi”.

Doanh thu hữu cơ tại Louis Vuitton và Christian Dior thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Doanh thu hữu cơ tại Louis Vuitton và Christian Dior thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.

Bên cạnh đó, việc nền kinh tế Trung Quốc, thị trường mầu mỡ của các nhãn hàng xa xỉ, có dấu hiệu đi xuống so với các năm trước đây đã tác động không nhỏ tới ngành công nghiệp hàng xa xỉ. Năm 2023, doanh số bán hàng của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ bùng nổ mạnh mẽ sau 3 năm phong tỏa bởi đại dịch Covid-19. Thế nhưng trên thực tế, mức chi tiêu lại cho thấy dấu hiệu giảm xuống, chỉ số chứng khoán của 10 đơn vị kinh doanh xa xỉ phẩm hàng đầu châu Âu STOXX Europe Luxury 10 đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Dù rằng chỉ số của “Big 10” trong danh sách các doanh nghiệp kinh doanh xa xỉ phẩm vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, song quý 3/2023, nhóm ngành hàng này đã bị giảm 2,5%, kết quả kinh doanh quý tệ nhất trong lịch sử so với STOXX 600. Tháng trước, nhà sản xuất dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk đã soán ngôi LVMH trở thành công ty niêm yết có giá trị nhất châu Âu. Trước đó, doanh nghiệp của tỷ phú giàu nhất nước Pháp Bernard Arnault từng nắm giữ vị trí này trong khoảng thời gian dài.