09:27 20/09/2023

Các “ông lớn” xa xỉ đua nhau mở không gian bán lẻ tại Ấn Độ

Minh Nguyệt

Ấn Độ với dân số 1,4 tỷ người, có thu nhập bình quân đầu người chỉ 2.300 USD. Nhưng quốc gia này cũng là nơi sinh sống của hơn 800.000 triệu phú USD, những người đang vung tiền vào mọi thứ, từ những đám cưới xa hoa cho đến túi xách và đồng hồ đắt tiền...

Cửa hàng của Dior tại khách sạn Oberio, New Delhi. Ảnh: Mint
Cửa hàng của Dior tại khách sạn Oberio, New Delhi. Ảnh: Mint

Khi suy thoái kinh tế đang xảy ra trên toàn thế giới, nền kinh tế Ấn Độ đang đi ngược xu hướng. Công ty tư vấn toàn cầu EY dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26 nghìn tỷ USD vào năm 2047, với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp sáu lần lên 15.000 USD. Từ chỗ là những nhà sản xuất, người Ấn Độ giờ đây là những người tiêu dùng của thị trường thời trang xa xỉ.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu xa xỉ toàn cầu đang tăng giá trên thị trường Ấn Độ và đang tìm cách thâm nhập và mở rộng tại quốc gia này. Ở trung tâm Mumbai, nội thất của hai tòa nhà di sản 100 năm tuổi đang được tân trang lại hoàn toàn để trở thành cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette, nơi sẽ có hơn 200 thương hiệu cao cấp và thiết kế riêng. Dự án hợp tác giữa chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp của Pháp và công ty thời trang và bán lẻ Aditya Birla của Ấn Độ, sẽ khai trương vào năm 2024.

Trong khi đó, trung tâm mua sắm mới ở Mumbai của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani có tên Jio World Plaza, có khả năng khai trương trong năm nay. Tập đoàn Reliance Industries hiện vẫn chưa tiết lộ thông tin chi tiết về những người thuê, nhưng tài liệu cho thuê do công ty phân tích bất động sản CRE Matrix cung cấp, cho thấy Burberry cũng như một số thương hiệu thuộc sở hữu của LVMH, Kering và Richemont đã đặt chỗ để thuê các cửa hàng trong trung tâm thương mại, đồng nghĩa chấp nhận chia sẻ từ 4% và 12% doanh thu ròng hàng tháng với Reliance.

Cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette tại Mumbai, nơi sẽ có hơn 200 thương hiệu cao cấp và thiết kế riêng sẽ khai trương vào năm 2024.
Cửa hàng bách hóa Galeries Lafayette tại Mumbai, nơi sẽ có hơn 200 thương hiệu cao cấp và thiết kế riêng sẽ khai trương vào năm 2024.

Các thương hiệu xa xỉ có mặt tính đến nay bao gồm thương hiệu trang sức Cartier và Bulgari, các hãng thời trang Louis Vuitton, Dior và Gucci, thương hiệu đồng hồ IWC Schaffhausen và nhà sản xuất hành lý sang trọng Rimowa... Anuj Kejriwal, Giám đốc điều hành của Anarock Retail Ấn Độ cho biết: “Trước đây, các thương hiệu cao cấp luôn phải vật lộn để giành được không gian bán lẻ chất lượng ở Ấn Độ và nhiều cái tên trong số đó đã buộc phải mở cửa hàng đầu tiên tại các khách sạn sang trọng. Với các trung tâm mua sắm cao cấp mới mọc lên, những thương hiệu đẳng cấp bắt đầu có cơ hội để hiện diện xứng tầm tại thị trường này".

Với diện tích gần 700 mét vuông, cửa hàng của Louis Vuitton tại Jio World Plaza sẽ là cửa hàng rộng rãi nhất trong số bốn cửa hàng của thương hiệu ở Ấn Độ. Cửa hàng của Cartier sẽ là cửa hàng thứ hai trong nước và đối với Dior, đây sẽ là cửa hàng thứ ba. Để đảm bảo trung tâm mua sắm có được sức hấp dẫn sang trọng, một số hợp đồng cho thuê như của Dior bao gồm một điều khoản cho phép giảm 25% tiền thuê nếu ít nhất 4 trong số 10 thương hiệu xa xỉ bao gồm Gucci, Cartier, Bulgari và Tiffany không mở thêm cửa hàng riêng tại các khu mua sắm khác trong vòng sáu tháng.

Theo Bloomberg, việc khai trương cửa hàng 4 tầng khiến Sabyasachi trở thành nhà bán lẻ xa xỉ mới nhất theo dòng tiền đến miền nam Mumbai. Trong những năm gần đây, Hermes International, Christian Louboutin và những công ty khác đã thành lập cửa hàng, sẵn sàng trả giá thuê tăng vọt của khu vực lân cận để có được không gian trong bất động sản lịch sử và tiếp cận tầng lớp thượng lưu đang lên. "Sự trỗi dậy của thị trường cá nhân có giá trị ròng cao ở Ấn Độ đang thực sự thu hút những người chơi hạng sang", Anurag Mathur, một đối tác tại Bain & Company ở New Delhi, cho biết.

Trung tâm mua sắm mới ở Mumbai của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani có tên Jio World Plaza, có khả năng khai trương trong năm nay.
Trung tâm mua sắm mới ở Mumbai của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani có tên Jio World Plaza, có khả năng khai trương trong năm nay.

Ông nói, đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu xa xỉ cá nhân trong khi hạn chế việc đi lại, khiến người Ấn Độ mua những hàng hóa này ở quê nhà. Đối với các thương hiệu xa xỉ, "rõ ràng có mong muốn tìm kiếm một biên giới mới và Ấn Độ, với sự thay đổi của mình, đã mang lại điều đó". Theo Knight Frank's, khoảng 1,66 triệu người ở Ấn Độ được dự đoán sẽ sở hữu tài sản ròng hơn 1 triệu USD vào năm 2027. Nhóm những người có tài sản ròng 30 triệu USD được dự báo sẽ tăng gần 60% trong 5 năm kể từ năm 2022.

Khu vực xung quanh khách sạn The Taj Mahal Palace là nơi sinh sống của các gia đình kinh doanh lâu đời giàu có, giờ đây đầy các cửa hàng. Giá thuê hàng tháng cho các mặt bằng bán lẻ trong khu vực có thể vượt quá 6.044 USD đến 7.250 USD cho một không gian thoải mái. Kết quả là, nhiều ngân hàng, nhà quản lý quỹ và nhà kinh doanh đã chuyển trụ sở đến các khu tài chính mới, bao gồm Khu phức hợp Bandra Kurla do Bank of America và Citibank quản lý, cũng như các khu vực ngoại ô ở phía bắc.

Abha Narain Lambah, kiến trúc sư chính của Abha Narain Lambah Associates, người đã làm việc khôi phục các tòa nhà trong khu vực, cho biết: "Nếu bạn nhìn vào Mumbai, đường phố vẫn như cũ, nhưng con người bên trong thì đã thay đổi". Do đó, không có gì ngạc nhiên khi người giàu nhất châu Á, Mukesh Ambani, cũng đặt mục tiêu mang những trải nghiệm xa hoa đến Ấn Độ. Reliance Brands Ltd. của ông đã đầu tư vào MM Styles Ltd., công ty sở hữu hãng thời trang cùng tên do nhà tạo mẫu Bollywood Manish Malhotra điều hành.

Tập đoàn này cũng đã nắm giữ 52% cổ phần trong nhãn hiệu của Ritu Kumar, một nhà thiết kế Ấn Độ khác. Kết quả tài chính mới nhất của Reliance nêu bật sự tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh phi thực phẩm, với đơn vị bán lẻ bao gồm các thương hiệu thời trang và phong cách sống mang lại doanh thu tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. "Thị trường đang phát triển rất tốt”, chuyên gia phân tích Mathur của Bain nói. "Đại dịch khiến mọi người đặt câu hỏi họ đang cất giữ tiền để làm gì? Vì thế, đơn giản là mọi người sống xa hoa và mua sắm".

Khoảng 1,66 triệu người ở Ấn Độ được dự đoán sẽ sở hữu tài sản ròng hơn 1 triệu USD vào năm 2027.
Khoảng 1,66 triệu người ở Ấn Độ được dự đoán sẽ sở hữu tài sản ròng hơn 1 triệu USD vào năm 2027.

Hãng thời trang cao cấp của Pháp Dior đã giới thiệu bộ sưu tập Chớm thu năm 2023 tại tượng đài Cổng vào Ấn Độ, một địa danh chính trong thành phố. Vào tháng 5 năm 2022, Louis Vuitton đã bổ nhiệm nữ diễn viên siêu sao Bollywood Deepika Padukone làm "đại sứ nội bộ". Gã khổng lồ trang sức của Ý Bvlgari đã bổ nhiệm ngôi sao điện ảnh Priyanka Chopra Jonas làm đại sứ thương hiệu toàn cầu của mình và tung ra thị trường các mẫu mangalsutra - một sợi dây chuyền mà chú rể đeo quanh cổ cô dâu trong đám cưới của người theo đạo Hindu…

Nhưng việc mở rộng quy mô thị trường xa xỉ ở Ấn Độ dự kiến sẽ không dễ dàng, với sự cạnh tranh cao từ các nhà thiết kế Ấn Độ và việc thiếu không gian bán lẻ. "Thị trường Ấn Độ khác xa so với các thị trường toàn cầu khác, các nhà bán lẻ xa xỉ sẽ cần phải liên tục phân tích nhu cầu của người tiêu dùng tại đây", Ông Anul Sareen, giám đốc dự án tại Euromonitor International, công ty cung cấp nghiên cứu thị trường chiến lược, cho biết. Nhưng các thương hiệu vẫn nên lạc quan.

"Khi nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng lên 5.000 tỷ USD trong vài năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến của tầng lớp tiêu dùng hàng đầu cũng như tầng lớp trung lưu đầy khát vọng. Điều này chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho nhiều thương hiệu tham gia và đầu tư vào thị trường".