Lý do ra đời của nano curcumin
Những năm gần đây, curcumin nổi lên như một hoạt chất của thời đại với số lượng trên 1.000 nghiên cứu và trên 6.000 bài báo viết về tác dụng.
Nghệ vàng (Curcuma longa L.) là thảo dược quý được đánh giá cao trong số vô vàn các thảo dược cổ truyền. Nhân dân ta từ bao đời nay, bên cạnh việc sử dụng nghệ như là một thứ gia vị truyền thống, tạo nên màu vàng và mùi vị đặc trưng của món ăn, còn dùng nghệ như một thảo dược quý với rất nhiều công dụng như làm mờ vết sẹo, giải độc gan, tốt cho người bệnh đau dạ dày, phụ nữ sau sinh.Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, nghệ vàng có vị cay, đắng, tính ôn, quy vào 2 kinh can và tỳ, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, sinh cơ, chỉ huyết, làm tan máu ứ, giảm đau, dùng tốt trong bệnh đau dạ dày, gan mật, vàng da, phụ nữ sau sinh hoặc để trị các vết thương ngoài da.Năm 1815, hai nhà khoa học Vogel & Pelletier đã phân lập được hoạt chất của nghệ và đặt tên là Curcumin, chiếm 2 - 5% trong nghệ. Gần 100 năm sau, năm 1910, nhà khoa học Milobedzka và cộng sự mới xác định được curcumin là polyphenol kỵ nước có cấu trúc diferuloylmethan.
Nhiều nghiên cứu trong vài thập kỷ gần đây cho thấy curcumin có nhiều tác dụng sinh học rất quý như tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, chống nhiễm khuẩn, chống nấm, chống ký sinh trùng, và đặc biệt là chống ung thư. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã rất nhanh chóng chuyển sự chú ý sang curcumin như là một giải pháp chữa trị nhiều bệnh chứng một cách hiệu quả và ít tốn kém.Curcumin đã được các nhà khoa học khẳng định hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh, tuy nhiên rào cản lớn khiến tinh chất nghệ curcumin chưa được ứng dụng rộng rãi là do Curcumin không tan trong nước (độ tan 0,001%), sinh khả dụng thấp. Vì vậy, khi dùng theo đường uống, curcumin hòa tan một phần rất nhỏ vào các dịch thể của ống tiêu hóa, chỉ 7 - 10% curcumin được hấp thu vào máu, lại bị chuyển hóa nhanh qua gan, làm cho sinh khả dụng thực tế của curcumin chỉ đạt 2 - 3%.
Do đó, để đạt được liều 12g/ngày như các nhà khoa học khuyên dùng thì mỗi ngày phải uống tới 24 viên nang Curcumin 500mg. Đó là liều quá cao, bệnh nhân không thể chịu đựng nổi mùi vị khó chịu, gây cảm giác buồn nôn, khó tuân thủ liều và chi phí sử dụng quá cao. Còn nếu chỉ uống với liều thông thường như hiện tại thì chưa đủ hàm lượng curcumin trong máu để phát huy hiệu quả như mong muốn.Để khắc phục hạn chế trên, tại Việt Nam, rất nhiều các nhà khoa học tại các trung tâm nghiên cứu lớn đã và đang tiến hành nghiên cứu và chế tạo Nano curcumin từ tinh chất nghệ vàng. Một số trung tâm nghiên cứu như Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện KHVCNVN), Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP.HCM, Đại học Dược Hà Nội... đều đã có những báo cáo về kết quả nghiên cứu Nano curcumin.
Tháng 10/2013, tại hội thảo khoa học "Ứng dụng công nghệ nano trong Y Dược học. Bước đầu Ứng dụng Nano Curcumin trong phòng và trị bệnh", GS.VS.Nguyễn Văn Hiệu – nguyên Viện trưởng Viện KHVCNVN tuyên bố việc chế tạo thành công Nano Curcumin của các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học - Viện KHVCNVN từ nguồn nghệ vàng trồng trong nước. Nhờ kết quả này, Việt Nam đã trở thành nước thứ 10 trên thế giới sản xuất thành công Nano Curcumin, với chất lượng tương đương các chế phẩm của Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc...