08:00 02/12/2020

Lý giải sự tăng trưởng doanh thu 20 quý liên tiếp của Techcombank

Thủy Nguyễn

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh lên các lĩnh vực kinh tế, Techcombank đang thể hiện sự bứt phá dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

Khách hàng giao dịch tại Techcombank.
Khách hàng giao dịch tại Techcombank.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh lên các lĩnh vực kinh tế, Techcombank đang thể hiện sự bứt phá dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, với các kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3/2020.

Thành quả này đến từ nỗ lực không ngừng nghỉ của ngân hàng để tái thiết kế mô hình kinh doanh dựa trên am hiểu khách hàng, từ đó đưa ra những giải pháp, sản phẩm phù hợp với đặc thù từng phân khúc khách hàng.

ĐA DẠNG HÓA NGUỒN THU

Kết thúc 9 tháng đầu năm, Techcombank ghi nhận chuỗi tăng trưởng doanh thu 20 quý liên tiếp với tổng thu nhập hoạt động đạt kỷ lục gần 19.300 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2019. Đây cũng là mức tăng trưởng doanh thu dẫn dầu nhóm ngân hàng lớn (gồm khối ngân hàng quốc doanh, Techcombank, VPBank, MB, ACB)

Theo lãnh đạo ngân hàng, có được thành công này là do Techcombank thực hiện đa dạng hóa nguồn thu, trọng tâm là những thu nhập ngoài lãi, từ các loại phí chủ chốt như từ thẻ, bảo hiểm, hay là về phát hành trái phiếu cùng những dịch vụ ngân hàng giao dịch nói chung cho các doanh nghiệp.

Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, thu ngoài lãi 9 tháng đầu năm đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái; và chiếm hơn 31% doanh thu, cao hơn mức 28,3% của cùng kỳ 2019. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 65,1% lên hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,2%.

Nói về nguyên nhân giúp ngân hàng tiếp tục lãi lớn từ mảng dịch vụ bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Ngô Hoàng Hà, Phó Giám đốc Khối Tài chính Kế hoạch Techcombank, cho biết: trong thời gian Covid-19 nhưng doanh thu và số lượng khách hàng sử dụng thẻ mua sắm tăng rất cao. Theo đó, giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng lần lượt 65% và 36% … giúp mang đến cho Techcombank nguồn thu phí thẻ và đóng góp cho phần tăng trưởng của ngân hàng.

Bên cạnh đó, Techcombank đã triển khai nền tảng điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài việc miễn phí thanh toán cho các giao dịch thanh toán nội địa, ngân hàng đã triển khai mua bán ngoại tệ và chuyển tiền quốc tế trên nền tảng điện tử với mức phí ưu đãi.

"Thành công đầu tiên của chúng tôi từ việc này là khối lượng giao dịch tăng lên đáng kể, và số dư tiền gửi không kỳ hạn (Casa) cho khách hàng doanh nghiệp tăng cao. Do đó, ngoài Casa, phần phí cũng đóng góp lớn cho lợi nhuận 9 tháng đầu năm", ông Hà chia sẻ.

Giải thích thêm về dịch vụ của Techcombank, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc thường trực Techcombank, cho hay: Ngân hàng tập trung vào chất lượng dịch vụ, những hoạt động giao dịch cơ bản hàng ngày của khách hàng để tạo sự tiện lợi và gắn kết với khách hàng. "Nhờ vậy, chúng tôi tạo ra cơ sở khách hàng mà trong ngân hàng gọi là có tính kết dính và tạo ra Casa cao. Tỷ lệ Casa đó giúp cho biên lãi ròng (NIM) và chi phí huy động vốn của Techcombank được tối ưu", ông Hưng cho biết.

Theo số liệu được Techcombank công bố, trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã có thêm hơn 760.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng phục vụ lên hơn 8 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân lần lượt đạt 256 triệu giao dịch (tăng 117,2% so với cùng kì năm ngoái) và 3,3 triệu tỉ (tăng 84,4% so với cùng kì năm ngoái).

"HÓA GIẢI" ẢNH HƯỞNG CỦA COVID

Trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm công bố vào tháng 9/2020, Standard & Poor's (S&P) nhận định Techcombank sẽ tiếp tục kinh doanh ổn định trong 12 - 18 tháng tới dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Điều này có được là do ngân hàng tập trung vào phân khúc bán lẻ có lợi suất cao khi hướng tới đối tượng khách hàng thu nhập cao, đồng thời tăng trưởng doanh thu phí sẽ hỗ trợ lợi nhuận ở mức trên trung bình ngành.

"Techcombank là một trong những ngân hàng hoạt động nổi trội trên thị trường trái phiếu, thẻ, tiền mặt, thanh toán và bảo hiểm tại Việt Nam, do đó tạo ra thu nhập phí khá lớn. Chúng tôi kỳ vọng thu nhập từ phí sẽ đóng góp khoảng 20% vào doanh thu ngân hàng, mức tương đối cao so với các nhà băng khác", S&P nhận định.

Thực tế, chiến lược đa dạng hóa nguồn thu đã được Techcombank theo đuổi trong nhiều năm nay khi luôn là một trong những nhà băng có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi lớn nhất hệ thống (31%, so với mức khoảng 25% của trung bình ngành - theo báo cáo tài chính quý 3 của 29 ngân hàng).

Nói về lý do Techcombank có thể duy trì tình hình kinh doanh ổn định trong 9 tháng đầu năm mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều thách thức, Phó tổng giám đốc thường trực Phùng Quang Hưng cho rằng, kết quả của ngày hôm nay hay của năm nay thực sự bắt đầu bằng nỗ lực của nhiều năm trước.

Theo ông Phùng Quang Hưng, thành quả này đến từ việc am hiểu khách hàng, hiểu đặc thù của từng phân khúc, tái thiết kế mô hình kinh doanh. Qua đó, đưa ra những giải pháp, sản phẩm phù hợp với từng phân khúc.

"Những thành tựu đó đến từ quyết định miễn phí toàn bộ các giao dịch trên các kênh điện tử giúp khách hàng yên tâm giao dịch trên nền tảng ngân hàng số của chúng tôi; hay việc dịch chuyển tài sản sang những tài sản có giá trị cao, có chất lượng cao; tối ưu hóa nguồn huy động, chi phí vốn để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới", Phó Tổng giám đốc Techcombank chia sẻ.

Về kế hoạch của Techcombank trong 3 đến 5 năm tới, ông Hưng cho biết, Techcombank sẽ tiếp tục với những gì ngân hàng đã lựa chọn. Điều này có nghĩa những phân khúc chiến lược sẽ được Techcombank khai thác sâu thông qua đầu tư vào công nghệ, sử dụng năng lực dữ liệu để mở rộng trên các mảng kinh doanh và áp dụng vào những hành trình khách hàng khác nhau.