Mất hàng trăm triệu đồng từ chiêu lừa cập nhật thông tin trên VssID
Tình trạng giả danh người của cơ quan Bảo hiểm xã hội để hỗ trợ giải quyết các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm lừa đảo người lao động tiên tục diễn ra ở nhiều địa phương, dù đã được cảnh báo nhiều lần...
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Yên cho biết đơn vị đang điều tra, truy tìm thủ phạm giả danh nhân viên bảo hiểm xã hội gọi điện thoại cho người dân tại thành phố Tuy Hòa.
CƠ QUAN BẢO HIỂM KHÔNG GỌI ĐIỆN YÊU CẦU CẬP NHẬT THÔNG TIN
Theo đó, đối tượng đã yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền hơn 500 triệu đồng.
Trước đó, anh T.H.M (sinh năm 1988, trú thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa) đến trình báo cơ quan Công an với nội dung: Trưa 30/5/2024, một người đàn ông sử dụng số máy điện thoại di động lạ gọi cho anh tự xưng là nhân viên cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, và đề nghị anh đến Bảo hiểm xã hội huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) cập nhật thông tin. Nếu đến trễ, hệ thống sẽ khóa, và anh M hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Khi biết anh M đang đi làm xa, không thể đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để làm việc trực tiếp, đối tượng đã đề nghị anh kết bạn qua mạng xã hội Zalo, rồi gọi video call để hướng dẫn anh cài đặt ứng dụng VssID tại nhà.
Sau khi anh M làm theo hướng dẫn của đối tượng đã bị đánh cắp thông tin và mật khẩu tài khoản ngân hàng, chiếm quyền điều khiển điện thoại di động rồi rút hơn 500 triệu đồng từ tài khoản của anh.
Vụ việc hiện đang được cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Yên điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Hồi đầu tháng 5/2024, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên cũng tiếp nhận thông tin phản ánh từ người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về việc có người gọi điện thoại tự xưng là cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và đề nghị kết bạn qua tài khoản mạng xã hội Zalo.
Đối tượng đồng thời yêu cầu cung cấp căn cước công dân để đồng bộ với dữ liệu Bảo hiểm xã hội, cũng như hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID thông qua đường link lạ.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên khẳng định việc làm này không đúng với quy trình làm việc, hướng dẫn, liên hệ công việc của cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh. Các đối tượng cố tình lừa đảo người dân, người lao động, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngành.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên đề nghị người dân cảnh giác trước các đối tượng gọi điện thoại và tự xưng là cán bộ ngành để yêu cầu cài đặt ứng dụng VssID. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi có nhu cầu liên hệ giải quyết các vấn đề liên quan đến tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, thì liên hệ trực tiếp với cán bộ Bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi gần nhất.
Trường hợp phát hiện hành vi giả mạo, nghi ngờ lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an, hoặc cơ quan Bảo hiểm xã hội để phối hợp giải quyết.
CẢNH GIÁC KHI THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC VỀ BẢO HIỂM
Tình trạng đối tượng giả mạo cán bộ Bảo hiểm xã hội hỗ trợ cập nhật thông tin trên VssID để lừa đảo người lao động không chỉ xảy ra tại Phú Yên mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác, liên tục trong thời gian qua.
Hồi tháng 5, Bảo hiểm xã hội một số địa phương như TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương, Tây Ninh… cũng phát thông báo đến người lao động về vấn đề này.
Tại TP. HCM, bộ phận Tiếp công dân của Bảo hiểm xã hội TP. Thủ Đức nhận được nhiều phản ánh của người lao động về việc một số đối tượng yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân như số căn cước công dân hoặc địa chỉ email… trên ứng dụng VssID. Đối tượng cũng yêu cầu kết bạn Zalo qua số điện thoại để hướng dẫn điều chỉnh thông tin, nhằm mục đích khai thác thông tin cá nhân người dùng.
Tình trạng này cũng diễn ra với hình thức tương tự tại Bình Dương. Đối tượng đã gọi điện thoại, tự giới thiệu là đang công tác tại Bảo hiểm xã hội huyện trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương. Đồng thời, yêu cầu người dân cập nhật căn cước công dân vào ứng dụng bằng cách vào đường link lạ có đuôi “.govvvn.com” trên thiết bị điện thoại di động và làm theo hướng dẫn.
Do chủ quan, một người dân trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một đã thực hiện các thao tác theo yêu cầu của đối tượng, và đã bị mất gần 100 triệu đồng trong tài khoản.
Trước đó, hồi tháng 4, Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cũng cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo cung cấp dịch vụ cấp lại mật khẩu, chỉnh sửa thông tin ứng dụng VssID để thu phí trái pháp luật…
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh người của cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm lợi dụng, lừa đảo người dân có nhu cầu giải quyết chế độ về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn ở một số địa phương với các hình thức khác nhau.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã gửi các văn bản đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và thông tin rộng rãi tới người dân, người lao động.
Để tránh bị các đối tượng lừa đảo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục khuyến cáo người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần nâng cao cảnh giác hơn nữa. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng...