16:31 17/09/2015

Mắt môi đây xin anh đừng chờ…

PV

Mắt môi đây xin anh đừng chờ… - Ảnh 1
Lười hôn là một cái “bệnh” của chàng, nó làm nàng khổ tâm ghê lắm. Nguyên nhân gây “bệnh” này khá đa dạng. Nhưng dứt khoát không phải là do các nàng, nếu chuyện phòng the vẫn bình thường. Thế mà vì yêu chàng quá, nàng cứ cố tìm ra nhiều lý lẽ để “bênh” chàng. Có lần nàng trách chính mình lãng mạn quá chỉ tự làm khổ mình thôi. Hồi mới yêu đương, lúc nào gặp nhau chàng cũng đòi hôn. Bây giờ chung gối chung chăn rồi, chắc là chàng và nàng có nhiều cách để thể hiện tình cảm của mình hơn, nên “hôn hít” không còn quan trọng nữa! Rồi nàng quay sang… phán xét chuyện hôn.  Hình như nàng… nghiện hôn? Hôn nhau có phải là việc hệ trọng đối với cuộc sống đôi lứa không? Hay chẳng qua nó cứ ám ảnh nàng là do giới văn nghệ sĩ suốt ngày “đánh bóng mạ kền” nó lên, bằng những vần thơ bay bổng, những bài ca mùi mẫn với những cuốn tiểu thuyết diễm tình? Thôi đúng thế thật rồi! Văn thơ gieo những khái niệm về nụ hôn vào trí tưởng tượng của nàng. Xong rồi đến hội họa, sân khấu, cả điện ảnh, thi nhau khiến nàng phải mắt thấy tai nghe cho rõ rằng đã yêu là phải hôn, rằng cứ yêu là phải hôn.  Cuốn Theo Chiều Gió và cái phim dựng từ tiểu thuyết ấy, chúng giúp nàng dễ dàng tưởng tượng cảnh chàng hôn nàng như anh Rhett Butler “khóa môi” chị Scarlett O’Hara. Ông nhạc sĩ Lê Hựu Hà thì viết ra bài hát khiến nàng thỉnh thoảng bỗng lẩm nhẩm “Hãy yêu như chưa yêu lần nào, hãy cho nhau môi hôn ngọt ngào…” từ hồi nàng chưa yêu bao giờ. Mà sáng tác thôi chưa đủ, giới văn nghệ sĩ còn phát biểu vô số lời lẽ tâng bốc nụ hôn thành biểu tượng linh thiêng của tình yêu. Ông Pierre Louÿs, thi hào Pháp, tuyên bố rất đanh thép: “Tình yêu của con người chỉ khác với sự động cỡn ngu xuẩn của thú vật nhờ vào hai việc thần thánh là: âu yếm và hôn”! 

Mắt môi đây xin anh đừng chờ… - Ảnh 2

Như thế, bảo làm sao cái kẻ đang sống trong tình yêu, là nàng, lại không suốt ngày thèm được hôn cơ chứ! Những cái hôn cuồng nhiệt trong lúc ái ân tột đỉnh cũng không làm nàng thấy đủ cho cả ngày dài. Nàng muốn chàng hôn trước khi rời nhà buổi sáng, muốn chàng hôn khi đi làm về buổi chiều, muốn chàng hôn khi nàng đang nấu bếp, muốn chàng hôn khi cùng nàng đưa con đi công viên, muốn chàng hôn khi cả nhà đón giao thừa, muốn chàng hôn khi chúc mừng năm mới... Nàng muốn chàng hôn bất cứ lúc nào khi nàng ở bên cạnh chàng, không cần luôn nồng nàn, hôn chạm môi khẽ khàng thôi cũng được.  
Ôi, vậy là nàng bị dằn vặt lâu nay không phải do cái “bệnh” lười hôn của chàng, mà là do ở nàng! Hình như nàng bị… nghiện hôn. 
Nàng định đổ hết trách nhiệm lên đầu các vị văn nghệ sĩ, họ tiêm nhiễm thứ virus lãng mạn vào đầu óc nàng. Họ khiến cho nàng ra nông nỗi cứ suốt ngày dằn vặt bản thân, rồi còn trách nhầm chàng. Nàng sẽ ngừng đọc văn thơ của họ, ngừng nghe bài hát của họ, ngừng xem tranh ảnh, kịch phim của họ! Điều đó không làm cho chàng hôn nàng nhiều hơn, nhưng nàng hi vọng mình sẽ “cai nghiện” được, sẽ bớt ham muốn những cái hôn của chàng. Những cái hôn của chàng! Không phải ai cũng muốn phiêu lưu Đúng vậy, nàng chỉ thèm nụ hôn của chàng! Nàng luôn phải né tránh những gợi ý, những cái hôn trộm của mấy gã đàn ông ngoài kia. Người quen cũ vừa chia tay bạn gái muốn tìm nơi an ủi, gã ngoại quốc ở một bữa tiệc muốn kiếm tình một đêm, sếp mới của công ty đối tác, anh đồng nghiệp đẹp trai đa tình… Nàng từ chối, nàng né tránh họ, nàng không có hứng thú, dù chàng đi công tác dài ngày hay mọi điều kiện quá thuận lợi để nàng có thể phiêu lưu với những nụ hôn mới lạ, những nụ hôn không để lại dấu vết, chỉ có trời biết, đất biết, hai kẻ hôn nhau biết.  Là bởi nàng đã có chàng, nàng không chỉ muốn chàng hôn trong phòng ngủ, nơi ngoài hai người ra chỉ có trời biết, đất biết, thần tình yêu biết. Nàng muốn chàng hôn trước mặt “bàn dân thiên hạ” để chính con cái của mình, anh em, bạn bè, ai ai cũng thấy hạnh phúc của hai kẻ đang ngụp lặn trong tình yêu. Nàng luôn mong chờ chàng hôn mình như một các thể hiện “chủ quyền”, cách mà chàng xây lên quanh nàng một bức tường tráng lệ để bảo vệ nàng khỏi những ảo tưởng suồng sã của mọi gã đàn ông khác. Nàng khao khát chàng hôn để nàng đáp lại, và chàng sẽ biết rằng không một ai hay điều gì có thể ngăn cản chàng hôn nàng. 

Mắt môi đây xin anh đừng chờ… - Ảnh 3

Các đôi uyên ương quấn quýt bên nhau lâu năm rồi thì có xu hướng lười hôn

Vẫn biết là các đôi uyên ương quấn quýt bên nhau lâu năm rồi thì có xu hướng lười hôn, nhiều cuộc nghiên cứu vòng quanh thế giới bảo thế. Tuy nhiên, theo những bản thống kê, cũng vòng quanh thế giới, những đồi vợ chồng hạnh phúc lâu bền và sống thọ bên nhau thì lại thường hôn nhau nhiều hơn các đôi khác. Phải rồi, nếu nàng thực sự muốn sống bên chàng thật lâu và thật hạnh phúc, tại sao nàng lại phải “cai” hôn cơ chứ!  Trở thành người đàn bà đang yêu Nàng bừng tỉnh sau những dằn vặt ủy mị, nàng bắt đầu đào xới những nghiên cứu chuyên môn về nụ hôn. Các nhà khoa học đã khẳng định điều tốt lành do nụ hôn đem lại. Đó là các chất endorphins do não sản sinh ra khi hai người hôn nhau. Thì ra, một nụ hôn có tác dụng như một lần ái ân tột đỉnh, hay một cuộc tập thể dục giúp cho cơ thể vận động trong khi bộ não tiết ra endorphins. Các chất được coi là “thuốc phiện do cơ thể sinh ra” ấy,  chúng giúp nàng cảm thấy phấn chấn mỗi ngày, giúp nàng giảm bớt stress trong công việc, vượt qua đau đớn khi sinh nở.  Vậy thì, không, nàng sẽ không “cai” hôn đâu! Nàng sẽ vẫn luôn khao khát và thèm muốn nụ hôn. Vì đó là nhu cầu chính đáng của một người phụ nữ. Và nàng sẽ vẫn nghe những bài tình ca, đọc những tiểu thuyết tình cảm, xem những cảnh phim lãng mạn tràn ngập những nụ hôn. Đó là những thứ làm thăng hoa nữ tính của nàng, làm cho nàng trở thành người đàn bà đáng yêu. 

Nàng sẽ tìm ra cách để chàng bớt… lười hôn. Rồi chàng sẽ phải hôn nàng nhiều hơn. Nàng sẽ tìm ra cách. Để chàng yêu nhiều hơn, hôn nhiều hơn.
Nhưng chuyện đó hãy để mai tính. Bây giờ trong lúc đợi chàng cạo râu xong, nàng bật nhạc lên và khe khẽ hát theo: “Mắt môi đây xin anh đừng chờ, chiếc hôn kia mong anh từng giờ… Hãy yêu như chưa yêu lần nào, hãy cho nhau môi hôn ngọt ngào, hãy đưa em về nơi cuối trời...”
Một bài báo trên tờ The New York Times năm 2006 cho biết: “Một nghiên cứu được thực hiện từ thập niên 1980 đã phát hiện rằng, đàn ông hôn vợ trước khi ra khỏi nhà để đi làm thì sống thọ hơn, ít bị tai nạn xe cộ hơn, và có thu nhập cao hơn hẳn những người không hôn vợ như thế.”

Bội Tú