Mâu thuẫn trong mục tiêu “trói” lạm phát?
Việc “trói” lạm phát trong hạn mức tăng trưởng của GDP có lẽ là một việc làm không khoa học
Vấn đề lạm phát "nóng" tại Việt Nam và các giải pháp, chính sách đối phó đang là vấn đề được nhiều độc giả VnEconomy quan tâm. Xung quanh chủ đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết trao đổi với nhiều ý kiến mang tính phản biện của TS. Phan Minh Ngọc.
Theo dõi các nhận định và giải pháp đối phó với lạm phát được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, có thể thấy dường như vấn đề lạm phát đôi khi còn chưa được hiểu đúng.
Trước hết, đó là việc Quốc hội đặt ra chỉ tiêu lạm phát phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Theo hiểu biết có hạn của tác giả bài viết, có lẽ không có một chỉ tiêu kiểu như thế này được đặt ra cho các nền kinh tế trên thế giới.
Bởi có thể giữa lạm phát và tăng trưởng có một mối quan hệ nhất định nào đó (chẳng hạn có nghiên cứu thực chứng cho rằng quan hệ này là phi tuyến tính), nhưng hoàn toàn không có cơ sở cho nhận định lạm phát cần phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP để nền kinh tế có thể tăng trưởng bền vững (thậm chí có người còn cho rằng, “theo kinh nghiệm quốc tế”, lạm phát thấp hơn tăng trưởng GDP 1-2% là được).
Nói cách khác, không thể lấy mức tăng trưởng GDP để làm mốc giới hạn cho lạm phát, vì GDP của Việt Nam không phải luôn chỉ có tăng trưởng quanh quẩn ở mức tương đối cao (7-9%), mà hoàn toàn có thể tụt xuống 4-5% hoặc thấp hơn nữa, như đã từng xảy ra trong quá khứ không xa xôi gì.
Trừ khi có một mục tiêu cụ thể và có cơ sở khoa học hơn cho lạm phát, việc “trói” lạm phát trong hạn mức tăng trưởng của GDP (trong trung và dài hạn) như vậy có lẽ là một việc làm không khoa học và nguy hiểm. Bởi lạm phát ở mức 2-3% sẽ đặt ra những vấn đề hoàn toàn khác với mức 8-9%, đặc biệt khi xét đến bối cảnh tăng trưởng GDP (chẳng hạn như suy thoái, trì trệ, hay tăng trưởng nóng).
Thứ hai, phải chăng kiềm chế lạm phát (giảm đầu tư) sẽ làm giảm tăng trưởng GDP? Câu trả lời của nhiều quan chức và chuyên gia là “đúng!”. Thậm chí, đã có một bài phỏng vấn một quan chức với dòng tít lớn “Không thể đổi tăng trưởng để kiềm chế lạm phát!”.
Nhưng thực chất, mấu chốt là vấn đề chất lượng tăng trưởng. Một nền kinh tế lành mạnh sẽ/cần thiết phải có năng suất tổng yếu tố (TFP) cao. Với TFP (và lao động) không đổi, giảm đầu tư (ví dụ, để kiềm chế lạm phát) thì đương nhiên sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP giảm. Nhưng nếu giảm đầu tư đi đôi với các biện pháp cải thiện TFP thì GDP vẫn có khả năng tăng trưởng cao (đặc biệt khi tăng trưởng TFP đang ở mức rất thấp, nếu có, như ở Việt Nam).
Như vậy, không nhất thiết là giảm đầu tư thì sẽ làm giảm tăng trưởng. Còn làm thế nào để cải thiện TFP thì đã có nhiều bài viết đề cập đến. Do đó, duy trì tăng trưởng cao không phải là cái cớ để buộc dân chúng phải sống chung với lạm phát.
Thứ ba, dường như những chính sách đối phó với lạm phát được nêu trên báo chí gần đây đang nhắm đến những mục tiêu quá rộng lớn và, quan trọng hơn, lại mâu thuẫn với nhau. Những chính sách này có một loạt mục tiêu như giảm bội chi ngân sách, tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ và đẩy mạnh tốc độ giải ngân các dự án đầu tư, thắt chặt tiền tệ, ổn định tỷ giá và lãi suất, giảm thuế nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng cường xuất khẩu...
Thế nhưng, tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ và đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư chắc chắn sẽ dẫn đến mức thâm hụt ngân sách tăng. Cần lưu ý thêm rằng thâm hụt ngân sách là một nguyên nhân quan trọng gây ra lạm phát. Và vì tiền rút về từ lưu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ để rồi lại đổ vào các dự án đầu tư của Chính phủ (tức là đổ vào lưu thông) nên việc phát hành trái phiếu và đẩy mạnh giải ngân sẽ không giúp ích gì cho việc chống lạm phát, nếu không muốn nói là có tác dụng ngược lại. Tăng chi tiêu Chính phủ cũng sẽ góp phần làm tăng nhập siêu.
Bên cạnh đó, thắt chặt chính sách tiền tệ dù bằng các nghiệp vụ thị trường mở hay nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đều dẫn đến kết cục là lãi suất tăng lên, khi nguồn ngoại hối tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh tỷ giá được giữ ổn định.
Ngược lại, nếu muốn giữ ổn định lãi suất trong bối cảnh này thì tỷ giá phải giảm (VND phải được định giá cao lên). Như vậy, trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, khó có thể ổn định đồng thời cả lãi suất lẫn tỷ giá.
Giảm thuế nhập khẩu cũng sẽ góp phần làm tăng nhập siêu vì hàng hóa nước ngoài trở nên rẻ đi tương đối so với hàng trong nước, khuyến khích nhập khẩu và giảm xuất khẩu. Ngoài ra, khi lạm phát của Việt Nam được chấp nhận dễ dãi ở mức gần tương đương với tăng trưởng GDP (tức là khoảng 7-8%) trong khi lạm phát của Mỹ ở mức thấp xa so với con số này, vô hình chung VND đã lên giá quá nhiều so với USD, và mức lên giá này càng mạnh theo thời gian. VND lên giá càng làm tăng thâm hụt cán cân vãng lai. Nói cách khác, ở đây ta cũng thấy rõ mâu thuẫn giữa các mục tiêu đề ra ở trên.
Thứ tư, một số người cho rằng giảm thuế nhập khẩu không có tác dụng giảm lạm phát, vì thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên, còn doanh nghiệp sẽ được lợi vì họ không/hoặc chỉ giảm giá bán “gọi là”, vì cung vẫn không đủ đáp ứng cầu.
Thực ra, những quan điểm này có thể đã không tính đến một tác dụng hết sức quan trọng của việc giảm thuế, đó là sự tăng cường tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, khi họ buộc phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm trước áp lực xâm nhập thị trường của sản phẩm nhập khẩu.
Nếu tình trạng này không xảy ra, thì chỉ bởi đơn giản một điều là mức giảm thuế vẫn chưa đủ để làm các doanh nghiệp trong nước chùn bước trong việc tăng, hoặc giữ nguyên giá bán cao.
Tình trạng đang xảy ra trên thị trường ôtô là một minh chứng. Cắt giảm 10% thuế có thể coi là quá ít ỏi để ôtô ngoại cạnh tranh được với ôtô nội. Cứ giả sử mức cắt giảm này là 50%, chắc chắn tình hình sẽ khác đi nhiều, và Chính phủ chẳng phải nhọc công đi “vận động” các doanh nghiệp ôtô trong nước giảm giá bán.
Cũng từ chuyện này, có thể thấy những biện pháp hành chính kiềm chế lạm phát như kiểm tra chi phí sản xuất của các doanh nghiệp để yêu cầu họ giảm giá bán có thể sẽ không hiệu quả như mong đợi, vì nếu không muốn giảm giá một cách tự nguyện, doanh nghiệp sẽ có nhiều cách phù phép để qua mặt được các đoàn thanh tra.
Và trên hết, nếu doanh nghiệp không giảm giá - cho dù có cơ sở để kết luận rằng chi phí không đến mức đó - thì cũng khó có chế tài hợp pháp nào để buộc doanh nghiệp phải làm vậy. Một thông điệp cũ, nhưng tính thời sự thì vẫn mới: xin hãy dùng các biện pháp mang tính thị trường để điều khiển nền kinh tế vĩ mô.
Theo dõi các nhận định và giải pháp đối phó với lạm phát được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây, có thể thấy dường như vấn đề lạm phát đôi khi còn chưa được hiểu đúng.
Trước hết, đó là việc Quốc hội đặt ra chỉ tiêu lạm phát phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Theo hiểu biết có hạn của tác giả bài viết, có lẽ không có một chỉ tiêu kiểu như thế này được đặt ra cho các nền kinh tế trên thế giới.
Bởi có thể giữa lạm phát và tăng trưởng có một mối quan hệ nhất định nào đó (chẳng hạn có nghiên cứu thực chứng cho rằng quan hệ này là phi tuyến tính), nhưng hoàn toàn không có cơ sở cho nhận định lạm phát cần phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP để nền kinh tế có thể tăng trưởng bền vững (thậm chí có người còn cho rằng, “theo kinh nghiệm quốc tế”, lạm phát thấp hơn tăng trưởng GDP 1-2% là được).
Nói cách khác, không thể lấy mức tăng trưởng GDP để làm mốc giới hạn cho lạm phát, vì GDP của Việt Nam không phải luôn chỉ có tăng trưởng quanh quẩn ở mức tương đối cao (7-9%), mà hoàn toàn có thể tụt xuống 4-5% hoặc thấp hơn nữa, như đã từng xảy ra trong quá khứ không xa xôi gì.
Trừ khi có một mục tiêu cụ thể và có cơ sở khoa học hơn cho lạm phát, việc “trói” lạm phát trong hạn mức tăng trưởng của GDP (trong trung và dài hạn) như vậy có lẽ là một việc làm không khoa học và nguy hiểm. Bởi lạm phát ở mức 2-3% sẽ đặt ra những vấn đề hoàn toàn khác với mức 8-9%, đặc biệt khi xét đến bối cảnh tăng trưởng GDP (chẳng hạn như suy thoái, trì trệ, hay tăng trưởng nóng).
Thứ hai, phải chăng kiềm chế lạm phát (giảm đầu tư) sẽ làm giảm tăng trưởng GDP? Câu trả lời của nhiều quan chức và chuyên gia là “đúng!”. Thậm chí, đã có một bài phỏng vấn một quan chức với dòng tít lớn “Không thể đổi tăng trưởng để kiềm chế lạm phát!”.
Nhưng thực chất, mấu chốt là vấn đề chất lượng tăng trưởng. Một nền kinh tế lành mạnh sẽ/cần thiết phải có năng suất tổng yếu tố (TFP) cao. Với TFP (và lao động) không đổi, giảm đầu tư (ví dụ, để kiềm chế lạm phát) thì đương nhiên sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP giảm. Nhưng nếu giảm đầu tư đi đôi với các biện pháp cải thiện TFP thì GDP vẫn có khả năng tăng trưởng cao (đặc biệt khi tăng trưởng TFP đang ở mức rất thấp, nếu có, như ở Việt Nam).
Như vậy, không nhất thiết là giảm đầu tư thì sẽ làm giảm tăng trưởng. Còn làm thế nào để cải thiện TFP thì đã có nhiều bài viết đề cập đến. Do đó, duy trì tăng trưởng cao không phải là cái cớ để buộc dân chúng phải sống chung với lạm phát.
Thứ ba, dường như những chính sách đối phó với lạm phát được nêu trên báo chí gần đây đang nhắm đến những mục tiêu quá rộng lớn và, quan trọng hơn, lại mâu thuẫn với nhau. Những chính sách này có một loạt mục tiêu như giảm bội chi ngân sách, tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ và đẩy mạnh tốc độ giải ngân các dự án đầu tư, thắt chặt tiền tệ, ổn định tỷ giá và lãi suất, giảm thuế nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng cường xuất khẩu...
Thế nhưng, tăng cường phát hành trái phiếu Chính phủ và đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư chắc chắn sẽ dẫn đến mức thâm hụt ngân sách tăng. Cần lưu ý thêm rằng thâm hụt ngân sách là một nguyên nhân quan trọng gây ra lạm phát. Và vì tiền rút về từ lưu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ để rồi lại đổ vào các dự án đầu tư của Chính phủ (tức là đổ vào lưu thông) nên việc phát hành trái phiếu và đẩy mạnh giải ngân sẽ không giúp ích gì cho việc chống lạm phát, nếu không muốn nói là có tác dụng ngược lại. Tăng chi tiêu Chính phủ cũng sẽ góp phần làm tăng nhập siêu.
Bên cạnh đó, thắt chặt chính sách tiền tệ dù bằng các nghiệp vụ thị trường mở hay nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đều dẫn đến kết cục là lãi suất tăng lên, khi nguồn ngoại hối tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh tỷ giá được giữ ổn định.
Ngược lại, nếu muốn giữ ổn định lãi suất trong bối cảnh này thì tỷ giá phải giảm (VND phải được định giá cao lên). Như vậy, trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, khó có thể ổn định đồng thời cả lãi suất lẫn tỷ giá.
Giảm thuế nhập khẩu cũng sẽ góp phần làm tăng nhập siêu vì hàng hóa nước ngoài trở nên rẻ đi tương đối so với hàng trong nước, khuyến khích nhập khẩu và giảm xuất khẩu. Ngoài ra, khi lạm phát của Việt Nam được chấp nhận dễ dãi ở mức gần tương đương với tăng trưởng GDP (tức là khoảng 7-8%) trong khi lạm phát của Mỹ ở mức thấp xa so với con số này, vô hình chung VND đã lên giá quá nhiều so với USD, và mức lên giá này càng mạnh theo thời gian. VND lên giá càng làm tăng thâm hụt cán cân vãng lai. Nói cách khác, ở đây ta cũng thấy rõ mâu thuẫn giữa các mục tiêu đề ra ở trên.
Thứ tư, một số người cho rằng giảm thuế nhập khẩu không có tác dụng giảm lạm phát, vì thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên, còn doanh nghiệp sẽ được lợi vì họ không/hoặc chỉ giảm giá bán “gọi là”, vì cung vẫn không đủ đáp ứng cầu.
Thực ra, những quan điểm này có thể đã không tính đến một tác dụng hết sức quan trọng của việc giảm thuế, đó là sự tăng cường tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, khi họ buộc phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm trước áp lực xâm nhập thị trường của sản phẩm nhập khẩu.
Nếu tình trạng này không xảy ra, thì chỉ bởi đơn giản một điều là mức giảm thuế vẫn chưa đủ để làm các doanh nghiệp trong nước chùn bước trong việc tăng, hoặc giữ nguyên giá bán cao.
Tình trạng đang xảy ra trên thị trường ôtô là một minh chứng. Cắt giảm 10% thuế có thể coi là quá ít ỏi để ôtô ngoại cạnh tranh được với ôtô nội. Cứ giả sử mức cắt giảm này là 50%, chắc chắn tình hình sẽ khác đi nhiều, và Chính phủ chẳng phải nhọc công đi “vận động” các doanh nghiệp ôtô trong nước giảm giá bán.
Cũng từ chuyện này, có thể thấy những biện pháp hành chính kiềm chế lạm phát như kiểm tra chi phí sản xuất của các doanh nghiệp để yêu cầu họ giảm giá bán có thể sẽ không hiệu quả như mong đợi, vì nếu không muốn giảm giá một cách tự nguyện, doanh nghiệp sẽ có nhiều cách phù phép để qua mặt được các đoàn thanh tra.
Và trên hết, nếu doanh nghiệp không giảm giá - cho dù có cơ sở để kết luận rằng chi phí không đến mức đó - thì cũng khó có chế tài hợp pháp nào để buộc doanh nghiệp phải làm vậy. Một thông điệp cũ, nhưng tính thời sự thì vẫn mới: xin hãy dùng các biện pháp mang tính thị trường để điều khiển nền kinh tế vĩ mô.