11:06 16/02/2017

Mẹ không lo mất sữa bằng những kinh nghiệm này

PV

Mẹ không lo mất sữa bằng những kinh nghiệm này - Ảnh 1

Theo Y học cổ truyền, sữa mẹ từ huyết hóa thành, nhờ động lực của khí mà vận hóa, lưu thông. Do vậy, việc sữa nhiều hay ít liên quan mật thiết đến sự thịnh suy của khí huyết. Cuộc sinh nở khiến khí huyết người phụ nữ bị tổn thương, cơ thể hư nhược nên nguồn sữa bị ảnh hưởng. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục khí huyết của sản phụ. Ngoài chế độ ăn uống, người mẹ cần nghỉ ngơi nhiều, tránh mọi căng thẳng thần kinh và cáu giận, tự tạo cho mình sự thoải mái vì sự căng thẳng tinh thần ảnh hưởng rất xấu tới quá trình tạo sữa. Dưới đây là một số món ăn giúp mẹ tăng sữa:   Đu đủ xanh tươi nấu với chân giò lợn: Quả đu đủ xanh chứa nhiều vitamin A, B, C, D, E... hầm với chân giò lợn (phần từ khuỷu xuống đến móng) cho sản phụ ăn có tác dụng thông sữa. Món ăn này rất tốt cho những sản phụ ít sữa hoặc sữa loãng. Hoặc có thể đổi món bằng quả đu đủ ương nấu với cá chép hoặc cá quả đến khi nhừ, cho sản phụ ăn cũng sẽ giúp tăng lượng sữa.

Mẹ không lo mất sữa bằng những kinh nghiệm này - Ảnh 2

Đương quy 100g, thịt dê 200g (rửa sạch, thái miếng), gừng tươi 5 lát, hành hoa 3 nhánh. Tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa, tới khi thịt dê chín nhừ, thêm gia vị vừa đủ. Ăn thịt, uống nước hầm (chia nhiều bữa). Món này thích hợp với người sau đẻ mất máu nhiều, gầy còm, kém ăn, người lạnh, ít sữa. Người táo bón không nên dùng. Vừng đen 30g (giã nhỏ), gạo tẻ 50 g, nấu cháo. Món này vừa lợi sữa vừa nhuận tràng, thích hợp với những sản phụ sau đẻ huyết hư, táo bón, ít sữa. Lạc nhân 50g, gạo tẻ 100g, đường phèn lượng vừa đủ. Lạc nhân rửa sạch, giã nhỏ, nấu cháo cùng gạo tẻ; khi cháo chín cho thêm đường phèn vừa ăn. Có thể hầm lạc nhân cùng móng giò lợn. Rau khoai lang: Chọn lá khoai lang tươi non, rửa sạch, thái chỉ, xào với thịt lợn nạc ăn. Hoặc có thể luộc rau lang chấm mắm ăn hàng ngày có tác dụng lợi sữa rất tốt.

Mẹ không lo mất sữa bằng những kinh nghiệm này - Ảnh 3

Đậu phộng (lạc) hầm với bí đỏ: Bí đỏ (300g) gọt vỏ, bỏ ruột, cắt khúc dày khoảng 3cm. Đậu phộng ( 300g)  rửa sạch và ngâm khoảng 30 phút, cho vào cùng với khoảng 1 tô nước, hầm cho đậu mềm. Khi đậu mềm thì cho bí đỏ vào hầm chung. Khi bí chín thì cho vào nửa muỗng canh nước mắm, một ít hạt nêm. Tắt bếp và cho thêm một ít hành ngò. Giá xào tôm: Không chỉ tốt sữa cho phụ nữ mới sinh con, món này cũng có thể dùng trước ngày sinh rất tốt vì theo kinh nghiệm của Đông y, sản phụ trước và sau khi sinh sử dụng món ăn làm từ giá sẽ giúp ích cho sự tiết sữa, đón sữa nhanh về. Cách làm : Tôm ( 100g) làm sạch ướp với 1 muỗng cà phê nước mắm, một ít bột nêm, một củ hành băm nhuyễn trong thời gian 15 phút. Phi hành tôm thơm. Xào nhanh giá ( 200g), sau đó bỏ tôm vào trộn đều. Tắt bếp cho thêm chút hành, ngò để tăng thêm sự hấp dẫn của món ăn. Canh mướp chân giò heo: Nguyên liệu: 1 quả mướp (200g), chân giò heo(200g). Cách làm: Chân giò heo cho vào nồi nước hầm, khi sôi thì vớt bọt, cho vào nồi nửa muỗng canh nước mắm, để nhỏ lửa cho đến khi chân giò heo mềm. Cho mướp vào. Nấu thêm khoảng 2 – 3 phút. Sau khi tắt bếp, thêm vào một ít hạt nêm và hành, ngò.

Huyền My