12:03 10/09/2024

Miền Bắc gồng mình trong thiên tai dồn dập

Chương Phượng

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát ra lúc 10 giờ sáng 10/9/2024, thiệt hại do bão số 3, mưa lũ và sạt lở đất sau bão tính đến sáng cùng ngày, đã có 104 người chết, mất tích (65 người chết, 39 người mất tích); 48.337 nhà ở bị hư hỏng….

Thị trấn An Châu, Sơn Động, Bắc Giang chìm trong biển nước
Thị trấn An Châu, Sơn Động, Bắc Giang chìm trong biển nước

Cụ thể về số ngưởi chết tính theo địa phương: Cao Bằng 33 người (17 người chết, 16 người mất tích); Lào Cai 30 người (19 người chết, 11 người mất tích); Yên Bái: 09 người do sạt lở đất (07 người chết, 02 người mất tích); Quảng Ninh 9 người chết (do bão 8 người; lũ cuốn 1 người); Hải Phòng 2 người chết do bão; Hải Dương 1 người; Hà Nội 1 người; Hòa Bình 4 người chết (do sạt lở đất); Lạng Sơn 2 người chết; Bắc Giang 1 người mất tích do lũ cuốn;  Tuyên Quang 2 người mất tích do lũ cuốn;  Hà Giang 1 người chết do lũ cuốn; Lai Châu người chết do sạt lở đất; Phú Thọ 8 người mất tích (sự cố sập cầu Phong Châu). Ngoài ra, có 752 người bị thương.

NÔNG NGHIÊP BỊ THIỆT HẠI 84 NGHÌN HA LÚA, HOA MÀU, CÂY ĂN QUẢ

Trên biển, có 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.

Về nông nghiệp: 48.632 ha lúa bị ngập úng, thiệt hạ, trong đó Hải Phòng 25.780ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 15.563ha; Hưng Yên 12.119ha; Hải Dương 18.500ha; Hà Nam 7.928ha; Lạng Sơn 4.495ha; Bắc Giang 14.933ha; Bắc Ninh 9.830ha; Vĩnh Phúc 8.860ha, Thái Nguyên 3.512, Yên Bái 2.618ha...

Cùng với đó, 26.186 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, trong đó Hải Phòng 2.614ha; Nam Định 509ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 1.205ha; Bắc Ninh 2.321ha; Hải Dương 3.000ha; Hoà Bình 5.914ha, Lạng Sơn 1.393ha.... Có 11.038 ha cây ăn quả bị hư hại: Hải Phòng 2.550ha; Thái Bình 1.385ha, Hưng Yên 1.841ha, Hải Dương 3.000ha,...

Về thuỷ sản và chăn nuôi, 1.577 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (riêng Quảng Ninh 1.000 lồng bè); 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 320.000, Hải Phòng 345.610 gia cầm).

 

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 48.337 nhà ở bị hư hỏng (tập trung Quảng Ninh 20.245, Hải Phòng 13.927, Bắc Ninh 3.450, Lạng Sơn 2.929,...); nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hoàn lưu sau bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, với 26 tỉnh bị ảnh hưởng, gây mưa rất lớn từ 200-400mm (từ ngày 7-10/9). Trong đó, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên mưa từ 400-600mm; một số nơi mưa rất lớn như: Nậm Xây Luông (Lào Cai) 760mm; Pú Dảnh (Sơn La) 625mm; Tân Phượng  (Yên Bái) 632 mm, Yên Đổ (Thái Nguyên) 588mm, Nấm Dẩn (Hà Giang) 672mm, Tĩnh Túc (Cao Bằng) 461mm,...

 Các lực lượng chức năng vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... để cung cấp cho người dân.
 Các lực lượng chức năng vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm... để cung cấp cho người dân.

Mưa lớn sau bão gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất tại Cao Bằng (Nguyên Bình), Lào Cai (Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà), Hoà Bình (Đà Bắc), Yên Bái (Văn Chấn, Lục Yên), Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang,… Lũ trên báo động 3 ở thượng lưu sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Thao (Lào Cai, Yên Bái), sông Thương (Lạng Sơn), sông Gâm (Tuyên Quang),... trong đó lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt lũ lịch sử năm 1971; ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang...

TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHIÊM VIỆC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Hiện nay, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 11/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc.

Dự báo vùng núi và trung du Bắc Bộ ngày 10/9, có mưa 40-80mm, có nơi trên 150mm, riêng Lào Cai, Yên Bái 50-120mm, có nơi trên 250mm. Ngày 11/9, mưa 30-60mm, có nơi trên 120mm. Đồng bằng Bắc Bộ, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An ngày 10/9, mưa 50-120, có nơi trên 300mm; ngày 11/9, mưa 40-90mm, có nơi trên 200mm.

Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với vùng đồng bằng, ven biển, tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Cao Bằng, Lào Cai,…). Triển khai biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, an toàn hạ du hệ thống sông Hồng – Thái Bình.

Các địa phương cần tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Ưu tiên nguồn lực được hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; hỗ trợ, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để đưa học sinh trở lại lớp học. Dọn dẹp, xử lý môi trường đảm bảo ngăn chặn để không phát sinh dịch bệnh sau bão.

Tập trung vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa mầu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão. Tập trung vận hành tiêu úng cho các khu vực đô thị, khu công nghiệp và vùng trũng thấp.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc, cần tập trung sơ tán người dân tại khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.  Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông. Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động nắm bắt, động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, sáng 10/9/2024, lũ trên sông Thao tại Thành phố Lào Cai đang xuống chậm, tại Bảo Hà, Yên Bái đang lên; lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm. Mực nước sáng 10/9: Trên sông Thao tại Yên Bái 35,32m, trên báo động 3 tới 3,32m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 1,1m. Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 6,12m, dưới 0,18 mét so với báo động 3. Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,65m, trên báo động 3 tới 0,35m. Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,53m, trên báo động 3 là 0,23m. Trên sông Lô tại Tuyên Quang 26,02m, trên báo động 3 tới 0,02m…