08:54 27/09/2019

Miếng dán trên da: phòng bệnh theo cách của tương lai

Hoài Phương

Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã thiết kế một miếng dán da có thể theo dõi chuyển động, nhịp tim và nhịp thở mà không cần sử dụng bất kỳ dây, pin hoặc mạch nào.


Thiết bị có tên "mạng cảm biến vùng cơ thể" hoặc "BodyNET" là một tập hợp các cảm biến được nối mạng có thể được sử dụng để theo dõi các tín hiệu sinh lý của con người. TS. Zhenan Bao, Đại học Stanford, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, miếng dán này có thể giúp đo độ căng của da. Sau đó, thiết bị sẽ gửi các thông số này đến một máy thu được gắn vào quần áo của người đó. Dựa trên các thông số này, các nhà nghiên cứu có thể theo dõi nhịp thở và nhịp tim cũng như cử động tay và chân của họ.Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã dán các cảm biến vào cổ tay và bụng của người tham gia để phát hiện mạch và nhịp thở của họ; đặt các cảm biến trên khuỷu tay và đầu gối của người tham gia cho các nhà nghiên cứu biết khi nào người đó di chuyển vì miếng dán giúp phát hiện sự kéo căng và co thắt của da ở các khu vực tương ứng với các cơ bị uốn cong.
Miếng dán trên da: phòng bệnh theo cách của tương lai - Ảnh 1.

Miếng dán BodyNET giúp theo dõi nhịp thở và nhịp tim

Hệ thống sáng tạo này cũng sử dụng công nghệ Bluetooth để gửi các thông số từ máy thu đến điện thoại thông minh hoặc bất kỳ thiết bị không dây nào khác. Các nhà nghiên cứu cho biết, thiết bị có thể ứng dụng theo dõi cho những người có vấn đề về giấc ngủ và bệnh tim...Trong khi đó, một nghiên cứu khác đến từ Đại học Northwestern (Mỹ) thì đã tạo ra một miếng dán theo dõi sức khỏe, dựa trên thực tế là mồ hôi của con người có chứa một số hóa chất quan trọng với các thông tin về sức khỏe.Miếng dán này được làm từ vật liệu mềm dẻo, chỉ to hơn đồng xu một chút và sử dụng 1 lần trong nhiều giờ. Mọi người có thể dán vào cánh tay hay lưng khi tập thể dục. Các đường rãnh siêu nhỏ trên miếng dán sẽ thu thập mồ hôi và đưa chúng tới 4 ngăn chứa để mồ hôi phản ứng với thuốc thử hóa học tạo ra các màu sắc phản ánh mức độ axit, nồng độ clorua, lactate, glucose trong cơ thể con người, từ đó có thể chỉ ra mức độ hydrat hóa và tình trạng mất chất điện giải.Giáo sư John Rogers thuộc  Đại học Northwestern - người dẫn đầu chương trình nghiên cứu "phòng thí nghiệm trên da" cho biết: "Miếng dán được tích hợp thiết bị điện tử có thể kết nối với một ứng dụng điện thoại thông minh, cho phép người dùng theo dõi sức khỏe ngay tại chỗ thay vì chờ đợi kết quả xét nghiệm máu. Trong tương lai, miếng dán này sẽ được sử dụng để chẩn đoán hoặc theo dõi sức khỏe của những người mắc một số bệnh mãn tính".
Miếng dán trên da: phòng bệnh theo cách của tương lai - Ảnh 2.

Miếng dán trên da giúp theo dõi sức khỏe qua mồ hôi

Trước đó, một miếng dán trên da giúp theo dõi huyết áp cũng đã được các nhà khoa học của trường Đại học California San Diego (Mỹ), thử nghiệm thành công. Máy chuyên dùng để theo dõi huyết áp của người bệnh tim, phổi, người đang trong tình trạng nguy kịch hoặc vừa phẫu thuật.
Giáo sư công nghệ nano Sheng Xu, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết miếng dán mỏng được làm bằng silicone dẻo có chứa các linh kiện điện tử, kết nối bằng các dây dẫn dạng xoắn. Cấu trúc này giúp miếng dán mềm dẻo và tạo cảm giác dễ chịu cho da, đồng thời bảo vệ dây dẫn không bị đứt mỗi khi co dãn.Khác với máy đo huyết áp bằng cách bơm căng quấn quanh bắp tay, thiết bị này đo huyết áp tâm động mạch của người bệnh. Huyết áp trung tâm là huyết áp đo được ở giữa lõi của mạch máu, nơi máu được bơm trực tiếp từ tim đi các nơi của cơ thể. "Kết quả phản ánh chính xác tình trạng của người bệnh hơn so với huyết áp ngoại biên và giúp dự đoán nguy cơ bệnh tim hiệu quả," ông Sheng Xu cho biết.
Miếng dán trên da: phòng bệnh theo cách của tương lai - Ảnh 3.

Miếng dán trên da giúp đo huyết áp

Miếng dán mềm mại có khả năng đàn hồi tốt được thử nghiệm dán trên cổ, cẳng tay, cổ tay, chân bệnh nhân. Thử nghiệm cũng tiến hành ở cả hai trạng thái tĩnh và thực hiện các bài tập vận động. Kết quả đo từ miếng dán sít sao với kết quả đo bằng đèn siêu âm truyền thống.Tiến bộ lớn của các nghiên cứu này là kỹ thuật siêu âm đã có thể được thu gọn lại chỉ bằng một miếng dán. Trong tương lai, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải tiến như tích hợp nguồn điện, đơn vị xử lý dữ liệu và các kết nối không dây cần thiết. Tuy nhiên, những miếng dán trên da này đã bước đầu chỉ ra tương lai của quá trình theo dõi và phòng bệnh cho y học hiện đại.