11:58 15/03/2021

Mỗi phút thế giới vứt bỏ khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang

Hoài Phương

Suốt một năm qua, có lẽ bạn đã không ít lần thấy những chiếc khẩu trang y tế bị vứt lại ngay trên vỉa hè, bãi đậu xe hoặc thậm chí trong thang thoát hiểm ở chung cư… Theo một nghiên cứu mới của nhóm bảo tồn Ocean-Asia, kể từ đầu đại dịch CovidD-19 tới giờ, các đại dương của chúng ta đang bị đầu độc bởi hơn 1,56 tỷ chiếc khẩu trang y tế dùng một lần. Ở một số vùng biển như Địa Trung Hải, khẩu trang có thể được tìm thấy nhiều hơn cả sứa.
Gần đây, các nghiên cứu ước tính, chúng ta sử dụng 129 tỷ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tức là 3 triệu chiếc mỗi phút. Hầu hết chúng là khẩu trang dùng một lần được làm từ các sợi vi nhựa.Nhóm các nhà khoa học gồm Tiến sĩ, nhà nghiên cứu chất độc môi trường Elvis Genbo Xu, Đại học Nam Đan Mạch và Giáo sư Kỹ thuật môi trường và dân dụng Zhiyong Jason Ren, Đại học Princeton đã đưa ra cảnh báo: "Với việc ngày càng có nhiều báo cáo về vứt bỏ khẩu trang không đúng chỗ, cần phải nhận ra mối đe dọa môi trường tiềm ẩn này và ngăn chặn nó trở thành vấn nạn tiếp theo về ô nhiễm nhựa".Khẩu trang dùng một lần là các sản phẩm bằng nhựa, không thể phân hủy sinh học dễ dàng nhưng có thể phân mảnh thành các hạt nhựa nhỏ hơn, cụ thể là nhựa vi mô và nhựa nano phổ biến trong các hệ sinh thái. Việc sản xuất một số lượng khổng lồ khẩu trang dùng một lần trong đại dịch đang ở quy mô tương tự như sản xuất chai nhựa với ước tính khoảng 43 tỷ chiếc mỗi tháng. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, khác với chai nhựa vốn đang được tái chế với tỷ lệ khoảng 25%, thế giới hiện không có hướng dẫn chính thức về việc tái chế khẩu trang.
Mỗi phút thế giới vứt bỏ khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang - Ảnh 1.
Andrew Wunderley, một nhà hoạt động môi trường đến từ tổ chức Charleston Waterkeeper cho biết: Sẽ mất tới 450 năm để những chiếc khẩu trang có thể phân hủy. Nếu tính trên tỷ lệ hao hụt khoảng 3% và mỗi chiếc khẩu trang y tế có chứa từ 3-4 gram nhựa polypropylene thì kể từ đầu đại dịch COVID-19 đến giờ, con người đã xả thêm vào đại dương từ 4.680 - 6.240 tấn nhựa.Cuối năm ngoái, các nhà bảo tồn Brazil đã tìm thấy một chiếc khẩu trang bên trong dạ dày của một con chim cánh cụt sau khi xác của nó dạt vào bờ. Một mảnh khẩu trang khác cũng được tìm thấy trong xác cá nóc trôi nổi ngoài khơi bờ biển Miami của Mỹ. Hồi tháng 9, các nhà hoạt động vì môi trường của Pháp còn phát hiện một con cua chết do mắc kẹt bên trong khẩu trang ở một đầm phá nước mặn gần Địa Trung Hải."Khẩu trang và găng tay là hiểm họa đặc biệt đối với sinh vật biển. Khi những loại vật liệu nhựa này phân hủy, chúng tạo thành các hạt nhỏ hơn được gọi là vi nhựa, thứ sau đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và cuối cùng tác động đến toàn bộ hệ sinh thái", nhà khoa học George Leonard từ tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy có trụ sở ở Mỹ cho biết.
Mỗi phút thế giới vứt bỏ khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang - Ảnh 2.
"Mối quan tâm mới hơn và lớn hơn là khẩu trang được làm trực tiếp từ các sợi nhựa siêu nhỏ (độ dày khoảng từ 1 đến 10 micromet). Khi bị phân hủy trong môi trường, khẩu trang có thể giải phóng nhiều hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, dễ dàng và nhanh hơn so với các loại nhựa lớn như túi nilon", các nhà nghiên cứu viết.Họ tiếp tục cảnh báo: "Những tác động như vậy có thể trở nên tồi tệ hơn bởi khẩu trang thế hệ mới làm từ vật liệu nano, sử dụng trực tiếp các sợi nhựa có kích thước nano (với đường kính nhỏ hơn 1 micromet) và nó tạo thêm một nguồn ô nhiễm nhựa nano mới".Do đó, một báo cáo mới đây của Ocean-Asia khuyến khích người dân nên chuyển sang sử dụng khẩu trang vải có thể tái sử dụng nhiều lần thay cho khẩu trang y tế. Ngoài ra, nếu bắt buộc phải sử dụng khẩu trang y tế, giải pháp tốt nhất là xả rác đúng chỗ và cắt quai đeo của khẩu trang để giảm nguy cơ động vật bị mắc kẹt.