Mỗi tháng một lần phải phân loại nợ và trích lập dự phòng
Thay vì 3 tháng như trước đó, kể từ 1/10/2021, các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ và trích lập dự phòng mỗi tháng một lần trong vòng 7 ngày đầu của tháng...
Từ ngày 1/10/2021, Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực.
Theo đó, so với Thông tư 02 đang có hiệu lực, quy định tại thông tư mới đã rút ngắn thời gian tối thiểu các tổ chức tín dụng phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro từ 3 tháng/lần xuống 1 tháng/lần.
"Mỗi tháng một lần, trong vòng 7 ngày đầu tiên của tháng, các tổ chức tín dụng phải căn cứ quy định của thông tư để tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng tính đến ngày cuối cùng của tháng trước liền kề".
Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Đồng thời, tần suất phân loại nợ và trích lập dự phòng được tăng từ “tối thiểu hàng quý” lên “tối thiểu hàng tháng” buộc các tổ chức tín dụng xử lý sự suy giảm chất lượng tín dụng tích cực hơn và sớm hơn.
Cụ thể, Thông tư 11 quy định ít nhất mỗi tháng một lần, trong vòng 7 ngày đầu tiên của tháng, các tổ chức tín dụng phải căn cứ quy định của thông tư để tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng tính đến ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.
Đồng thời, các tổ chức này phải trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Ngoài thời điểm phân loại trên, các ngân hàng được tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.
Về nguyên tắc, thông tư quy định, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. Tổ chức tín dụng phân loại nợ theo 5 nhóm: nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.
Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm, cụ thể đối với nhóm nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%.
Thông tư cũng nêu rõ mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản, cá nhân bị chết, mất tích; các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Ngoài ra, sau thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tô chức tín dụng được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.
Theo các chuyên gia, Thông tư 11 đã đưa ra khung pháp lý chặt chẽ hơn để phân loại nợ và trích lập dự phòng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khiến nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng có khả năng sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2021 cũng như nửa đầu năm tới, chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và năm 2022.