Moody's dự tính "xuống tay" hạ bậc tín dụng với một loạt ngân hàng
Moody's cho biết hành động này liên quan tới việc xem xét hạ tín nhiệm của Việt Nam nên không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng
Ngày 10/09, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho biết họ đang đánh giá lại xếp hạng Ba3 của Việt Nam và cân nhắc hạ mức điểm tín dụng xuống. Đánh giá được đưa ra sau khi tổ chức này nhận được tin tức một vài khoản thanh toán trả nợ của chính phủ đang bị trì hoãn. Moody's dự kiến sẽ hoàn thành đánh giá xếp hạng trong ba tháng tới.
Moody's cho biết, dựa trên thông tin hiện có, chưa có khoản lỗ hoặc mới chỉ có khoản lỗ tối thiểu đối với các chủ nợ. Nhưng hiện tượng này có thể cho thấy hệ thống tài chính Việt Nam không còn phù hợp với xếp hạng Ba3 và cần phải đánh giá lại.
Sau thông tin trên, Moody's tiếp tục ra thông báo về việc đưa 17 ngân hàng Việt Nam vào diện xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm trong kỳ tới.
Moody's cho biết hành động này liên quan tới việc xem xét hạ tín nhiệm của Việt Nam nên không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.
17 ngân hàng được nêu tên bao gồm: ABBank, ACB, HDbank, Vietcombank, BIDV, Lienvietpostbank, MB, NamA Bank, OCB, SHB, TPBank, Agribank, VIB, Vietinbank, MSB, VPBank và Techcombank. Trong khi đó, xếp hạng, đánh giá và triển vọng của Sacombank không bị ảnh hưởng.
17 ngân hàng bị ảnh hưởng nằm trong danh sách hạ bậc tín nhiệm của Moody's
Liên quan tới thông tin này, phân tích của Công ty Chứng khoán Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, với dự trữ ngoại hối lớn và các yêu cầu tài chính ở mức thấp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, bản đánh giá sắp tới sẽ kiểm tra xem liệu những điểm yếu về thể chế tài chính của Việt Nam có dẫn tới khả năng các khoản thanh toán tương lai có bị trì hoãn hoặc bỏ lỡ.
Trong thời gian xem xét, Moody's sẽ làm rõ thêm về hiệu quả của các biện pháp và quy trình mà chính phủ Việt Nam đã đưa ra để đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời tất cả các nghĩa vụ.
Do hạng tín dụng của Việt Nam đang bị đánh giá lại, một số ngân hàng đứng đầu cũng có thể bị giảm hạng tín dụng khi Moody's chỉ cho phép mức điểm tín dụng cao nhất của ngân hàng trong một quốc gia ngang bằng với hạng mức tín dụng của quốc gia đó.
"Hơn nữa, việc điểm tín dụng bị suy giảm sẽ khiến mức lãi suất của các nhóm trái phiếu hay các khoản CDS (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng) tăng mạnh lại do nhà đầu tư ngoài nước sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn với các khoản nợ vay rủi ro.
Điều này có thể sẽ gây tác động tiêu cực với các nhóm doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan chính phủ đã và đang phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư ngoài nước. Đặc biệt là trong công đoạn quản lý dòng tiền của hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính và các dự án trọng điểm", BSC đánh giá.
Trong 3 tháng tới, Việt Nam có thể sẽ làm việc chặt chẽ với Moody's để đảm bảo hạng tín nhiệm Ba3 của mình.
Liên quan đến thông tin Moody's đang xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, Bộ Tài chính khẳng định việc Moody's đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp.
"Bộ Tài chính cho rằng Moody's chỉ trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô là chưa thực sự thuyết phục và việc Moody's đưa ra thông tin báo chí trong khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế", thông cáo của Bộ Tài chính nhấn mạnh.