Mua, bán tài sản công: Tài sản thuộc cấp nào, cấp đó toàn quyền xử lý
Tài sản công cấp địa phương sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mua sắm, thuê, điều chuyển, thanh lý hay bán
Theo quy định hiện hành, tài sản công sẽ được phân định thành hai loại, tài sản công cấp Trung ương và tài sản công cấp địa phương, đồng thời quản lý theo hướng, tài sản thuộc cấp nào thì cấp đó sẽ quyết định các công việc liên quan.
Chỉ tài sản dưới 10 triệu đồng mới được bán chỉ định
Như VnEconomy đã đưa tin, Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là đã phân cấp thẩm quyền việc xử lý quản lý tài sản công một cách rõ ràng, tách bạch hơn.
Theo đó, tài sản công hiện nay được phân chia thành tài sản công cấp Trung ương và tài sản công cấp địa phương. Đồng thời, quy định quản lý theo hướng, tài sản thuộc cấp nào thì cấp đó sẽ quyết định các công việc liên quan.
Cụ thể, ở cấp Trung ương, chỉ có Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương mới có quyền quyết định mua sắm, thuê, điều chuyển, thanh lý, bán đối với tài sản công. Tức là chỉ có một cấp là có thẩm quyền.
Còn ở địa phương, chỉ có Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền quyết định những việc liên quan đến tài sản công theo quy định.
"Mặc dù Bộ Tài chính đã có văn bản để triển khai, tuy nhiên nếu các đơn vị không nắm được quy định này thì rất dễ dẫn đến các quyết định liên quan đến xử lý tài sản công, thuê, mua tài sản công không đúng thẩm quyền", ông Thịnh nhấn mạnh.
Điểm mới thứ hai của Luật Quản lý tài sản công là quy định chi tiết về việc bán đấu giá, niêm yết và bán chỉ định tài sản công.
Theo đó, lãnh đạo Cục Quản lý công sản cho biết, đối việc đấu giá, xử lý tài sản công, không chỉ tuân thủ luật xử lý tài sản công mà còn có nhiều hệ thống pháp luật khác để bổ trợ.
Ví dụ như tài sản đầu vào thì có Luật Đấu thầu, quá trình cho thuê, bán, chuyển nhượng tài sản thì có quy định định giá theo pháp luật. Khi tổ chức bán đấu giá thì phải tuân thủ quy định về bán đấu giá tài sản.
"Theo Nghị định 51, các loại tài sản công khi bán đều được đấu giá, chỉ trừ những tài sản có giá trị nhỏ thì được bán theo hình thức niêm yết giá hoặc bán chỉ định. Niêm yết giá là vẫn công khai như đấu giá, còn bán chỉ định chỉ áp dụng đối với tài sản dưới 10 triệu đồng.
Xử lý tài sản trong Luật Quản lý tài sản công quy định, khi bán đấu giá, bán niêm yết công khai tài sản công thì phải đăng tải trên trang thông tin điện tử về tài sản công", ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết.
Bất kể nhà đất của Trung ương hay địa phương đều phải qua thẩm định
Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là có một số trường hợp bán, chuyển nhượng đất công có giá trị nhưng không thông qua đấu giá mà bán chỉ định thẳng cho doanh nghiệp.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, các vụ việc cụ thể mà báo chí nêu thời gian qua đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan chức năng khi có kết quả sẽ thông tin trên phương tiện truyền thông theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ là đơn vị đang quản lý các cơ quan hành chính sự nghiệp, ông Tân nhấn mạnh, Bộ Tài chính chỉ trao đổi một số nguyên tắc trong việc xử lý tài sản công như nhà đất như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định 14 ngày 16/3/1998 và các quy định khác như Nghị định 137 năm 2006, Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và Luật Quản lý tài sản công, bao giờ cũng phân định tài sản công cấp trung ương và địa phương, và quản lý theo hướng tài sản thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó sẽ quyết định các công việc liên quan.
Thứ hai, từ trước đến nay, tài sản công khi thực hiện bán, chuyển nhượng đều thông qua đấu giá, việc chuyển nhượng bằng hình thức chỉ định chỉ xảy ra trong một số trường hợp. Tuy nhiên về cơ bản, các trường hợp này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thứ ba, theo quy định của pháp luật về tài sản công, đối với nhà đất khi thực hiện bán, dù là bán đấu giá hay bán chỉ định đều xác định sát với giá thị trường, thông qua việc thuê tổ chức thẩm định giá hoặc xác định thông qua hội đồng, các cơ quan thẩm định. Sau đó, trình UBND cấp tỉnh nơi có cơ sở nhà đất quyết định, bất kể là nhà đất của cơ quan Trung ương hay địa phương thì đều phải thông qua quy trình, nguyên tắc xác định giá là như vậy, ông Thịnh cho biết.