Mục tiêu bình thường, nỗ lực phi thường
Đã là "thủ đô", thì "thủ" là đứng đầu, lĩnh vực nào Hà Nội cũng cần phải đứng đầu, đi đầu...
Có những mục tiêu mới nhìn tưởng bình thường. Chẳng hạn như đến năm 2025, Hà Nội không còn người nghèo khi mà ngay lúc này, nhiều nơi ở Hà Nội đã không còn người nghèo. Thế nhưng, theo khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, nếu không nỗ lực phi thường thì khó đạt được thực chất.
Hà Nội đã có rất nhiều danh xưng như "linh thiêng và hào hoa", "niềm tin và hy vọng", "lương tri và phẩm giá", "Thủ đô anh hùng"... Mỗi khi nghĩ đến những tên gọi này, có điều gì làm cho ông trăn trở?
Nhắc đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần". Khi nói về Đảng bộ Hà Nội, Bác nói rất ngắn gọn: "Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác".
Thấm nhuần lời dạy của Người, thành tố "gương mẫu" luôn được Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh trong mọi hoạt động, đặc biệt là đã xác định trong chủ đề của Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố: "Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại". Chỉ hai từ "gương mẫu", nhưng đó đã và sẽ luôn là thách thức rất lớn đối với Đảng bộ thành phố. Dù đã được đón nhận nhiều danh xưng, nhưng chừng nào nhắc đến Hà Nội mà dư luận còn phải nhắc đến "Hà Nội không vội được đâu", thì chừng đó, Hà Nội còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Đó chính là điều luôn làm tôi trăn trở.
Trong hành trình cố gắng "gương mẫu", theo ông, Hà Nội ưu tiên gương mẫu nhất ở lĩnh vực nào?
Đã là "thủ đô", thì "thủ" là đứng đầu, lĩnh vực nào Hà Nội cũng cần phải đứng đầu, đi đầu. Nhưng một trong những lĩnh vực mà Thành ủy Hà Nội suy tư nhiều nhất, muốn phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất đó là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về tinh thần, vật chất, sức khoẻ, môi trường. Đến năm 2025 sẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố giảm được hơn 70.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội giảm từ 3,64% vào năm 2016, xuống còn 0,3% vào cuối năm 2020, trong khi mục tiêu là 1,2%. Hà Nội có 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo, riêng quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng không còn cả hộ cận nghèo. Đến nay, Thủ đô không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, nâng cao mức sống chung của người dân, cùng với đó là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để củng cố môi trường bình đẳng cho các thành phần kinh tế, để mỗi cá nhân có cơ hội phát triển bứt phá, tạo sự lan tỏa và góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu chung của thành phố. Đảng bộ Hà Nội mong muốn phải đi đầu trong những công việc này, để Thủ đô là nơi đáng sống, là niềm tự hào của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
Với kết quả giảm nghèo của Hà Nội như vậy, thưa ông, có lẽ cũng không cần phải quá suy tư?
Nhìn vào kết quả thực hiện thì tưởng như mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Hà Nội không còn hộ nghèo, tái nghèo là bình thường. Nhưng chắc chắn rằng nếu không có nỗ lực phi thường, thì sẽ không thực hiện được một cách thực chất. Bởi một số nơi như Ba Vì có 98% đồng bào dân tộc Dao cư trú, tỷ lệ giảm nghèo tuy nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững, hiện còn tới 32,42% hộ cận nghèo. Huyện Ứng Hòa chỉ còn 45 hộ nghèo, nhưng vẫn còn hàng nghìn hộ cận nghèo, dễ rơi vào cảnh tái nghèo.
Cùng với đó, mức chênh lệch giàu nghèo ở Hà Nội rất đáng phải suy nghĩ. Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa người dân ở nông thôn (55 triệu đ/người/năm) với mức thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố (khoảng 120 triệu đ/người/năm), là khoảng cách rất lớn. Nếu cho rằng, chỉ còn ít hộ nghèo, cận nghèo thì không tính, không cần phải cố gắng quá, vì không có kết quả nào có thể đạt được tuyệt đối, như vậy là không đúng. Đảng, Nhà nước đã cam kết với toàn dân, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình phát triển. Hà Nội phải là địa phương đi đầu, không để cam kết này chỉ là khẩu hiệu. Muốn vậy, cần có sự cố gắng liên tục và không ngừng nghỉ. Như chúng ta cũng biết, chỉ cần một trận bão đi qua là nghèo khó lập tức quay trở lại với nhiều người dân.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành riêng một Chương trình số 08 về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025". Các chính sách hỗ trợ của người nghèo ở Hà Nội đều được áp dụng ở mức rất cao so với yêu cầu của Trung ương. Trong đại dịch Covid-19, thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho người nghèo. Mục tiêu ban đầu mà Hà Nội đề ra cho GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt mức từ 8.100 USD đến 8.300 USD/người/năm trong các Dự thảo Báo cáo chính trị, đến khi chính thức chốt lại thì điều chỉnh lên mức cao hơn, từ 8.300 USD đến 8.500 USD/người/năm vào năm 2025. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ thành phố nhằm nâng cao đời sống nhân dân, coi đây là đích đến quan trọng hàng đầu của mọi chủ trương, quyết sách.
Trong năm khốn khó vì Covid- 19, tăng trưởng nông nghiệp của Hà Nội vẫn đạt kết quả phi thường: quý I/2020 nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, đến cuối năm tăng tới 4,2%. Song, theo ông lĩnh vực này còn những khó khăn gì?
Mặc dù Hà Nội là đô thị đặc biệt, là thủ đô, nhưng nông nghiệp, nông thôn và nông dân có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của thủ đô. Hiện nay, trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, có 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận vẫn còn sản xuất nông nghiệp. Số xã của thành phố cũng nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước (383 xã/579 xã, phường, thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa cũng mới đạt xấp xỉ 50%. Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hà Nội đã rất chú trọng chỉ đạo về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặc biệt là qua Chương trình số 02/TU. Năm 2020 nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 4,2%, mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Giá trị ngành nông nghiệp đạt 46.000 tỷ đồng, cao hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2019. Không chỉ nông nghiệp, nhiều lĩnh vực cũng đạt kết quả nổi trội đưa kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng 3,98%, gấp khoảng 1,4 lần mức chung của cả nước.
Nhiều địa phương hướng về Hà Nội để tìm câu trả lời: vì sao trong hoàn cảnh "thời chiến" vì Covid-19 mà Thủ đô vẫn giữ được "phong độ" như vậy? Ông có thể lý giải nguyên nhân?
Bản thân chúng tôi cũng thường đặt ra các câu hỏi, vì sao trong điều kiện khó khăn đặc biệt của năm 2020 nhưng quốc phòng - an ninh, an sinh, phúc lợi xã hội vẫn được bảo đảm? Vì sao trong bối cảnh phải tập trung xử lý khối lượng công việc phát sinh rất lớn nhưng năm qua, thành phố vẫn giải quyết được những vấn đề dân sinh bức xúc kéo dài nhiều năm, như hoàn thành xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động; giải quyết hiệu quả và có những chuyển biến bước đầu trong công tác xử lý rác thải trên địa bàn thành phố...?
Tôi cho rằng là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành; truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng bộ; sự quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của Thủ đô. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang Thủ đô và của cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành; sự liên kết chặt chẽ, tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước. Đây chính là bài học mà Hà Nội trân quý, giữ gìn để tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo.