09:29 28/09/2007

“Muốn phát triển toàn cầu, hãy đến Việt Nam”

Nguyên Thành

Hỏi chuyện ông Andrew Cahn, Tổng giám đốc Cơ quan Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh (UK Trade & Investment)

"Điều mà chúng ta chưa có, đó là sự hiện diện của các công ty vừa và nhỏ của Anh."
"Điều mà chúng ta chưa có, đó là sự hiện diện của các công ty vừa và nhỏ của Anh."
Trong các ngày từ 26 đến 28/9, ông Andrew Cahn, Tổng giám đốc Cơ quan thương mại và đầu tư Vương quốc Anh (UK Trade & Investment) đã có chuyến thăm và làm việc tại Tp.HCM và Hà Nội.

Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Andrew Cahn, Tổng giám đốc UK Trade & Investment.

Xin ông giới thiệu sơ nét về UK Trade & Investment và cho biết về mục tiêu chuyến thăm Việt Nam lần này?

UK Trade & Investment là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp Anh có nhu cầu phát triển kinh doanh ra nước ngoài, và hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài vào Anh. Việc hỗ trợ được tiến hành theo nhu cầu cụ thể của trong doanh nghiệp nhằm tối đa hoá khả năng thành công của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Tôi đến Việt Nam lần này với hai mục tiêu. Thứ nhất là đại diện cho Vương quốc Anh dự cuộc họp của Uỷ ban hỗn hợp kinh tế và thương mại Việt-Anh (JETCO) diễn ra ngày 28/9 tại Hà Nội. Mục tiêu của cuộc họp này là đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh. Đặc biệt là tìm hiểu và xác định các rào cản để có biện pháp tháo gỡ nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư trong thời gian tới.

Mục tiêu thứ hai là gặp gỡ với nhóm cộng sự của chúng tôi đang làm việc tại Tp.HCM và Hà Nội, khuyến khích họ. Bên cạnh đó tôi cũng muốn tự tìm hiểu thêm về các cơ hội mới về thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Trên thế giới chúng tôi đã xác định được 16 thị trường tiềm năng nhất (như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Nga...) mà chúng tôi gọi là các thị trường có mức tăng trưởng cao trong đó, chúng tôi xác định Việt Nam là một thị trường ưu tiên vì chúng tôi tin tưởng tiềm năng về thương mại và đầu tư của Việt Nam rất lớn, và khi đã xác định Việt Nam như thế tôi muốn tự tôi đến thông báo với các cộng sự của tôi.

Ông nhận định thế nào về quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Anh quốc thời gian qua? Theo ông, những rào cản nào cần được tháo gỡ?

Theo tôi, cho đến nay quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Anh quốc tiến triển rất tốt đẹp nhưng chưa tương xứng với tiềm năng thực thụ. Tôi đã có dịp gặp các công ty lớn và quan trọng của Anh quốc đang làm ăn tại Việt Nam như Prudential, HSBC... họ đã có mặt tại đây từ nhiều năm qua và hoạt động có hiệu quả. Điều mà chúng ta chưa có, đó là sự hiện diện của các công ty vừa và nhỏ của Anh.

Tôi nhận thấy còn nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực hợp tác này. Sự có mặt của các công ty lớn chỉ là giai đoạn đầu, và chúng ta cần phát triển và mở rộng ra các công ty vừa và nhỏ. Chúng ta cần đảm bảo thương mại phát triển đồng đều ở cả hai phía. Cán cân thương mại và xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh không ngừng tăng, nghiêng về Việt Nam.

Nói về rào cản, hiện tại các công ty vừa và nhỏ của Anh chưa có mặt tại Việt Nam vì họ rất thiếu thông tin về Việt Nam, họ vẫn còn khái niệm Việt Nam là một thị trường rất khó tiếp cận, bất đồng ngôn ngữ, quan liêu... Việt Nam thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng. Điều này cũng thường xảy ra tại các nước châu Á đang phát triển. Và đây cũng là một rào cản, vì các công ty chỉ e không tuyển được nhân viên làm việc.

Lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực mà Anh có nhiều thế mạnh, và chúng tôi sẽ vận động để các trường đại học Anh sang Việt Nam. Nhiệm vụ của UK Trade & Investment là cung cấp thông tin, tiếp thị về Việt Nam cho các công ty có mối quan tâm nhưng vẫn còn e ngại đến Việt Nam.

Tại Việt Nam, các lĩnh vực nào được các công ty Anh đặc biệt quan tâm đầu tư, và thông điệp mà ông sẽ gửi cho các doanh nghiệp Anh khi trở về là gì, thưa ông?

Lĩnh vực mà các công ty Anh có thế mạnh cũng như muốn tham gia đầu tư tại Việt Nam gồm: tài chính, ngân hàng, dược phẩm, xây dựng cảng, dịch vụ, môi trường, dầu khí, điện năng, xử lý nước, dẫn nước sạch.

Thông điệp tôi sẽ gửi đến các doanh nghiệp còn e ngại đến Việt Nam: muốn phát triển toàn cầu, hãy đến làm ăn tại Việt Nam. Tiềm năng rất lớn và cơ hội rất nhiều.