09:11 21/08/2013

Muốn tìm tham nhũng, phải hỏi địa phương

Nguyễn Lê

Đại biểu chất vấn có tham nhũng trong cấp phép khai thác khoáng sản không, Bộ trưởng trả lời phải hỏi địa phương mới biết được

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Có tới quá nửa trong số hơn 900 giấy phép được cấp là có vi phạm (Ảnh: Thanh Niên)</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Có tới quá nửa trong số hơn 900 giấy phép được cấp là có vi phạm (Ảnh: Thanh Niên)</span>
Đại biểu chất vấn có tham nhũng trong cấp phép khai thác khoáng sản không, Bộ trưởng trả lời phải hỏi địa phương mới biết được.

Sau Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, chiều 20/8 Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan tới sai phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản, sự chậm trễ trong tiến độ cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, rất nhiều con số đã được thể hiện tại báo cáo của Bộ, song nhiều vị đại biểu vẫn liên tục truy Bộ trưởng khi địa chỉ trách nhiệm còn khá mơ hồ.

Quá nửa số giấy phép có vi phạm

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út dẫn con số từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực đến nay, các địa phương cấp 957 giấy phép thăm dò, khai thác nhưng trong đó có quá nửa vi phạm và đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, nội dung vi phạm và cụ thể từng tỉnh có sai phạm.

Ông cũng muốn biết, với chức năng bộ quản lý chuyên ngành Bộ trưởng có xử lý và kiến nghị Chính phủ xử lý cá nhân và tổ chức đã cấp phép khoáng sản vi phạm pháp luật hay không.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay đã báo cáo tình trạng này tại phiên họp Chính phủ, Chính phủ đã có yêu cầu chấn chỉnh, thu hồi đối với những giấy phép cấp không đúng quy định.

Nhấn mạnh là một số tỉnh vi phạm tương đối nặng, Bộ trưởng cho hay đã đề nghị 9 tỉnh thu hồi các giấy phép được cấp không đúng quy định và 10 tỉnh xem xét, bổ sung điều chỉnh quy hoạch các khu vực hoạt động khoáng sản đã cấp phép. Đề nghị 11 tỉnh tạm đình chỉ khai thác đối với các giấy phép đã cấp tại các khu vực chưa có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản.

Thủ tướng yêu cầu đến ngày 30/11/2013, chủ tịch UBND các tỉnh phải báo cáo kết quả xử lý,  ông Quang nói.

Điều hành phiên chất vấn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ hơn về địa chỉ trách nhiệm trong việc cấp giấy phép sai.

Chủ yếu các địa phương cấp sai, có địa phương cố tình làm trái, Bộ trưởng đáp.

Nhắc nhở trách nhiệm quản lý nhà nước nhưng không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm của Bộ, Phó chủ tịch đề nghị Bộ trưởng cung cấp danh sách các địa phương sai phạm cho đại biểu Danh Út để đại biểu giám sát.

Vẫn liên quan tác động tiêu cực của khai thác khoáng sản tràn lan, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu khai thác khoáng sản khiến nhân dân bức xúc và đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần chất vấn xong gần như đâu cũng lại vào đấy, vậy hướng xử lý của Bộ trưởng tới đây như thế nào?

Với việc cấp phép sai, đại biểu Hoàng đặt câu hỏi có thể xử lý công khai có hay không tiêu cực tham nhũng trong vấn đề này?

Việc này phải hỏi các đồng chí địa phương mới biết được, việc cấp phép của các địa phương đó là trách nhiệm của các địa phương, tôi không thể nói trả lời là có hay không được, Bộ trưởng đáp.

Luôn nhấn mạnh trách nhiệm của các địa phương trong khai thác khoáng sản, đặc biệt trước sự hăng hái của nhiều tỉnh với việc đề nghị cấp phép các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường cũng mong muốn “các tỉnh hết sức kiềm chế, càng đào bới bao nhiêu càng thiệt hại bấy nhiêu”.

Vừa qua việc khai thác tài nguyên không kiểm soát được, bây giờ cần kiểm soát, đề nghị các tỉnh hết sức hạn chế cấp phép, xem xét chúng ta được gì, nhà đầu tư được cái gì, dân được cái gì, cần nghĩ đến thế hệ mai sau nữa, ông Quang nói.

Chung nỗi lo với các đại biểu, Chủ  tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột: “Cấp phép thế này thì chết rồi. Hơn 900 giấy phép mà quá nửa là vi phạm, tham nhũng cũng ở đây. Vậy thanh tra ở đâu, kiểm tra, giám sát ở đâu? Sai phạm như thế mà chưa xử lý được ai. Tôi tin là có tham nhũng, anh Quang nói phải hỏi địa phương mới biết là có vấn đề đấy”.

Doanh nghiệp "tay không bắt giặc"

Việc thực hiện yêu cầu của Quốc hội, đến ngày 31/12/2013 phải căn bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp được cấp lần đầu cũng nằm trong nỗi lo của các đại biểu.

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đã hứa đến hết năm 2013 sẽ cấp được khoảng 85% giấy chứng nhận lần đầu cho người sử dụng.

Theo Bộ trưởng, đến nay vẫn có 18 địa phương triển khai chậm ở các địa bàn thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên đất đai rộng lớn, việc đo vẽ bản đồ địa chính rất khó khăn, trong khi các tỉnh này hầu như không có nguồn thu từ đất.

Ông Quang cũng nêu rõ quan điểm cần sòng phẳng, bởi nếu chậm thì Bộ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng việc cấp giấy thì diễn ra ở địa phương. Nên nếu Bộ thiếu tích cực thì bộ trưởng sẽ bị Thủ tướng phê bình, cảnh cáo, còn tỉnh nào thiếu tích cực thì chủ tịch tỉnh đó phải bị kỷ luật. Nếu địa phương chậm thì chúng tôi cũng không có cách nào cả, Bộ trưởng “than thở”.

Cho rằng việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu do vướng mắc về thu tiền sử dụng đất, đại biểu Trương Văn Vở dẫn chứng, tại tỉnh Đồng Nai, không ít diện tích đất của người dân đã sử dụng ổn định từ năm 1993 trở về trước, có giấy tờ hợp lệ do quân đội chứng nhận, nhưng vẫn bị thu tiền khi cấp giấy chứng nhận. Việc này trái với quy định của Luật Đất đai nên người dân phản ứng rất gay gắt.

Đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị cần phải quyết liệt hơn, phải công khai danh tính những địa phương không quyết liệt trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng xin phép “không nêu cụ thể ở đây ông nào chưa quyết liệt, địa phương nào chưa quyết liệt” mà đến 31/12/2013 sẽ công khai.

Bây giờ thẩm quyền chúng tôi không thể xử lý được. Thủ tướng có thể phê bình hoặc cảnh cáo Bộ trưởng chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận nếu như thấy rằng trách nhiệm của mình không đến nơi, đên chốn. Giải pháp có lẽ là chờ đến 31/12, bây giờ Chính phủ muốn phê bình tỉnh nào sau này chúng tôi sẽ kiểm tra báo cáo, xin báo cáo lại Quốc hội sau, Bộ trưởng hứa.

Cũng liên quan đến đất đai, đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) cho rằng giá đất đền bù còn nhiều bất cập, giá chỉ bằng 30-60% giá thị trường dẫn tới khiếu kiện, bức xúc trong dân.

Thừa nhận đây là vấn đề nan giải, song Bộ trưởng cũng thưa rằng, đó là định giá trong điều kiện bình thường, còn vừa rồi giá chạy theo bất động sản. Doanh nghiệp "tay không bắt giặc", một số doanh nghiệp dựa vào vốn nhà nước, vay mua đất, xây nhà rồi không bán được. Giá này là giá đầu cơ không bình thường.

Theo dự báo của Bộ trưởng thì sắp tới giá đất sẽ ổn định, sẽ không bốc lên nữa mà theo xu hướng đi xuống.