Mường Lay, vùng đất đậm sắc màu huyền sử
Những ai một vài lần đi Tây Bắc không khỏi ngậm ngùi khi nhắc tới Mường Lay. Thị xã nhỏ như lòng bàn tay, bàng bạc cô liêu nép mình bên sườn núi ngã ba sông Đà.

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Điện Biên, nối với tỉnh Lai Châu, nơi đây từng chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Trước đây, Mường Lay được biết đến là tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu cũ, một thị xã có diện tích nhỏ nhất nước (chưa đầy 12 nghìn hecta), gồm 2 phường và 1 xã. Trung tâm thị xã nằm trong một thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt của các con sông: Sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.






Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, bạn có thể ghé qua đất Lai Châu để thăm và tìm hiểu về dinh thự Đèo Văn Long, thăm mô hình nuôi cá lồng của người dân bản địa. Đặc biệt nơi đây cũng luôn hấp dẫn đối với những người thích khám phá và ưa mạo hiểm với các hoạt động như câu cá trên sông Đà, leo núi khám phá Hang bản Bắc hay đi bộ xuyên rừng tới thăm các bản làng xa xa nằm ẩn mình bên vách núi...Ngoài nhà sàn, Mường Lay còn nổi tiếng bởi những cây cầu. Trong đấy có Hang Tôm, từng là "Đông Dương đệ nhất cầu" – câu cầy dây văng lớn nhất Đông Dương. Câu cầu nối hai bờ Lai Châu – Điện Biên ngày nay. Toàn bộ cây cầu Hang Tôm cũ giờ đã chìm sâu xuống lòng hồ khoảng 20m. Mỗi lần đến Hang Tôm mới, ta hoài niệm về một thời đã qua. Tìm đâu đó dưới con nước xanh câu cầu từng "nối đôi bờ no ấm".

Nếu là người ưa thích tìm hiểu văn hoá bản địa, bạn có thể thăm quan các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc ở phường Na Lay, sản xuất và chế biến đồ gỗ ở phường Sông Đà hay nghề đan lát đồ gia dụng ở xã Lay Nưa. Tối đến, dừng chân trong những nếp nhà sàn truyền thống, bạn có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng đắng, nộm hoa ban, gỏi cá, lạp, pa pỉnh tộp, đặc biệt không thể không kể đến món cá lăng, cá chiên và tôm sông Đà nổi tiếng khắp vùng. Hòa trong hương rượu ngô thơm ngọt, men say ngây ngất, bạn cùng theo vòng quay của điệu xòe, thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái.


