10:28 07/05/2007

Mỹ - EU thúc đẩy hợp tác hai bờ Đại Tây Dương

Trung Việt

Mỹ và EU vừa ký thỏa thuận mới về hợp tác kinh tế 2 bờ Đại Tây Dương và một thỏa thuận dịch vụ hàng không “bầu trời mở” mang tính lịch sử

Mỹ và EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường của nhau.
Mỹ và EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường của nhau.
Tại Hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra tại Washington, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa ký thỏa thuận mới về hợp tác kinh tế 2 bờ Đại Tây Dương. Đồng thời, hai bên cũng đã ký một thỏa thuận dịch vụ hàng không “bầu trời mở” mang tính lịch sử, dọn đường cho việc tăng cường sự cạnh tranh trong ngành hàng không Mỹ - EU.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU đã diễn ra tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ George W.Bush, Thủ tướng Đức Angela Merkel, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU và nhóm Các nước công nghiệp phát triển và Nga (G8), cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso. Chương trình nghị sự của hội nghị đã đề cập các vấn đề lớn như hiện tượng biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, vòng đàm phán về tự do thương mại toàn cầu, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Ngoài ra, những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng như công cuộc tái thiết Iraq và Afganistan, tiến trình hòa bình Trung Đông... cũng đã được đề cập. Tuy nhiên, hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất là việc Mỹ - EU ký thoả thuận mới về hợp tác kinh tế 2 bờ Đại Tây Dương và Hiệp định hàng không ''bầu trời mở'.

Các nhà phân tích cho rằng thoả thuận về hợp tác kinh tế có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng cách cân đối lại các tiêu chuẩn, đặt nền tảng cho thị trường chung EU - Mỹ. Xét về cả lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, Mỹ và EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư lớn nhất vào thị trường của nhau.

Xuất khẩu của Mỹ sang thị trường 27 nước thành viên EU đạt kim ngạch gần 200 tỷ USD/năm; khoảng 50% lượng hàng hóa Mỹ xuất sang EU là máy móc và ôtô. Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Mỹ đạt hơn 300 tỷ USD/năm; thặng dư thương mại hàng hóa của EU với Mỹ vẫn duy trì đà tăng trong những năm gần đây.

Trong số 27 thành viên EU, Đức là nước xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều nhất, chiếm tới 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang thị trường này, tiếp đến là Anh với 21%. Anh và Đức đồng thời cũng là hai nước nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhiều nhất trong EU, với các mức tương ứng 21% và 20%.

Tại hội nghị cấp cao lần này, Tổng thống Bush đã ký Hiệp định “bầu trời mở” với các nhà lãnh đạo EU. Hiệp định dọn đường cho việc tăng cường sự cạnh tranh trong ngành hàng không xuyên Đại Tây Dương. Theo thỏa thuận, bất kỳ một hãng hàng không EU nào cũng có thể bay từ bất cứ một điểm nào trong khối 27 quốc gia thành viên của EU tới Mỹ và ngược lại. Không có một hạn chế nào về số lượng chuyến bay, lộ trình hay loại máy bay.

Việc tăng cường cạnh tranh sẽ giúp “cải tổ” thị trường vận chuyển đường hàng không vượt Đại Tây Dương và dẫn tới hạ giá vé, ông Jacques Barrot, Phó chủ tịch EC tuyên bố. Hiệp định này cũng sẽ nới lỏng giới hạn về số lượng dịch vụ bay giữa EU và Mỹ và bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng 3/2008.

Với Hiệp định này, Mỹ và EU kỳ vọng hàng năm có thêm 25 triệu hành khách qua lại đôi bờ Đại Tây Dương, tạo thêm 80.000 chỗ làm việc, hành khách tiết kiệm được hàng năm 15 tỷ Euro và các hãng hàng không cũng kiếm lời thêm được hàng tỷ Euro. Đây cũng là thách thức lớn đối với các hãng hàng không thuộc các châu lục khác. Như vậy, sự ràng buộc lợi ích khiến hai bên xích lại gần nhau nhiều hơn.

Tuy nhiên, mặt trái của việc thực hiện Hiệp định này là ô nhiễm môi trường sẽ tăng khi số lượng chuyến bay và hành khách tăng nhanh như vậy; cạnh tranh giữa các hãng hàng không trên thị trường mở này sẽ ngày càng quyết liệt và việc phá sản, thất nghiệp, sa thải nhân công là không tránh khỏi. Rồi đây, khi những mặt trái nói trên trở thành gánh nặng đối người dân và môi trường, thì chắc chắn Mỹ và EU sẽ phải có những biện pháp đối phó rất tốn kém về tài chính và nhạy cảm về chính trị.

Giới quan sát cho rằng, với việc EU-Mỹ nêu ra hàng loạt vấn đề trong chương trình nghị sự Hội nghị cấp cao Mỹ - EU lần này và ký các hiệp đinh quan trọng về kinh tế, bà Merkel đã tạo được dấu ấn cho riêng mình và cho nước Đức trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU lần này.